Friday, October 20, 2006

Water rights ở California

Gần 12h rồi mà bọn này vẫn còn nhảy nhót cười đùa ầm ĩ, còn mình thì ngồi ở thư viện 8 tiếng đồng hổ từ lúc 3h đến 11h để đọc bài cho nngày mai. Mà thực sự có ở nhà thì mình cũng chả thích. Bọn nó cũng là sinh viên quốc tế, nhưng đa số là đi theo diện trao đổi ngắn hạn, nên cũng khá rảnh. (có khi tại phong cách bọn nó là phải ăn chơi chứ không như dân Việt Nam mình, ngồi ôm máy tính chát suốt ngày mà chả bao giờ ló mặt tới cái party nào. Biết làm sao được, phong cách nông dân ngấm vào máu rồi, dễ gì pha loãng được.)


Nếu mình rảnh thì chắc cũng ở nhà tham gia với chúng nó, cho mấy thằng Mexico nó đỡ ngại. Đàng này ngày hôm qua sau khi học xong ông giáo sư mới nhắc là lần tới thảo luận 4 chương đầu của cuốn sách tham khảo. Hôm bắt đầu học kỳ thì cuốn đó không còn ở hiệu sách, vả lại nhìn trong bảng phân phối chương trình cũng không phải đọc liền nên mình bảo để từ từ rồi quên mất. Hôm nay mới đi mua  thì hoá ra cuốn đó dày cộp hơn 500 trang, có 8 chương. May (mà có may không chả biết) là 4 chương đầu chỉ có ... 200 trang. Lật ra nhìn xong là rụng rời. Làm sao mà nhai nổi.


Nhưng cũng phải đọc thôi, nếu không ngày mai biết lấy gì mà ậm oẹ trên lớp. Ngồi lì ở thư viện từ 3h cho tới 11h mới tạm xong (đó là đã tự ý bỏ đi một số đoạn có vẻ dài dòng và không cần thiết rồi nếu không thì có mà đọc tới sáng. Vừa đọc mà thỉnh thoảng lại nghĩ mình có nên drop môn này cho rồi đi không, vì mệt quá, mà trong lớp nhiều khi cũng chán, chả nghe được chúng nó nói gì. Nhưng mà bỏ môn này thì hoá ra kỳ này mình rảnh quá à? Phải khép mình vào khuôn khổ, phải lo mà học chứ hễ thấy khó là  bỏ thì làm sao khá được. (Hồi đó giờ mình toàn thấy khó là bỏ thôi, bây giờ phải thay đổi chứ, nếu không thì chờ đến bao giờ.)


Hai chương đầu thì chỉ có 50 trang thôi mà có cảm giác mình đọc hoài không hết. mắt thì cứ díp lại, đôi khi chả biết mình đang đọc cái gì, tới chỗ nào nữa. Cố lắm mới hết đuợc. Mà đã lược bớt mấy đoạn có vẻ dài dòng không cần thiết rồi.


Hoá ra cuốn sách này nói về chuyện water resources ở California, mà chính xác hơn là cách mà người ta giành giật và xài nước. Chương đầu nói về thời kỳ dân châu Âu chưa lọ mọ tới vùng Cali. Dân da đỏ thì thưa thớt, sống toàn săn bắt hái lượm chứ chả biết nuôi trồng là gì, nên họ phụ thuộc khá nhiều vào nguồn nước, vì thức ăn toàn ở gần đó chứ đâu. Vì vậy mà dân da đỏ rất có ý thức bảo vệ thiên nhiên. (Đọc tới đây lại nhớ tới bài Colors of the wind, bài này lấy ý từ bức thư của một thủ lĩnh da đỏ gửi cho dân da trắng. Cũng do Cali có nhiều vùng địa hình, khí hậu khác  nhau nên các nhóm dân da đỏ tại các khi đó cũng hoàn toàn khác nhau).


Chương 2 thì đến lúc dân Tây Ban Nha từ Mexico mở rộng lãnh địa lên phía Bắc. Bọn này đi theo kiểu y chang dân Việt mình Nam tiến, cũng lập trại ở 1 vùng đất mới với sự hỗ trợ của quân đội rồi từ từ lấn tới. Dân da đỏ phần bị mất đất, phần bị lây bệnh lạ từ dân da trắng, phần bị giết do chông đối, dần dần chả còn mấy mống và phải rút vào sống trong lặng lẽ ở các vùng xa xôi và chết lần mòn chết mòn. Dân Tây Ban Nha mang tư tưởng của chính quốc về chuyện nguồn nước, coi nước là nguồn đem lại của cải và quyền lực. Quyền lực lúc đó thuộc về vua Tây Ban Nha, nhưng chính toàn quyền tại Mexico là người trực tiếp quyết định. Chính vì thế mà chính quyền là người ra quyết định phân chia nguồn nước và trao quyền sử dụng cho các cộng đồng sao cho công bằng.


Đến khi Cali tuyên bố độc lập và sáp nhập vào liên bang thì làn sóng dân săn vàng đổ đến miền Tây. Dân này mang tư từởng tự do không muốn bị ràng buộc nên chả coi nước là quyền lực mà chỉ là nguồn đem lại của cải. Ai mà chả muốn làm giàu, thế nên tất cả lao vào khai thác nước không thương tiếc. Do càng lúc càng công nghiệp hoá nên đến lúc thành lập nguyên tập đoàn chuyên cung cấp nước cho các hầm mỏ, cho dù chúng có xa nguồn nước cách mấy. Có tập đoàn đem nước của nguyên cả con sông đem bán rồi sau đó trả lại phía dưới nguồn dòng nước đục ngầy đất cát. Rồi thì đánh nhau, giành giật. Chính vì tự do nên thể chế của nó cũng khác, và mọi chuyện trở nên rối tung, ai muốn làm gì thì làm và nếu có tranh chấp thì cứ kéo nhau ra tòa. (Bọn này có truyền thống kiện tụng từ sớm hèn gì luật sư của nó nhiều như kiến). Chương 3 này đọc muốn mờ mắt vì dính dáng quá nhiều tới thể chế, chính trị, xã hội.


Nếu những chương trước chỉ chủ yếu đề cập đến nước cho nhu cầu trồng trọt hay chăn nuôi ở các trang trại thì chương 4 đi sâu vào quá trình giành giật nước của 2 thành phố lớn nhất bấy giờ là Los Angeles và San Francisco. Mỗi thằng có một hoàn cảnh riêng nên kết thúc cũng khác nhau. Dễ dàng đoán được Los Angeles thành công hơn San Francisco, bởi vì ngày nay nó phát triển hơn nhiều. Chuyện giành giật nguồn nước của 2 thành phố này có nhiều chuyện khá bi hài mà nếu không đọc chắc chả thể nào nghĩ ra được. Nếu có thời gian (và nếu còn nhớ) thì cuối tuần này sẽ viết lại để dành.

No comments:

Post a Comment