Sau một tuần học, mình cũng bớt sợ đi một chút. Thật ra không phải vì mình giỏi. Học kỳ này học 5 môn thì môn Anh văn coi như không tính, seminar thì tới buổi đến ngồi vắt tréo chân vừa nghe vừa nhai cookies uống nước ngọt zero calori (miễn phí, tất nhiên!), chả phải nghĩ ngợi gì mà cũng chả phải lo gì vì không bắt viết báo cáo, lấy ai mà biết mình có hiểu mấy ông guest lecturer đó nói gì hay không. Còn lại 3 môn thật sự là chuyên ngành. Thật là trùng hợp khi có 2 môn học cùng một ông giáo. Ông này trước tốt nghiệp chính trị hay gì gì đó rồi mới chuyển sang làm về môi trường, vậy mà bây giờ giảng bài về water chemistry và physico-chemical processes cứ gọi là leo lẻo. (Nhầm. Ông này học BSc về Chemistry, sau đó học MSc về Public Policy rồi lại học PhD về Civil Engineering. Rắc rối quá).May mà mình cũng đọc được một mớ sách hồi xửa hồi xưa cộng thêm với mớ kiến thức luyện gà còn hồi xửa hồi xưa hồi xừa hơn nên cũng không đến nỗi ngơ ngẩn nhìn thầy và các bạn.
Môn Water resources management thì mới là kinh hoàng, mới vào ngày đầu ông giáo đưa cho 2 xấp handout bảo đọc đi 2 bữa tới tao đi không có nhà bọn sinh viên của tao sẽ tới thảo luận với tụi bây. Cái đầu tiên thì là bản dịch của một cuốn sách (thật ra là có 2 tập) về Cấp nước cho thành Rome từ 2000 năm về trước. Mới đọc vào cái đoạn mào đầu thì cũng hơi hoảng vì cách hành văn quái dị, mình đã tệ tiếng Anh rồi mà còn cho đọc cổ văn thì thật là dã man. Nhưng cũng may là mấy phần sau tương đối cũng đơn giản, nên mất hết buổi chiều trong thư viện thì cũng xong. Sáng hôm sau tí toét phát biểu loạn xà ngầu, chả biết có nói trùng nói lắp gì ý của bọn nó không vì đôi khi chả nghe được bọn nó nói gì cả. Chúng nó cứ nói ríu ríu trong cổ họng, nghe đuợc mới là lạ. Nói chung là không phí công đọc. Hai ngàn năm trước La Mã còn tân tiến hơn mấy nước nghèo hiện nay. Một ông "Bộ trưởng bộ Cấp nước" hồi đó còn biết rõ ổng phải và cần phải làm những gì hơn là người ta bây giờ.
Tới cái handout thứ hai thì chuyển về nước Mỹ thế kỷ 19 với chuyện giải quyết nước thải sinh hoạt đô thị và lịch sử hình thành ngành Sanitary Engineering, tiền thân của Environmental Engineering tân thời. Hóa ra Việt Nam mình còn đi sau chúng nó những 100 năm chứ chả phải 5-60 năm như mình nghĩ hồi xưa. Công nhận đọc thì thấy hay nhưng nhức đầu quá trời, đặc biệt là những phần liên quan đến thể chế, chính trị xã hội. Cho nên quyết định sẽ nghĩ về những điểm mà mình tâm đắc (biết chắc chắn thế nào mở đầu thảo luận đứa moderator cũng hỏi cái đó mà) vào sáng ngày hôm đó, lúc đạp xe đến trường. Ai mà ngờ sáng hôm sau dậy trễ, hộc tốc đạp xe vào trường còn suýt bị trễ, bao nhiêu thứ đọc được rụng hết trên đường. Nói loạn xạ cái gì đó (do vẫn còn đang thở, chả nghĩ được gì) chúng nó chắc chả hiểu gì vì thấy đứa nào đứa nấy nghệch mặt ra. Nghĩ thầm phen này chắc tiêu rồi. Ai dè có một đứa Mexico (lại Mexico, cái bang Cali này sắp thành bang Mexico-Neo rồi) nó đề cập tới dry sanitation, có đứa không biết mới hỏi lại. Chớp thời cơ, nhảy vào giải thích loanh quanh (may ghê, hồi xưa ở Nhật cũng có ích chứ) rồi nhân tiện chuyển qua decentralized system luôn. cả bọn cứ thế ngồi bàn tán đến hết giờ, bỏ luôn cái nội dung chính của handout. Thế là thoát.
Môn này thật ra không phải thi, chỉ viết paper thôi. Nhưng topic thì phải chọn (tự do) ngay từ đầu, ông giáo duyệt rồi mới làm. Cứ cách vài tuần lại phải báo cáo tiến độ (có lịch hẳn hoi), rồi thảo luận rồi chỉnh sửa rồi báo cáo trước lớp. Sợ nhất vẫn là viết paper. Bây giờ mình mà viết được 1 trang tiếng Anh cho ra hồn thì chắc chỉ có trong mơ. Thôi đành cố lê lết theo bọn nó cho hết mùa trăng này vậy. Dù sao môn này cũng khá hay, nhưng ông giáo chỉ nói về Water management ở Cali thôi. Các ví dụ, tài liệu đều là về Cali nên hổng biết có bay bổng quá đối với dân ở Chắc Cà Đao mới qua như mình không nữa.
Học kỳ này (thực chất là quarter, UC Davis là một trong những trường ít ỏi theo đường lối dã man chia năm học ra làm 4 term ) chỉ học có thế, nên không có học với nhân vật nào nổi tiếng. Hồi mới apply vào UC Davis, biết có George Tchobanoglous (đúng không chả biết nữa, tên gì mà khó nhớ bỏ xừ) là Giáo sư ở đây thì thấy khoái trá lắm. Nhưng tiếc là ông này giờ về hưu mất rồi, vẫn còn văn phòng ở khoa nhưng là Prof. Emeritus, không dạy nữa hay sao ấy. Tiếc quá. Hâm mộ ổng là tại vì đa số các sách về Environmental Engineering ổng đều đứng ra biên soạn cả. Hôm nọ trong lúc bàn về sách tham khảo cho môn Water treatment processes, ông giáo bảo thế nào giáo sư Tchobanoglous cũng bị kiện về cái tội viết sách quá dày, sinh viên mang vác sách nhiều bị cong cột sống. Ổng còn bảo (đùa thôi) bây giờ trong khoa đang có cái mốt so số trang sách mỗi khi xuất bản, sách ai dày hơn thì người đó biết nhiều hơn. Chỉ tội cho bọn sinh viên, è cổ ra mà mua (sách mắc kinh dị) rồi phải đọc nữa chứ.
Nhân vật thứ hai cũng nổi đình đám không kém, nhưng chắc không bằng ông trên. Không phải vì ông này không viết sách mà vì sách của ông này không nhiều (dày thì cũng không kém, hồi ở Nhật mình có đọc 1 cuốn của ổng rồi. Cuốn đó có chữ ký và lời đề tặng của ổng nữa. Ông giáo Nhật của mình hồi đó lật ra khoe với mình một cách hãnh diện lắm) và không dùng làm sách giáo khoa. Nhưng bù lại ông này được giải Stockhom Water prize , mà hồi xưa ông giáo ở Nhật của mình bảo 'tương đương Nobel Prize của ngành Environmental Engineering. Ông này thì mình có gặp (chính xác là thấy) những 2 lần hồi ở Nhật. Ông giáo Nhật của mình từng làm việc với ông này cũng chính tại UC Davis khoảng hơn 10 năm về trước. Ông giáo của mình trọng ổng lắm, cứ gọi là đi theo cung kính (hay tại dân Nhật như thế). Lần đó ổng qua khoa nói về Wastewater Reclaimation ở Cali, hóa ra bây giờ lại có ích cho mình, lấy cái đó làm chủ đề cho cái paper về Water management luôn. Lần thứ hai thì ổng về trường Hokkaido để nhận bằng tiến sĩ danh dự. À, tìm được tên ổng rồi.
"Stockholm Water Prize - Laureates
2001: Professor Takashi Asano
University of California at Davis, United States
For his outstanding contributions to efficient use of water in the domain of wastewater reclamation, recycling and reuse through theoretical developments, practical research and worldwide adaptation and promotion. "
(From: http://www.siwi.org/)
Thấy sang bắt quàng làm họ tí, nhưng ông này cũng lên làm Prof Emeritus mất rồi. Thôi thì chịu khó tìm người khác vậy.
No comments:
Post a Comment