Tuesday, October 17, 2006

Nước Mỹ trông chờ công dân thứ 300 triệu

Nhờ có cái chương trình coi TV online mà mình biết được hôm nay nước Mỹ  sẽ chào đón công dân thứ 300 triệu. Tối hôm qua  CNN có nguyên chương trình dài mấy tiếng đồng hồ về chuyện này. Nhờ đó mới biết, nước Mỹ đang gặp những vấn đề không phải dễ giải quyết, nổi cộm nhất vẫn là chuyện dân nhập cư. Theo số liệu của Cục Dân số Mỹ, mỗi 8 giây có 1 đứa trẻ ra đời, mỗi 14 giây có 1 người chết đi và mỗi 31 giây có một người nhập cư vào nước Mỹ. Như vậy, cứ 14 giây thì dân số Mỹ lại tăng thêm 1. Chính vì có cả tăng tự nhiên và tăng cơ học như thế, nên có một số ý kiến mai mỉa cho rằng nên đón chào công dân thứ 300 triệu của nước Mỹ tại các bệnh viện hay là tại tòa án, nơi người ta ra quyết định cho trao quốc tịch Mỹ cho những người nhập cư!


Rõ ràng dân nhập cư dù hợp pháp hay bất hợp pháp đều có những ảnh hưởng lớn đến xã hội Mỹ. Trong đó, những người làm chương trình không giấu diếm sự lo ngại về tình trạng dân Mexico tràn ngập các nẻo đường nước Mỹ. Có một thị trấn, ở Virginia hay Georgia gì đó, trong số mấy trăm ngôi nhà dọc theo một tuyến đường chỉ còn có 2 người tạm gọi là dân Mỹ chính gốc, còn lại các nhà khác toàn dân Mexico. Và dĩ nhiên dân Mexico thì nói tiếng Tây Ban Nha, các bảng hiệu cũng từ từ Tây Ban Nha hoá. Hai người đàn bà dân Mỹ chính gốc buồn bã, cay đắng nói rằng họ có cảm giác như bị mất mát cái gì đó quá lớn.

Mà không chỉ hai người đó cảm thấy điều đó. Dân nhập cư Hispanic tràn ngập khắp nước Mỹ, theo ước tính thì có khoảng 10 triệu. Tất nhiên, cũng giống như dân nhập cư từ những nước nghèo, họ chấp nhận làm tất cả những công việc mà dân Mỹ chính hiệu không thèm làm, vì chê lương thấp hay vì chê không xứng đáng. Họ làm tất, và dĩ nhiên dân Mỹ chính hiệu cảm thấy tức tối bởi tại bọn này mà bọn chủ có cơ hội ép giá nhân công. Trong khi đó, dù gì đi nữa thì công việc và cuộc sống ở Mỹ cũng dễ hơn ở nước nhà, nên hàng hàng lớp lớp dân Mexico lũ lượt kéo nhau qua biên giới (hợp pháp lẫn không hợp pháp) vào Mỹ. Dân nhập cư lậu lỡ có bị bắt chỉ bị áp tải về bên kia biên giới rồi thì lại tiếp tục leo rào vào Mỹ vài tiếng đồng hồ sau. Dễ còn hơn đi chợ.

Nhưng rõ ràng cuộc sống của họ không thể nào so sánh đựoc với dân chính gốc. Dân chính gốc được hưởng giáo dục đầy đủ, được chăm sóc sức khoẻ tận răng trong khi chả có gì bảo đảm cho dân nhập cư cả. Vẫn biết là cuộc sống của họ ở đây vẫn tốt hơn ở nứơc họ nhiều, nhưng vẫn thua xa mức trung bình của dân Mỹ, và vì vậy họ làm nhếch nhác hình ảnh của nước này. Mà quả thật mình cũng có cảm giác như thế. CNN đưa ra một so sánh giữa 2 đứa trẻ cùng 12 tuổi. Một đứa sống sống yên ấm đầy đủ với bố mẹ thành đạt và một đứa gốc Mexico sống với mẹ và 7 anh chị em trong một căn nhà chật hẹp với tất cả các nơi đều là phòng ngủ. Thu nhập (thực chất là tiền trợ cấp thất nghiệp) của bà mẹ là 500$/ tháng. 500$ cho 9 miệng ăn! Cả nhà chỉ ăn toàn khoai tây nghiền vì thịt là quá đắt đỏ. Cũng như những đứa trẻ khác, thằng bé cũng hy vọng lớn lên nó được vào đại học và trở thành người thành đạt, không như thằng bé con nhà giàu kia, nó tin tưởng là nó sẽ làm được. Dù sao thì cũng hy vọng cả hai đều có được cái mà chúng muốn. Nhưng rõ ràng cùng một tuổi nhưng khoảng cách của hai đứa quá xa vời.

Sở dĩ dân nhập cư từ những nứơc khác không được đề cập tới một cách chi tiết bởi vì vấn nạn đó quá nhỏ so với dân Hispanic. Chứ thật ra đa số những người đi tìm vùng đất mới bởi vì không thể sống nổi ở quê nhà thì cũng rơi vào tình trạng là tầng lớp dưới cùng của xã hội, dù ở đâu đi nữa. Chỉ khác là có thể ở Mỹ, họ còn có việc để làm cật lực và kiếm được ít tiền trong khi nếu ở quê nhà thì chỉ có vật vờ chết đói vì không có việc.

Còn vài tiếng nữa, công dân thứ 300 triệu sẽ được cả nước Mỹ chào đón, cũng như họ đã hân hoan chào đón công dân thứ 200 triệu năm 1967.  Đứa trẻ có số mệnh lịch sử đó là con của một đôi vợ chồng di cư từ Trung Quốc 7 năm trước đó. Robert Ken Woo Jr, đứa trẻ được chọn ngày ấy bây giờ là một luật sư thành đạt,  tốt nghiệp luật ở Harvard. Nhưng cần lưu ý rằng bố mẹ cậu đều là kỹ sư chứ không phải là dân lao động chân tay và không vào nước Mỹ bằng cách leo rào qua biên giới.



No comments:

Post a Comment