Monday, October 23, 2006

Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa



Vào những năm 70, hai chàng trai Mã và Lưu được gởi về vùng nông thôn trong chiến dịch cải tạo trí thức của Mao Chủ Tịch vĩ đại. Nơi họ đến là một làng thôn quê hẻo lánh nằm trên ngọn núi xa xôi có tên là Phượng Hoàng. Lưu là con của một nha sĩ đã từng chữa răng sâu cho một nhân vật nào đó trước thời Mao, nên tất nhiên là có tội ác với nhân dân. Nằm trong vùng núi non hẻo lánh, nên việc Mã và Lưu đến được cả làng xem như một hiện tượng lạ.  Dĩ nhiên theo logic của phim ảnh thì những trường hợp nông thôn thành thị giao lưu như vậy thể nào cũng xảy ra chuyện cười. Sách của cả hai bị đốt và cây vĩ cầm của Mã suýt rơi vào lửa nếu Lưu không nhanh trí bảo Mã đàn một bản nhạc của Mozart nhan đề  “Mozart nghĩ đến Mao Chủ Tịch”. Ông trưởng làng, như bao trưởng làng ngu dốt, trung thành và tận tuỵ khác gật gù: "Có thế chứ, Mozart lúc nào mà chả nghĩ tới Mao chủ tịch."

Cuộc sống buồn tẻ và nặng nhọc của hai anh chàng đang bị cải tạo trí thức ở cái xó miền cao gần như không có bóng dáng văn minh ấy cũng giống như trên các phim thời kỳ cách mạng văn hoá khác. Rồi cả hai đều cùng để ý tới cô bé cháu ông già thợ may ở làng kế bên. Do tính chất nghề nghiệp nên họ được dịp đi nhiều nơi và vì thế hai ông cháu nhà thợ may có thể xem như là những người văn minh nhất , và một phần cũng vì mẹ cô gái là cô giáo duy nhất của vùng, cho dù bà đã mất trước khi kịp dạy con gái mình đọc chữ.

Cô bé cũng muốn khám phá thế giiới bên ngoài thông qua hai anh chàng thành phố. Cô muốn biết đọc, biết viết, biết những điều xa xôi ở những phương trời khác. Nhưng tìm đâu ra sách khi mà tất cả những gì không thuộc về Mao Chủ tịch đã bị đốt bỏ hoàn toàn. Làng bên cạnh có một thanh niên cũng bị cải tạo, tên là Bốn Mắt, có mang theo được một rương truyện. Cả 3 tìm cách ăn trộm và giấu vào một hang động, để dành đọc từ từ.  Cả hai chàng trai bị cuốn hút vào thế giới của nhữnng Balzac, Dostoevsky, Dumas… và thậm chí, Lưu còn truyền niềm đam mê của mình cho cô bé thợ may, với một suy nghĩ hết sức hăm hở là sẽ làm cho cô bớt ngây thơ và trở thành người văn minh hơn.

Và cậu đã đạt được điểu đó, dù kết thúc không như mong đợi. Cô bé thợ may quyết định rời bỏ cuộc sống buồn tẻ ở cái xó xỉnh vùng cao để đến thành phố, bởi vì Balzac đã cho cô biết một điều mà cô từ lâu chẳng tự nhận ra: “Vẻ đẹp là nguồn của cải vô giá của người phụ nữ”. Và cô đi, để thấy thế giới bên ngoài rộng lớn thế nào và cũng để không phí hoài nguồn của cải đó.

Hai mươi lăm năm sau, Lưu trở về từ Pháp để thăm lại ngôi làng nơi anh đã trải qua một quãng đời tuổi trẻ trước khi nó bị nhấn chìm dưới mặt nước của đập thuỷ điện Tam Hiệp. Người mà anh mong gặp lại không có trong lễ thả  thuyền cho người chết năm đó, và trong số những chiếc thuyền trên sông kia không biết có ghi tên cô gái ngày xưa? Chỉ biết là cô đã sống cho chính mình, đã thay đổi cuộc đời mình bởi một ông nhà văn râu mép và trán hói mà một lần dân làng bắt gặp hình vẽ trong cuốn sách bảo đó là Lênin.

 Cảnh phim này không xuất sắc như những phim Trung Quốc khác mình đã từng xem, nhưng cũng vào hàng đẹp. Một đôi cảnh trong phim mình có cảm giác như thực hiện ở Sapa. Các diễn viên, lúc đó đã có chút ít tên tuổi (Trần Khôn, Châu Tấn và Lưu Diệp), diễn xuất tròn vai. Chỉ có điều, nhân vật mình thích nhất không phải là họ mà là ông trưởng thôn đầu đất vừa dắt trâu vừa bình luận bản Hồ Thiên Nga viết cho Lênin nghe không hay như bản Mozart ca ngợi Mao Chủ Tịch.

No comments:

Post a Comment