Monday, October 30, 2006

Một bữa no



Có ai đọc truyện này của Nam Cao chưa? Nếu chưa thì tìm đọc thử rồi sẽ thông cảm cho tình cảnh của tui hôm qua và hôm nay.
Ngày hôm qua, để khai trương cái giỏ xe sau mới (chôm), tui hăm hở chạy đi siêu thị sớm hơn bình thường, vì không thể trì hoãn cái sự sung sướng (copy right của ai quên mất rồi) được chở đồ trong hai cái giỏ đó lại hơn được nữa. Hãy thử tưởng tượng tui mua những gì ngày hôm qua: 8 cái đùi gà luôn cả phần phía trên chứ không phải chỉ là bắp đùi (để dành nấu càri Thái),  hơn nửa kí thịt bò hơi có gân (định nấu bò kho), 2 con cá saba mỗi con chừng hơn nửa kí (chả biết làm gì, chỉ thấy lâu lâu mới có cá đó và lại rẻ nên mua, rồi nghĩ bụng thôi thì nướng lên cuốn bánh tráng. tự nhiên lúc đó thấy thèm món đó kinh khủng), 1 cái bánh mì baghếch (viết vậy cho nhanh, khỏi tra) 2 kí táo, 1 cái bắp cải, 1 cây xà lách, một mớ cà rốt, khoai tây, khoai lang, củ hành trắng, cà chua, một bó hành và thì là để ăn kèm cá vì siêu thị này chả thấy mấy cái rau thơm khác. (May mà ở nhà vẫn còn một mớ xúch xích với jambon và nửa cái bắpo cải thảo, nếu không thì còn mua nhiều hơn). Àh, thêm một bình sữa ít béo hơn 3 lít nữa. Càng tệ hơn là sau khi mua cả đống đồ thì mới chợt nhớ ra là mình hết gạo, thế là phải vác thêm 10kg gạo nữa. Đúng là khai trương giỏ hoành tráng thật. 2 cái giỏ lặc lè, còn mình vẫn phải đèo cái balô nặng chịch.
Trên đường về nhà nghĩ bụng thôi thì nhân dịp này mời tụi nhóc ăn cá cuốn bánh tráng với mình cho nó vui. Từ lúc ở chung nhau đến giờ mạnh đứa nào nấy ăn, chả có bữa nào làm công tác quảng bá văn hóa cho tụi nó hết. Nghĩ vậy nên hăm hở đạp về, trên đường vế ghé ngang vệ đường ngắt thêm vài đọt húng mọc bên ngoài hàng rào của nhà nọ (mình tăm tia ngay từ hôm nó mới nhú đọt xanh). Thật là xấu hổ, ở đâu cũng không bỏ được cái thói dòm dòm ngó ngó kiếm rau thơm trong công viên với lại bồn hoa. Mà có vẻ dân bên này còn tệ hơn cả bọn Nhật, chả thấy trồng rau thơm làm cảnh gì cả. Chán.
Lê đuợc về nhà thì bọn nó đi đâu mất hết. Đành chia ra, 1 con cá nướng, 1 con nấu canh để ngày mai ăn. Nướng cá, rửa rau xong thì phát hiện mình không mang theo bánh tráng qua. Chả hiểu thế nào mà lại cứ đinh ninh là mình có đem mới chết chứ. Thôi thì cũng tốt, lấy lá cải cuốn ăn cũng có sao đâu.
Hậu quả là chiều tối hôm qua mình ăn một chế độ ăn mất cân bằng trầm trọng, chỉ có đạm, xơ và vitamin, không có tí tinh bột nào. Một mình mình ngồi ngốn hết tất cả mấy thứ bày trên bàn (dĩ nhiên trừ chén dĩa đũa, cái ly và xương cá).  Tới tối, bụng đã đói thì chớ, lại còn sôi òng ọc, réo ùng ục, phập phồng tới nỗi lúc đang nằm ngâm trong bồn tắm mình cứ thấy mặt nước chao tới chao lui theo nhịp của cái bụng mình. Lúc đó do nước hơi nóng nên đầu óc kém minh mẫn, cứ nghĩ là do đang có động đất nhỏ nên cả cái bồn tắm nó chao qua chao lại. Ra ngoài rồi mới nghĩ ra nguyên nhân.
Phần kế tiếp thì cũng dễ đoán thôi, phải không? Tui đóng phim Tam Quốc. Tới sáng dậy vẫn còn lừ đừ, mà bụng thì trống trơn. May mà không kết thúc như bà lão của Nam Cao.

Sunday, October 29, 2006

Ở trường Chủ nhật

Chương trình này, cũng như Ở nhà chủ nhật của VTV3, được phát sóng như thường lệ bắt đầu từ sáng thú 7 chứ chẳng phải chủ nhật như cái tên của nó. Ngày hôm qua lếch thếch chạy tới trường thì nhận được cái mail của thằng chugn nhóm, xin lỗi vì tối qua tao ăn chơi quá nên sáng nay dậy trễ, mày chờ tao chạy vô công ty lấy cuốn sách rồi chạy tới trường ngay. Khoảng 1h30 thì lại nhận được cái mail khác bảo thôi tao xin lỗi mày, 5h tao có chầu đá banh rồi, nếu mà chạy lên chạy về thì chả có thời gian học được bao nhiêu, tao đến thư viện gần nhà ngồi làm bài bvậy. Mai nhé. Ứ thì kệ mày, mày học cho mày chứ có phải cho tao đâu mà tao phải lo. Tao chỉ sợ không làm xong cái bài tập về thiết kế thôi chứ còn bài tập về nhà và thi giữa khoá thì mạnh đưa 1nào nấy làm, mắc mớ gì đến nhau.


Một mình mình vật vã làm mấy cái bài tập từ 12 h cho đến lúc thư viện đóng cửa lúc 6h mà vẩn chưa xong. Khủng khiếp thật, thế mà mình vẫn đinh ninh trước đó là nó dễ. Mà cũng không khó lắm, chỉ tại mình khôngcẩn tậhn tính toán với nhập công thức vào excel, thành ra kết quả cứ loạn lên. May mà có đáp án nên mới phát hiện ra mình sai. Lúc đứng lên đi về thì mắt mỏi ơi là mỏi, chả biết sau này có bị cận không nữa. Kiểu này là dễ cận lắm đây. Mà cận cũng hay, nhìn cho nó có vẻ trí thức. Hi hi, mặt lưu manh như mình mang kiếng cận chắc là buồn cười chết, làm gì mà trí thức như người ta.


Rồi lon ton chạy ra ngoài chỗ bãi xe cũ chọn lựa đã đời mới kiếm được cái giỏ xe ưng ý, tháo tháo một hồi mới phát hiện nó chả khớp với xe mình. Thế là lại chạy đi tháo cái khớp nối từ một chiếc khác, đem về nhà ráp lại xem sao. Tối về ngồi lúi húi lắp lắp ráp ráp, thiếu cờ lê mỏ lết (chỉ có mỗi 1 cái tua-vít 1$ nên cứ vật vã với cái mớ ốc vặn đó. Cuối cùng thì cũng xong, nhưng có 1 cái khớp trên cái giỏ đó do lâu ngày quá nên nó rỉ sét mất, gỡ hoài không ra. 2 thằng Mễ cùng nhà cũng xúm lại, mắm môi mắm lợi vặn vẹo, đè nén đủ đường. Một đứa đùa: 3 thằng kỹ sư và 1 cái khớp nối nhỏ xíu. Cuối cùng giải pháp là phải cho nó tí dầu bôi trơn. Nhà mình làm gì có dầu nhớt với mỡ bò? Ừm, mà khoan đã, dầu nào chả là dầu, kể cả là dầu ăn phải không Image!?


Sáng thúc dậy hơi sớm, thấy đồng hồ trên máy tính mới có hơn 5h. Nhưng trời khá lạnh nên cũng tỉnh luôn. Buồn quá chả biết làm gì, ngồi update lên IE7 và WMP 11 cho sang. Dù gì mình cũng xài Windows có bản quyền, hổng update thì cũng uổng. Khi đi ăn sáng thì phát hiện đồng hồ trên bếp với đồng hồ máy tính chệch nhau 1h. Chắc là vì mình cài lung tung nên nó đổi cũng nên.


Sau một hồi khua khoắng ầm ĩ trong bếp thì thằng ở chung nhà nó chui ra, vừa dụi mắt vừa hỏi mày chuẩn bị đi đâu mà sớm vậy. Mày có biết là từ bữa nay phải vặn đồng hồ ngược lại 1h không? Hic, hic, lần đầu tiên, chưa có kinh nghiệm nên có biết đâu. Mà sao chúng nó không chọn ngày đầu tháng mà cứ chọn ngày chơi vơi thế này ai mà biết đường mà nhớ. Lỡ rồi thì thôi, cứ đến trường vậy, chứ ở nàh cũng chả làm gì. Đến trường mình tìm thêm vài con ốc với 1 cái giỏ nữa lắp vào cho đủ bộ.


Bây giờ thì thư viện vẫn chưa mở cửa, trong khi mình đã lắp xong hai cái giỏ vào ghi đông của xe mình rồi. Từ nay đi siêu thị không phải vác một ba lô đầy nhóc sau lưng và treo lủng lẳng tòn ten đủ các thể loại ở cổ xe nữa. Ngay lần đầu thấy mấy cái xe ở đây lăp mấy cái giỏ đó là mình đã thấy tiện. Nhưng mà tiền mua giỏ thì gần 30$, công lắp cũng ngần đó nên mình tiếc (dĩ nhiên, lắp có tí ti mà lấy nhiều tiền thế). Một cái tua vít 1$ và một tí liên láo là xong ấy mà. Trường nào mà chả có xe cũ vô chủ, cần gì thì cứ thế mà tháo thôi.


Cả ngày hôm nay chắc mình còn ngồi tự khen mình dài dài. Hê hê, công nhận, dân mình chỉ mỗi cái khôn vặt là giỏi.

Thursday, October 26, 2006

Phim 1: Balzac và cô thợ may Trung Hoa

Phim này được dùng Hjsplit chia làm 8 phần nhỏ, mọi người cứ copy cái link vào chương trình hỗ trợ download nào đó như Flashget hay IDM rồi ngồi chờ thôi. Chưa có thì load ở đây: Flashget . Cài xong thì cho nó chạy, vào Tool -> Option -> Connection, chỉnh lại cái Limit maximum simultaneous thành 8 cho có thể load nhiều file cùng lúc.
Chống chỉ định cho những ai xài ADSL dạng trả theo dung lượng, vì sẽ tốn ít nhất 30 ngàn cho 1 phim (tốt nhất là để tiền đó đi mua 2 cái DVD về mà xem cho khoẻ). Còn mạng chùa thì vô tư.
Image. Mà link chỉ tồn tại có 7 ngày thôi nhá.

Sau khi load xong thì dùng cái Hjsplit để nối lại. Load Hjsplit ở đây:Hjsplit

Phim này có phụ đề nên mọi người cũng cần có phần mềm cho phụ đề. Load ở đây:
Vobsub.

Còn gì hông ta. À, cần codec để xem phim nữa. Load và cài Divx ở đây: Codec. Xong. Sau đó bật phim lên coi được rồi. Lằng nhằng tí nhưng mà chỉ lần đầu thôi, ráng lên.

Link load phim đây:



Rồi. Có gì hú tui 1 tiếng nha.

Wednesday, October 25, 2006

Gió

Gió gì mà lắm thế. Gió thổi ầm ào suốt từ tối qua đến giờ. Sáng nay may mà đạp xe cùng chiều gió nên không đến nỗi tới lớp trễ, vậy mà cũng xém tắt hơi vì cắm đầu cắm cổ đạp. Mà thói thường đã gió thì phải kèm theo lạnh. Lạnh buốt. Đã thế phòng học bên này chả có hệ thống sưởi gì cả, làm lạnh thì có, thế mới đau chứ. Ngồi học mà cứ khoanh hai tay lại trước ngực, chân này bắt chéo lên chân kia để giảm tổn thất nhiệt. Mà có hiệu quả gì lắm đâu. Vẫn thấy lạnh. Mình cứ ỷ y nghe lời Đ. bảo là khí hậu bên này không lạnh lắm đâu, nên chả chuẩn bị quần áo ấm nhiều. Đã thế áo len trong thời tiết gió ẩm ướt này là thất sách, vì không ngăn được lạnh len vào. Phải mặc đồ mà vải kín mít thì mới đựơc. Bây giờ mà bỏ tiền ra mua thêm áo khoác thì hơi tiếc, thôi thì có một cái mặc một cái. Áo khoác mà, ai thắc mắc làm gì chuyện mình mặc có 1 cái ngày này qua ngày khác. Tháng sau vào mùa đông đã lạnh hơn lại có mưa nữa thì chả biết thế nào. Chắc bỏ tiền ra đi xe bus quá. Một tháng 50$ tiền xe bus, liệu có nên đầu tư không hay là lại đạp xe lọc cọc dưới trời mưa rét mướt. (Thảm chưa Image).

Sáng nay, mình đã cố gắng dậy sớm hơn mọi ngày, nhưng có lẽ vì dư giờ quá nên cứ đủng đỉnh rồi lại trễ. Vào lớp lại phát hiện là ngoài 50 trang mình đã đọc thì hôm nay còn thảo luận thêm về mấy cái chiến lược (hình như vậy, có đọc đâu mà biết là gì) nằm trong cái đĩa CD ông giáo đưa cho từ đầu. Cái tội lơ đãng, không chịu coi lại phân phối chương trình học trước khi đọc bài. Mà có coi thì chắc cũng chỉ làm mình mất ngủ đêm hôm qua nữa thôi. Cả trăm trang, ai mà đọc nổi. Ngồi ti toe mấy câu rồi hỏi thêm dăm câu qua quýt cho ông giáo trả lời để hết thời gian. Rồi cũng hết thật. Mà cái lũ kia có mấy đứa nó đọc bài nhiều hơn mình đâu, thôi thì cũng an ủi.

Tuần sau là thi giữa học kỳ, nhanh thật. Bài vở cứ dồn dập nên mình cảm thấy thời gian qua nhanh vun vút, chả có thời gian để buồn hay nghĩ ngợi vẩn vơ. Thế mà tốt. Chưa bao giờ mình cảm thấy vui vẻ vác ba lô đi học rồi vào thư viện đọc bài như dạo này. Giá mà có ai cho tiền mình đi học mãi nhỉ, có bao nhiêu thứ trên đời mà mình chưa biết. Mà làm sao được, hết kỳ này phải tìm giáo sư hướng dẫn rồi bắt đầu tìm hướng nghiên cứu thôi. Vào nghiên cứu rồi thì lại bi kịch như xưa cho xem. Cuộc đời là vòng xoắn ốc mà, chả bao giờ vui vẻ mãi được đâu.

Thông báo về Chương trình chiếu phim

Nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống tinh thần của bà con vùng sâu vùng xa không có điều kiện tiếp xúc với nghệ thuật thứ 7 và đáp ứng một số yêu cầu thảm thiết của một người (mình dạo này tình cảm gớm), kể từ hôm nay mỗi tuần tui sẽ up một phim lên yousendit và đưa link trên blog này. Mọi người chịu khó load về xem rồi còn vào bình loạn với tui cho vui. Nhé.


Hiện giờ trong máy của tui có một số phim sau:



  1. Khả Khả Tây Lý
  2. In the mood for love
  3. Nếu như yêu (Perhaps love, Kim Thành Vũ, Châu Tấn, Trương Học Hữu )
  4. Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa
  5. Series 3 colors: Red, Blue, White (chả biết cái nào trước cái nào sau) của Pháp
  6. Bức thư từ người đàn bà không quen (Trung Quốc, chuyển thể từ truyện của Stefan Zweig, một trong những tác giả mà tui thích).
  7. Thiên lý tẩu đơn kỵ - Phim của Trương Nghệ Mưu (không thuộc dòng màu mè như mấy cái kiếm hiệp của ổng)
  8. Xích lô (phim Việt, của Trần Anh Hùng, bị cấm chiếu ở VN vì nói quá thật).
  9. Sympathy for Mr/Mrs Vengeance (Hàn Quốc, nằm trong bộ  serie 3 phim Báo thù của Park Chan Wook, nhưng tui coi Oldboy rồi nên chỉ load 2 phim này thôi.)
  10. La Stanza Del Figlio, chả biết là gì, load về là do nó đoạt Cành cọ vàng 2001.
  11. Sounds of colors, phim hài tình cảm Hồng Kông có Lương Triều Vĩ.
  12. Turn left, turn right cũng tình cảm hài Hồng Kông

và một hai cái phim nhảm nhí Hàn Quốc và Nhật Bổn cùng vài phim nữa cũng sắp load xong.


Từ từ tui coi rồi up lên cho. Load về đầy đĩa cứng vậy chứ có coi đựơc bao nhiêu đâu.


 

Toán học cuộc đời

...
Image

Tuesday, October 24, 2006

Khả Khả Tây Lý (2004)



Mountain Patrol: Kekexili – Khả Khả Tây Lý



Khả Khả Tây Lý, khu bảo tồn động vật lớn nhất Trung Quốc, nằm ở độ cao 5000 mét trên cao nguyên Thanh Hải- Tây Tạng, là khu vực sinh sống của nhiều loài động vật quý hiếm, trong đó có loài linh dương Tây Tạng. Da của loài này được mua bán bất hợp pháp để làm khăn choàng cổ sang trọng.  Số lượng của chúng giảm đáng kể trong vòng 20 năm trở lại đây, do bọn săn lậu thường giết hàng trăm con một lúc. Từ những năm 1990, chính quyền Tây Tạng thành lập một đội đặc nhiệm tình nguyện để ngăn chặn việc này. Đôi khi những người tình nguyện phải trả giá bằng chính mạng sống của họ. Bộ phim Khả Khả Tây Lý mô tả cuộc đấu tranh chết – sống  giữa những tên săn trộm và đội đặc nhiệm trong khung cảnh tuyệt vời của vùng cao nguyên mênh mông. (Mình ước có một lần đến đó, sau khi xem xong “7 năm ở Tây Tạng”, và bây giờ là phim này). Trên nền cảnh vật đẹp tê người đó là cuộc săn đuổi của 2 toán người, đôi khi lằn ranh giữa sự sống và cái chết mỏng như sợi chỉ. Con người đôi lúc hành xử như những con vật, không đếm xỉa gì đến tình đồng loại. Những chàng trai rất trẻ, rất vô tư gia nhập đội tình nguyện, để rồi phải nằm lại vĩnh viễn trên những hoang mạc hoang vu hay trở về không còn hồn nhiên như ngày ra đi.


Phim không có sự xuất hiện của ngôi sao nào nhưng là hiện tượng của phim Trung Quốc năm 2004 khi đoạt được giải Kim Kê và hàng loạt các giải thưởng quốc tế khác. Phim này có sự tài trợ của National Geographic, hèn chi cảnh quay đẹp kinh.

Monday, October 23, 2006

Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa



Vào những năm 70, hai chàng trai Mã và Lưu được gởi về vùng nông thôn trong chiến dịch cải tạo trí thức của Mao Chủ Tịch vĩ đại. Nơi họ đến là một làng thôn quê hẻo lánh nằm trên ngọn núi xa xôi có tên là Phượng Hoàng. Lưu là con của một nha sĩ đã từng chữa răng sâu cho một nhân vật nào đó trước thời Mao, nên tất nhiên là có tội ác với nhân dân. Nằm trong vùng núi non hẻo lánh, nên việc Mã và Lưu đến được cả làng xem như một hiện tượng lạ.  Dĩ nhiên theo logic của phim ảnh thì những trường hợp nông thôn thành thị giao lưu như vậy thể nào cũng xảy ra chuyện cười. Sách của cả hai bị đốt và cây vĩ cầm của Mã suýt rơi vào lửa nếu Lưu không nhanh trí bảo Mã đàn một bản nhạc của Mozart nhan đề  “Mozart nghĩ đến Mao Chủ Tịch”. Ông trưởng làng, như bao trưởng làng ngu dốt, trung thành và tận tuỵ khác gật gù: "Có thế chứ, Mozart lúc nào mà chả nghĩ tới Mao chủ tịch."

Cuộc sống buồn tẻ và nặng nhọc của hai anh chàng đang bị cải tạo trí thức ở cái xó miền cao gần như không có bóng dáng văn minh ấy cũng giống như trên các phim thời kỳ cách mạng văn hoá khác. Rồi cả hai đều cùng để ý tới cô bé cháu ông già thợ may ở làng kế bên. Do tính chất nghề nghiệp nên họ được dịp đi nhiều nơi và vì thế hai ông cháu nhà thợ may có thể xem như là những người văn minh nhất , và một phần cũng vì mẹ cô gái là cô giáo duy nhất của vùng, cho dù bà đã mất trước khi kịp dạy con gái mình đọc chữ.

Cô bé cũng muốn khám phá thế giiới bên ngoài thông qua hai anh chàng thành phố. Cô muốn biết đọc, biết viết, biết những điều xa xôi ở những phương trời khác. Nhưng tìm đâu ra sách khi mà tất cả những gì không thuộc về Mao Chủ tịch đã bị đốt bỏ hoàn toàn. Làng bên cạnh có một thanh niên cũng bị cải tạo, tên là Bốn Mắt, có mang theo được một rương truyện. Cả 3 tìm cách ăn trộm và giấu vào một hang động, để dành đọc từ từ.  Cả hai chàng trai bị cuốn hút vào thế giới của nhữnng Balzac, Dostoevsky, Dumas… và thậm chí, Lưu còn truyền niềm đam mê của mình cho cô bé thợ may, với một suy nghĩ hết sức hăm hở là sẽ làm cho cô bớt ngây thơ và trở thành người văn minh hơn.

Và cậu đã đạt được điểu đó, dù kết thúc không như mong đợi. Cô bé thợ may quyết định rời bỏ cuộc sống buồn tẻ ở cái xó xỉnh vùng cao để đến thành phố, bởi vì Balzac đã cho cô biết một điều mà cô từ lâu chẳng tự nhận ra: “Vẻ đẹp là nguồn của cải vô giá của người phụ nữ”. Và cô đi, để thấy thế giới bên ngoài rộng lớn thế nào và cũng để không phí hoài nguồn của cải đó.

Hai mươi lăm năm sau, Lưu trở về từ Pháp để thăm lại ngôi làng nơi anh đã trải qua một quãng đời tuổi trẻ trước khi nó bị nhấn chìm dưới mặt nước của đập thuỷ điện Tam Hiệp. Người mà anh mong gặp lại không có trong lễ thả  thuyền cho người chết năm đó, và trong số những chiếc thuyền trên sông kia không biết có ghi tên cô gái ngày xưa? Chỉ biết là cô đã sống cho chính mình, đã thay đổi cuộc đời mình bởi một ông nhà văn râu mép và trán hói mà một lần dân làng bắt gặp hình vẽ trong cuốn sách bảo đó là Lênin.

 Cảnh phim này không xuất sắc như những phim Trung Quốc khác mình đã từng xem, nhưng cũng vào hàng đẹp. Một đôi cảnh trong phim mình có cảm giác như thực hiện ở Sapa. Các diễn viên, lúc đó đã có chút ít tên tuổi (Trần Khôn, Châu Tấn và Lưu Diệp), diễn xuất tròn vai. Chỉ có điều, nhân vật mình thích nhất không phải là họ mà là ông trưởng thôn đầu đất vừa dắt trâu vừa bình luận bản Hồ Thiên Nga viết cho Lênin nghe không hay như bản Mozart ca ngợi Mao Chủ Tịch.

Chuyện nước nôi ở Los Angeles

Hôm Orientation  lúc mình mới qua, mình có (được) làm quen với Joe. Joe chắc cỡ  50, đã là kỹ sư nền móng mấy chục năm, nhà ở Los Angeles (LA), giờ vui vẻ  một mình đến Davis cắp cặp đi học. Tán dóc một hồi thì Joe bảo chắc ở VN chả bao giờ thiếu nước ha (Dân Mỹ thì chỉ biết Mekong Delta, chứ phần phía Bắc thì mù tịt.). Mình ậm ừ rồi hỏi LA thế nào. Joe bảo cả thành phố có con sông bé tí, không đủ nước, phải dẫn nước từ nơi khác về. Rồi nói về chuyện thành phố LA bí mật mua nước của nông dân ở vùng Serria Nevada mà không cho họ biết là để làm gì, thế rồi một ngày đẹp trời nọ, tất cả nước của vùng đó chảy về LA trước sự ngỡ ngàng và căm phẫn của dân tình trong vùng. Lúc đó mình cứ tưởng chuyện vừa xảy ra gần đây nên há hốc mồm kinh ngạc. Nhưng không phải, chuyện xảy ra cách nay cũng 100 năm rồi. Nhờ phải đọc cuốn sách The Great Thirst nói về chuyện nước nôi ở Cali mà mình mới biết điều đó.


Los Angeles được thành lập vào khoảng năm 1769 với khoảng 11 hộ dân, lúc đó còn được đặt tên là làng El Pueblo de Nuestra Senora La Reina de Los Angeles (tên bọn Mexico này dài tàn nhẫn, vì tên con sẽ là tên riêng + tên cha + tên mẹ , chưa kể các loại Junior... ). theo kiểu của Tây Ban Nha thì nước nôi thuộc quyền quyết định của nhà vua, nên sau đó vài năm vua Tây Ban Nha ra quyết định (bằng văn bản, dĩ nhiên) trao cho làng này quyền sử dụng nước trên toàn bộ con sông Los Angeles.


Chuyện sẽ chẳng có gì mà ầm ĩ nếu như không có chuyện các khu "kinh tế mới" ở xứ Cali ngày ấy càng lúc càng phát triển. Và tất yếu đến lúc sẽ dẫn tới tranh giành kiện cáo. 67 năm sau đó, Los Angeles đã trở thành một khu dân cư đông đúc (gồm 69 khu nhỏ hợp lại) và chuyện tranh chấp quyền sử dụng nước với một thành phố khác ở thượng nguồn xảy ra. Lúc này Cali được bọn Mễ nộp cho Mỹ sau Hoà ước Mexico (?!). Dĩ nhiên nếu đã là Mỹ thì tranh chấp sẽ giải quyết tại toà. Tại toà, LA đưa ra văn bản trao quyền sử dụng nước đựoc ký mấy chục năm về trước, và bên thượng nguồn đành chấp nhận thua cuộc vì theo Hoà ước Mexico, tất cả các quyền được thiết lập từ thời thuộc Mexico phải được Mỹ tôn trọng (Hix, bọn Mexico này công nhận có tình nghĩa, bảo vệ quyền lợi của dân chúng thuộc địa ngay cả khi không còn xơ múi gì).  Thế là LA giành trọn quyền khai thác sông LA. Quyết định của toà án sau này trở thành một tiền lệ, và hiện nay tên của một trong những loại hình sở hữu nước ở miền tây Mỹ là Pueblo right, tên ban đầu của LA. Quyền này cho phép giữ nguyên quyền sử dụng nguồn nước đã được thiết lập từ thời Cali còn là một phần của Mexico.


 Cho đến đầu thế kỷ 20, hệ thống cấp nước của LA nằm trong tay của một công ty tư nhân. Dĩ nhiên là tư nhân độc quyền thì sinh ra làm ăn gian dối, giá thành sản phẩm thì cao mà chất lượng thì tệ. Dân tình LA la lối om sòm nhưng biết làm sao được, không xài nước đó thì xài nước nào bây giờ. Chính trong giai đoạn này nổi lên 1 nhân vật theo mình là vĩ đại nhất LA: Williams Mulholland.


Ông này sinh ở Ireland năm 1855, bỏ nhà đi bụi năm 15 tuổi và sau đó đến New York . Sau một thời gian làm đủ thứ chuyện linh tinh từ tiều phu, thợ xẻ cho đến thợ mỏ, năm 1878, Mulholland chuyển tới làm thợ chùi rửa kênh dẫn nước cho công ty cấp nước tư nhân ở LA. Tự mày mò học hỏi và rút kinh nghiệm, dần dần sau đó ông leo lên làm kỹ sư cấp nước của thành phố. Với đầu óc và trách nhiệm được giao, ông từ từ cải tạo lại chuyện vận hành hệ thống cấp nước. Rồi sau đó, do nhận thấy tính không an toàn nếu để hệ thống cấp nước nằm hoàn toàn trong tay tư nhân, thành phố LA quyết định mua lại hệ thống cấp nước đó. Việc mua bán đó hết sức suôn sẻ và hoàn tất vào năm 1902. Kể từ lúc này, vai trò của Mulholland càng lúc càng quan trọng hơn đối với LA. Ông có những cải tổ đáng kể mạng lưới cấp nước của thành phố và trở thành người được trả lương nhiều nhất ở LA lúc bấy giờ.


Nhận thấy LA đang càng lúc ncàng phình to, và nhu cầu dùng nước có thể trở nên cấp thiết, Mulholland và Fred Eaton, cựu thị trưởng của thành phố ra sức thuyết phục thành phố rằng phải tìm nguồn nước mới. Từ khi còn tại chức, Fred Eaton đã nhắm tới vùng thung lũng Owen, cách LA 200 dặm. Nứơc của khu vực này là nước từ trên núi tuyết nên chất lượng rất tốt. Tuy nhiên lúc đó Mulholland không để ý tới đề nghị đó. Khi yêu cầu tìm nguồn nước mới được đặt ra, dĩ nhiên cả 2 nghĩ ngay tới Owen.  Thành phố liền hí hửng bật đèn xanh cho 2 ông này tìm cách mua lại quyền khai thác nước ở thung lũng Owen. (Tất nhiên, tất cả mọi chuyện bàn tán đều nằm trong vòng bí mật.)


Dân chúng ở thung lũng Owen chủ yếu sống bằng trồng trọt và chăn nuôi nên cũng cần có nước. Tuy nhiên do làm ăn theo kiểu hộ gia đình nên việc xây dựng hệ thống khai thác và cung cấp nước phải trông chờ vào cái gọi là Reclamation Service của vùng. Muốn lấy được nước về LA thì bằng mọi cách phải ngăn chặn cho được việc xây dựng hệ thống cung cấp nước cho thung lũng này. Người đứng đầu Reclamation Service lại là bạn lâu năm của Eaton, nên chẳng còn gì dễ dàng hơn. Đổi lại sự hỗ trợ của ông ta, LA thuê ông ta làm cố vấn cho dự án đem nước về LA với mức lương cao ngất ngưởng. Thế là Mulholland lần lượt thương thuyết và mua lại đất đai (kèm theo là quyền sử dụng nước) trong khu vực mà không một ai trong thung lũng Owen nghi ngờ. Rồi một ngày đẹp trời, sau khi gom đủ đất và quyền sử dụng nước tại thung lũng, làm cho dự án xây dựng hệ thống phân phối nước tại thung lũng Owen phá sản, LA công bố dự án của mình.


Dân chúng thung lũng Owen dĩ nhiên tức giận phản đối, tuy nhiên chẳng làm gì được nữa rồi. (bán nhà lấy tiền rồi làm gì có thể trả tiền lấy đất lại được). Kết tội người quản lý nước của khu vực cũng vô ích, vì hắn ta bay ngay về LA làm cho Sở cấp nước ở đó với mức lương cũng cao không kém khi làm cố vấn bí mật. Hy vọng duy nhất của họ là Chính quyền Liên Bang không cho LA xây dựng đường ống ngang qua đất của Liên Bang. Nhưng so sánh cân nặng giữa LA và một nhóm dân lèo tèo thì rõ ràng Liên Bang phải đứng về phía bên nặng. Vậy là năm 1905, đường ống dẫn nước từ Owen về LA bắt đầu khởi công. sau khi hoàn tất năm 1913, LA có đủ nước dùng cho 1 triệu dân trong khi dân số lúc đó chỉ là 100 ngàn. Tất cả đều do tầm nhìn xa và sự lèo lái tài tình của William Mulholland. Từ đó, LA càng lúc càng phình to ra, sáp nhập nhiều thành phố lân cận và trở nên một trong những trung tâm của thế giới. Trong sự phát triển đó có sự đóng góp cực kỳ quan trọng của Williams Mulholland.


Nhưng chuyện không dừng lại ở đó, vài năm sau Muholland còn tìm cách dẫn nước từ sông Colorado cách LA 300 dặm. Từ đó, LA không còn phải lo ngại về chuyện thoả mãn nhu cầu dùng nước cho dù thành phố cứ tiếp tục phình to.


Là một người có thể nói là thiên tài, đóng góp của Mulholland cho sự phát triển của LA không thể nào đánh giá hết. Tuy nhiên, cuộc đời Mulholland kết thúc khá lặng lẽ và có thể nói là đau thương. Năm 1928, con đập ngăn nước mà ông ta chỉ đạo xây dựng bị vỡ, 45  triệu m3 nước tuôn xuống hạ nguồn, quét sạch mấy thành phố nhỏ cùng lúc ra biển. Dân chúng căm phẫn,Mulhoolland buộc phải từ chức, và từ đó cho đến lúc chết 7 năm sau đó, ông ta sống trong lặng lẽ và ẩn dật.


Cũng cần nói thêm về Eater. Ông này thậm chí nghĩ đến nước ở Owen còn trước Mulholland. Vì thế ông ta bí mật mua trước đất đai ở đó, và đến khi LA muốn tiến hành dự án lấy nước từ Owen, ông ta thương lượng đòi đóng góp theo kiểu cổ phần. Nhưng thành phố LA không muốn có sự tham gia của tư nhân vào hệ thống cấp nước, nên từ chối. Eater lại xoay qua đề nghị bán phần lớn đất đã mua, trừ một khu ở phía thượng nguồn, cho LA. Dĩ nhiên LA đang muốn gom càng nhiều đất ở thung lũng Owen càng tốt nên sãng sàng đồng ý. Sau này, Eater mới đề nghị LA bỏ tiền ra xây dựng một hồ chứa ngay trên phần đất mà ông ta chừa lại, và LA phải trả tiền thuê đất đó, nếu không ông ta sẽ tự xây đập và khai thác nó cho mục đ1ich khác, chuyện gì xảy ra ở phía dưới nguồn thì ông ta không quan tâm. Dĩ nhiên LA buộc phải đồng ý, vì không còn lựa chọn nào khác.


Còn về Mulholland, khi thuyết phục thành phố LA xây dựng hệ thống chuyển nước từ Owen về LA, ông ta đưa ra lý do là thành phố cần bảo đảm nước cho sự phát triển. Thực tế là LA không thể nào dùng hết nước trong thời điểm đó, và phần lớn nước chuyển về được đưa đến vùng thung lũng San Fernando kế bên. Kết quả là giá đất đai ở vùng này tăng vọt như pháo thăng thiên. Chỉ đáng nói là tập đoàn nắm quyền sở hữu vùng đất đó có quan hệ mật thiết với ... Mulholland. Và cũng chính tập đoàn đó đã góp phần rất lớn trong việc vận động đóng góp tài chính cho việc xây dựng đường ống dẫn nước về LA.


Dù sao đi nữa, Los Angeles, California và Mỹ phải biết ơn Williams Mulholland vì đã đưa LA trở thành một đô thị lớn bậc nhất và đưa các khu vực nông nghiệp xung quanh trờ nên sung túc hơn. Cho dù ông ta có làm điều đó với mục đích gì đi nữa thì tầm nhìn, khả năng và tinh thần tận tuỵ với nghề của ông ta cũng đã được ghi  nhận trong một phần lịch sử phát triển của Los Angeles.


(Phù, mệt quá. Lần sau rảnh sẽ tới lượt San Francisco).


 

Chợ tình Sapa

Không cần tưởng tượng. Chợ tình Sapa bây giờ không đìu hin nhưng chẳng còn gì là bản sắc nữa. Dân du lịch đổ đến ngày càng đông, và càng lúc những người Mông có nhu cầu giao lưu tình cảm thật sự không còn coi chợ tình Sapa là nơi của riêng họ nữa. Còn dân du lịch thì cứ tí tởn kháo nhau về " chợ tình" với những suy nghĩ méo mó. hậu quả là bây giờ mỗi tối cuối tuần, trước nhà thờ đá Sapa chỉ còn một lũ trẻ con Mông chíp hôi, chả biết là bao nhiêu tuổi, nhìn đẹt như đứa trẻ miền xuôi mới học hết cấp một, vừa thổi cái khèn ti ri ti ri vừa xoay mòng mòng cho đám người hiếu kỳ xem (chả có cô gái Mông nào ở đấy cả). Xoay được 3 vòng thì dừng, và bọn khách du lịch đang trong cơn say rượu hay đang quá thất vọng vì màn trình diễn ngắn không như mong đợi, theo thói thường tình lại nhao nhao đòi bọn trẻ lượn thêm, rồi sẽ cho tiền. Ừ thế là chúng lượn, sau khi bảo : Xong là phải cho tiền đấy nhé.




Nói cho công bằng thì cũng còn có một nhóm khác xúm quanh một cặp nhìn nhừ như đã 50 (hình như tuổi thật chỉ 2 mấy thôi, người Mông nhìn già khiếp). Anh chàng lượn khèn một cách say mê và cô nàng nhìn có vẻ như đang cuốn hút vào chàng. Nhưng ôi thôi, cái đám đông bát nháo vòng quanh kia lại nhao nhao chỉ trỏ rồi kéo vai bảo cô nàng "Hát đi hát đi, hát bài gì dân tộc vào ấy, rồi sẽ cho tiền." Mãi về sau mới đọc được 1 bài trên báo Tuổi trẻ, thì ra đó là 2 vợ chồng lấy nhau đã lâu, anh chồng yêu vợ lắm, nên biểu lộ tình cảm nơi đông người như thế cũng là chuyện thường với người Mông. Còn cái đám khách du lịch hiếu kỳ bát nháo kệch cỡm kia ở Việt Nam âu cũng là chuyện bình thường nốt.


(Hình đi Sapa lần đó nằm trong máy để ở VN hết rồi. Vài bữa nữa sẽ có người đem qua, đưa lên cho MT coi mà khóc thét. Tui chụp hình dĩ nhiên đẹp hơn nhiều). (PS.:  Người nào bị/được tui chụp hình trên Sapa đừng có vào bình phẩm gì nhé, để tui ra oai với MT một tí.)

Friday, October 20, 2006

Water rights ở California

Gần 12h rồi mà bọn này vẫn còn nhảy nhót cười đùa ầm ĩ, còn mình thì ngồi ở thư viện 8 tiếng đồng hổ từ lúc 3h đến 11h để đọc bài cho nngày mai. Mà thực sự có ở nhà thì mình cũng chả thích. Bọn nó cũng là sinh viên quốc tế, nhưng đa số là đi theo diện trao đổi ngắn hạn, nên cũng khá rảnh. (có khi tại phong cách bọn nó là phải ăn chơi chứ không như dân Việt Nam mình, ngồi ôm máy tính chát suốt ngày mà chả bao giờ ló mặt tới cái party nào. Biết làm sao được, phong cách nông dân ngấm vào máu rồi, dễ gì pha loãng được.)


Nếu mình rảnh thì chắc cũng ở nhà tham gia với chúng nó, cho mấy thằng Mexico nó đỡ ngại. Đàng này ngày hôm qua sau khi học xong ông giáo sư mới nhắc là lần tới thảo luận 4 chương đầu của cuốn sách tham khảo. Hôm bắt đầu học kỳ thì cuốn đó không còn ở hiệu sách, vả lại nhìn trong bảng phân phối chương trình cũng không phải đọc liền nên mình bảo để từ từ rồi quên mất. Hôm nay mới đi mua  thì hoá ra cuốn đó dày cộp hơn 500 trang, có 8 chương. May (mà có may không chả biết) là 4 chương đầu chỉ có ... 200 trang. Lật ra nhìn xong là rụng rời. Làm sao mà nhai nổi.


Nhưng cũng phải đọc thôi, nếu không ngày mai biết lấy gì mà ậm oẹ trên lớp. Ngồi lì ở thư viện từ 3h cho tới 11h mới tạm xong (đó là đã tự ý bỏ đi một số đoạn có vẻ dài dòng và không cần thiết rồi nếu không thì có mà đọc tới sáng. Vừa đọc mà thỉnh thoảng lại nghĩ mình có nên drop môn này cho rồi đi không, vì mệt quá, mà trong lớp nhiều khi cũng chán, chả nghe được chúng nó nói gì. Nhưng mà bỏ môn này thì hoá ra kỳ này mình rảnh quá à? Phải khép mình vào khuôn khổ, phải lo mà học chứ hễ thấy khó là  bỏ thì làm sao khá được. (Hồi đó giờ mình toàn thấy khó là bỏ thôi, bây giờ phải thay đổi chứ, nếu không thì chờ đến bao giờ.)


Hai chương đầu thì chỉ có 50 trang thôi mà có cảm giác mình đọc hoài không hết. mắt thì cứ díp lại, đôi khi chả biết mình đang đọc cái gì, tới chỗ nào nữa. Cố lắm mới hết đuợc. Mà đã lược bớt mấy đoạn có vẻ dài dòng không cần thiết rồi.


Hoá ra cuốn sách này nói về chuyện water resources ở California, mà chính xác hơn là cách mà người ta giành giật và xài nước. Chương đầu nói về thời kỳ dân châu Âu chưa lọ mọ tới vùng Cali. Dân da đỏ thì thưa thớt, sống toàn săn bắt hái lượm chứ chả biết nuôi trồng là gì, nên họ phụ thuộc khá nhiều vào nguồn nước, vì thức ăn toàn ở gần đó chứ đâu. Vì vậy mà dân da đỏ rất có ý thức bảo vệ thiên nhiên. (Đọc tới đây lại nhớ tới bài Colors of the wind, bài này lấy ý từ bức thư của một thủ lĩnh da đỏ gửi cho dân da trắng. Cũng do Cali có nhiều vùng địa hình, khí hậu khác  nhau nên các nhóm dân da đỏ tại các khi đó cũng hoàn toàn khác nhau).


Chương 2 thì đến lúc dân Tây Ban Nha từ Mexico mở rộng lãnh địa lên phía Bắc. Bọn này đi theo kiểu y chang dân Việt mình Nam tiến, cũng lập trại ở 1 vùng đất mới với sự hỗ trợ của quân đội rồi từ từ lấn tới. Dân da đỏ phần bị mất đất, phần bị lây bệnh lạ từ dân da trắng, phần bị giết do chông đối, dần dần chả còn mấy mống và phải rút vào sống trong lặng lẽ ở các vùng xa xôi và chết lần mòn chết mòn. Dân Tây Ban Nha mang tư tưởng của chính quốc về chuyện nguồn nước, coi nước là nguồn đem lại của cải và quyền lực. Quyền lực lúc đó thuộc về vua Tây Ban Nha, nhưng chính toàn quyền tại Mexico là người trực tiếp quyết định. Chính vì thế mà chính quyền là người ra quyết định phân chia nguồn nước và trao quyền sử dụng cho các cộng đồng sao cho công bằng.


Đến khi Cali tuyên bố độc lập và sáp nhập vào liên bang thì làn sóng dân săn vàng đổ đến miền Tây. Dân này mang tư từởng tự do không muốn bị ràng buộc nên chả coi nước là quyền lực mà chỉ là nguồn đem lại của cải. Ai mà chả muốn làm giàu, thế nên tất cả lao vào khai thác nước không thương tiếc. Do càng lúc càng công nghiệp hoá nên đến lúc thành lập nguyên tập đoàn chuyên cung cấp nước cho các hầm mỏ, cho dù chúng có xa nguồn nước cách mấy. Có tập đoàn đem nước của nguyên cả con sông đem bán rồi sau đó trả lại phía dưới nguồn dòng nước đục ngầy đất cát. Rồi thì đánh nhau, giành giật. Chính vì tự do nên thể chế của nó cũng khác, và mọi chuyện trở nên rối tung, ai muốn làm gì thì làm và nếu có tranh chấp thì cứ kéo nhau ra tòa. (Bọn này có truyền thống kiện tụng từ sớm hèn gì luật sư của nó nhiều như kiến). Chương 3 này đọc muốn mờ mắt vì dính dáng quá nhiều tới thể chế, chính trị, xã hội.


Nếu những chương trước chỉ chủ yếu đề cập đến nước cho nhu cầu trồng trọt hay chăn nuôi ở các trang trại thì chương 4 đi sâu vào quá trình giành giật nước của 2 thành phố lớn nhất bấy giờ là Los Angeles và San Francisco. Mỗi thằng có một hoàn cảnh riêng nên kết thúc cũng khác nhau. Dễ dàng đoán được Los Angeles thành công hơn San Francisco, bởi vì ngày nay nó phát triển hơn nhiều. Chuyện giành giật nguồn nước của 2 thành phố này có nhiều chuyện khá bi hài mà nếu không đọc chắc chả thể nào nghĩ ra được. Nếu có thời gian (và nếu còn nhớ) thì cuối tuần này sẽ viết lại để dành.

Tuesday, October 17, 2006

Tiên sư bọn lừa đảo



Những tấm hình đẹp long lanh trên vnphoto.net và trong email của anh Lễ gửi cho làm mình không còn tự hào về cái máy chụp hình rẻ mà xịn của mình nữa. Bây giờ nhìn lại thấy cái máy của mình chụp lên màu xấu xí, xám xịt so với mấy cái máy Nikon hay Canon. Thời đại mới rồi, người ta bây giờ dùng toàn SLR digital camera, mình cứ lẹt đẹt mãi tức lắm không chịu được. Thế là suốt ngày lục tục canh trên ebay để đấu giá một cái Nikon D50.


Vì không có tiền nên mình cũng e dè không đấu giá cao, bởi vì thực sự có muốn mua bây giờ cũng chưa có tiền để mua. Vi thế cứ nhẩn nha đặt giá chỉ hơn phân nửa giá thông thường của mấy cái máy đó mà thôi. Coi như dọ giá để khi nào có cái hời thì mua. Mà trông chờ mãi chả có ai để máy giá hời cho chộp lấy cả. Mình mà canh được chắc bọn khác nó cũng canh. Thành ra chỉ có nước ghen tị nhìn chúng nó bỏ tiền ramua hết cái này đến cái khác. sau mỗi lần như thế, ebay lại gửi cho một cái thư báo là mình đã không mua được, và cho biết giá kết thúc của món hàng. Toàn là gần gấp đôi số tiền mình đưa ra thôi.


Nhưng lần này hơi khác. Sau cái thư báo của kết thúc đấu giá của ebay , mình nhận được một cái mail khác từ member@ebay.com báo là người bán muốn bán cái máy đó cho mình, bởi vì có thể là người thắng không muốn mua hay người bán còn một cái y chang như thế. Nếu muốn mua thì liên hệ trực tiếp với người bán để dàn xếp, xong rồi thì mua, và chuyện mua bán này cũng được ebay bảo đảm như các cuộc đấu giá thông htường khác. Lúc đầu đọc lướt qua cứ tưởng nó kêu mình mua với giá 570$ như thằng kia. Nhưng hình như không phải thế, đọc lại thì có vẻ như nó muốn bán với giá 310$ như mình đã bid. Thế là vì tham, nên viết thư cho thằnng đó, hỏi nó sự việc như thế nào, và làm sao để lấy được cái máy. Nó bảo là tại vì có mấy đứa mắc dịch vô công rỗi nghề lên bid lung tung rồi bỏ không mua nên bây giờ nó phải bán cho mình với giá mình muốn là 310$. Ôi mẹ ơi, phen này thì vớ bở thật rồi.


Thằng đó bảo mình đưa địa chỉ nhà cho nó, để nó gửi cho bên eBay SCO Department, rồi bên ebay sẽ liên lạc với mình hướng dẫn mình hoàn tất thủ tục để mua, và như thế thì sẽ được bọn ebay bảo đảm cho. Hiện giờ thì nó đang đi Anh, 2 tuần để dự đám cưới của em gái nó. Once in a life time nên không thể không đi. Hàng thì nó gửi ở công ty shipping rồi nên chỉ cần gửi đủ tiền là nó ra lệnh cho công ty đưa hàng đến cho mình ngay. Ngay cả tiền thuế và tiền vận chuyển lẫn tiền bảo hiểm vận chuyển nó cũng trả luôn rồi nên mnh chả phải trả thêm đồng nào ngoài 310$ cả (rõ hời, nếu mua bình thường thì cũng phải cỡ 8% thuế và 10$ tiền vận chuyển). Ừ, mừng quá, run run  tay đánh địa chỉ cho nó, lại còn ra vẻ tao nhã, chúc mừng em nó trăm năm hạnh phúc.


Hôm sau thì nhận được 1 cái thư, bảo là từ ebay, hướng dẫn mình gửi tiền cho thằng bán. Nó ghi sẵn địa chỉ người bán lẫn người mua nên mình mới phát hiện ra một chỗ hết sức nghi ngờ. Trong địa chỉ người bán thì nó ghi ở đâu đó tại UK (dĩ nhiên rồi, đang ăn cưới tại đó mà), nhưng trong phần địa chĩ người mua nó lại ghi là 123 Abc -Davis 95616 CANADA. Rõ ràng nếu là một người Mỹ thì không thể nào diễn dịch cái chữ viết tắt CA thành Canada cả. Vậy là thằng này nói láo, nó chả bao giờ ở Mỹ cả. Đọc kỹ phần hướng dẫn trả tiền còn thấy nghi ngờ hơn. Nó (ebay)  kêu mình gửi tiền bằng Western Union tới địa chỉ của người bán ở UK , khi nào Western Union báo là tiền tới rồi thì người bán sẽ đặt lệnh chuyển hàng đi. Hừ, ông mày đâu có ngu đến thế. Nhưng mà rõ ràng là các email gửi địa chỉ đuôi @ebay.com rõ ràng và nhìn y chang như các trang ebay thông thường.


Thế là vội và google cái địa chỉ đó để xem thế nào. Chỉ có 1 kết quả thôi. Thằng cha trong đó từng đấu giá một cái đàn nhưng thua thì phải, và cũng được mời chào như mình. Thằng cha đó cẩn thận lên hỏi mọi người. Cả cái thư nó gửi cho thằng cha đó y chang như mình đã nhận được, cả chi tiết nó đang ở UK ăn cưới. (Copy and paste mà không giống mới lạ). Mà thư đó gửi hồi tháng 4. Vậy là rõ rồi, bọn này chuyên lừa đảo những đứa ham rẻ như mình.


Điên tiết, định gửi thư chửi cho bọn nó một chập, nhưng mà nghĩ lại thấy vô ích, nó đã lừa đảo chuyên nghiệp rồi thì làm gì mà để ý chuyện bị chửi hay không. Vậy là đổi chiến thuật, chơi trò mèo vờn chuột với nó. Cứ gửi mail à ơi dây dưa với nó cho nó tức chơi. Ông mày cứ hứa mà không đưa tiền thì chúng mày làm gì được ông.


Nhưng mà dù sao thì cũng may vì chưa ăn quả lừa của nó. Thật ra dễ gì mà ăn được tiền của mình. Nhưng mà tức, vì mình đã hí hửng vì sắp có được cái Nikon SLRđàng hoàng. Đã hăm hở nghe lời khuyên của anh Lễ nhảy lên tìm mua memory card 2G cho nó chứa nhiều vì sau này chụp ở format RAW thì file nặng lắm. Rồi còn lọ mọ tìm coi giá của các loại lense. Rồi còn chuẩn bị đọc sách về nhiếp ảnh chuyên nghiệp với lại học photoshop nữa. Bao nhiêu thứ vậy mà bây giờ chả ra nước non gì. Chung quy cũng tại mình ít tiền mà tham. Dù sao cũng phải chửi chúng nó một câu cho hả.


 ImageTiên sư bọn lừa đảo.Image




























Nước Mỹ trông chờ công dân thứ 300 triệu

Nhờ có cái chương trình coi TV online mà mình biết được hôm nay nước Mỹ  sẽ chào đón công dân thứ 300 triệu. Tối hôm qua  CNN có nguyên chương trình dài mấy tiếng đồng hồ về chuyện này. Nhờ đó mới biết, nước Mỹ đang gặp những vấn đề không phải dễ giải quyết, nổi cộm nhất vẫn là chuyện dân nhập cư. Theo số liệu của Cục Dân số Mỹ, mỗi 8 giây có 1 đứa trẻ ra đời, mỗi 14 giây có 1 người chết đi và mỗi 31 giây có một người nhập cư vào nước Mỹ. Như vậy, cứ 14 giây thì dân số Mỹ lại tăng thêm 1. Chính vì có cả tăng tự nhiên và tăng cơ học như thế, nên có một số ý kiến mai mỉa cho rằng nên đón chào công dân thứ 300 triệu của nước Mỹ tại các bệnh viện hay là tại tòa án, nơi người ta ra quyết định cho trao quốc tịch Mỹ cho những người nhập cư!


Rõ ràng dân nhập cư dù hợp pháp hay bất hợp pháp đều có những ảnh hưởng lớn đến xã hội Mỹ. Trong đó, những người làm chương trình không giấu diếm sự lo ngại về tình trạng dân Mexico tràn ngập các nẻo đường nước Mỹ. Có một thị trấn, ở Virginia hay Georgia gì đó, trong số mấy trăm ngôi nhà dọc theo một tuyến đường chỉ còn có 2 người tạm gọi là dân Mỹ chính gốc, còn lại các nhà khác toàn dân Mexico. Và dĩ nhiên dân Mexico thì nói tiếng Tây Ban Nha, các bảng hiệu cũng từ từ Tây Ban Nha hoá. Hai người đàn bà dân Mỹ chính gốc buồn bã, cay đắng nói rằng họ có cảm giác như bị mất mát cái gì đó quá lớn.

Mà không chỉ hai người đó cảm thấy điều đó. Dân nhập cư Hispanic tràn ngập khắp nước Mỹ, theo ước tính thì có khoảng 10 triệu. Tất nhiên, cũng giống như dân nhập cư từ những nước nghèo, họ chấp nhận làm tất cả những công việc mà dân Mỹ chính hiệu không thèm làm, vì chê lương thấp hay vì chê không xứng đáng. Họ làm tất, và dĩ nhiên dân Mỹ chính hiệu cảm thấy tức tối bởi tại bọn này mà bọn chủ có cơ hội ép giá nhân công. Trong khi đó, dù gì đi nữa thì công việc và cuộc sống ở Mỹ cũng dễ hơn ở nước nhà, nên hàng hàng lớp lớp dân Mexico lũ lượt kéo nhau qua biên giới (hợp pháp lẫn không hợp pháp) vào Mỹ. Dân nhập cư lậu lỡ có bị bắt chỉ bị áp tải về bên kia biên giới rồi thì lại tiếp tục leo rào vào Mỹ vài tiếng đồng hồ sau. Dễ còn hơn đi chợ.

Nhưng rõ ràng cuộc sống của họ không thể nào so sánh đựoc với dân chính gốc. Dân chính gốc được hưởng giáo dục đầy đủ, được chăm sóc sức khoẻ tận răng trong khi chả có gì bảo đảm cho dân nhập cư cả. Vẫn biết là cuộc sống của họ ở đây vẫn tốt hơn ở nứơc họ nhiều, nhưng vẫn thua xa mức trung bình của dân Mỹ, và vì vậy họ làm nhếch nhác hình ảnh của nước này. Mà quả thật mình cũng có cảm giác như thế. CNN đưa ra một so sánh giữa 2 đứa trẻ cùng 12 tuổi. Một đứa sống sống yên ấm đầy đủ với bố mẹ thành đạt và một đứa gốc Mexico sống với mẹ và 7 anh chị em trong một căn nhà chật hẹp với tất cả các nơi đều là phòng ngủ. Thu nhập (thực chất là tiền trợ cấp thất nghiệp) của bà mẹ là 500$/ tháng. 500$ cho 9 miệng ăn! Cả nhà chỉ ăn toàn khoai tây nghiền vì thịt là quá đắt đỏ. Cũng như những đứa trẻ khác, thằng bé cũng hy vọng lớn lên nó được vào đại học và trở thành người thành đạt, không như thằng bé con nhà giàu kia, nó tin tưởng là nó sẽ làm được. Dù sao thì cũng hy vọng cả hai đều có được cái mà chúng muốn. Nhưng rõ ràng cùng một tuổi nhưng khoảng cách của hai đứa quá xa vời.

Sở dĩ dân nhập cư từ những nứơc khác không được đề cập tới một cách chi tiết bởi vì vấn nạn đó quá nhỏ so với dân Hispanic. Chứ thật ra đa số những người đi tìm vùng đất mới bởi vì không thể sống nổi ở quê nhà thì cũng rơi vào tình trạng là tầng lớp dưới cùng của xã hội, dù ở đâu đi nữa. Chỉ khác là có thể ở Mỹ, họ còn có việc để làm cật lực và kiếm được ít tiền trong khi nếu ở quê nhà thì chỉ có vật vờ chết đói vì không có việc.

Còn vài tiếng nữa, công dân thứ 300 triệu sẽ được cả nước Mỹ chào đón, cũng như họ đã hân hoan chào đón công dân thứ 200 triệu năm 1967.  Đứa trẻ có số mệnh lịch sử đó là con của một đôi vợ chồng di cư từ Trung Quốc 7 năm trước đó. Robert Ken Woo Jr, đứa trẻ được chọn ngày ấy bây giờ là một luật sư thành đạt,  tốt nghiệp luật ở Harvard. Nhưng cần lưu ý rằng bố mẹ cậu đều là kỹ sư chứ không phải là dân lao động chân tay và không vào nước Mỹ bằng cách leo rào qua biên giới.



Friday, October 13, 2006

Phim In the mood for love

Tình cờ đọc lại một bài giới thiệu về phim này đâu đó, lại nhớ tới mấy bản nhạc da diết trong phim này, nghe buồn não nề. Cô Trương Mạn Ngọc thì xinh hết chỗ nói, Lương Triều Vĩ thì lúc nào cũng tuyệt vời (xạo đó, có mấy phim anh này đóng nhảm bà cố). Chỉ có điều cả phim mang màu sắc u tối và buồn bã. Cứ trì trệ, ngập ngừng, quẩn quanh.


 




Image

Vẫn chưa dám load lại. Ngày xưa xem có 1 lần rồi xoá mất, vì sợ xem lại thì lại lơ ngơ, chẳng làm được gì khác. Hình trên thì đang làm wallpaper, vì thích. Chả biết ai làm cái wallpper này mà đẹp thế.

Nước Mỹ xa xăm (3)

Sáng thứ sáu, khoác vào bộ đồ đẹp nhất, mình giả vờ như tỉnh táo lắm, đắt xe ra cửa vẫy tay chào cả nhà. Không nói, nhưng chắc chắn từ lúc đó cho đến lúc mình về, cả nhà cũng hồi hộp, có khi còn hơn mình.


Do đã được bên Mỹ nhận nên buổi phỏng vấn hôm đó chỉ có Giám đốc điều hành và 2 người phụ tá, không có các giáo sư như process A. Thế thì may mắn quá rồi, không phải đương đầu với những câu hỏi về chuyên môn, cho dù mình cũng đã chuẩn bị tinh thần cho chuyện đó. Phần đầu nói chuyện suôn sẻ và thoải mái. Người phỏng vấn có phong cách gần gũi và thân thiện nên mình cứ được đà nói xoen xoét. Thậm chí mình chả cảm thấy căng thẳng gì sau năm phút, còn cố gắng vặn ra một vài câu đùa cho vui vẻ nữa mới ghê.


Vì thoải mái như thế, mình cũng không ngại nói ra I không phải là trường đầu tiên mình nhắm đến, mà là trường D. nhưng đến hạn nộp đơn chỉ có I trả lời thôi. Thế là lại được quan tâm bảo để cho địa chỉ mà liên lạc để hỏi nhé. Đến mức đó thì mình cảm thấy mình có cơ hội được chọn rồi. Người phỏng vấn quay sang hỏi cô thư ký xem có còn muốn hỏi gì không. Không, chỉ có điều là mày phải lien lạc với trường, bảo họ chấp nhận điều kiện của V. thì mới được. Mình điếng người. Nhờ họ liên lạc với V. để xác nhận tình trạng của mình họ còn không làm, nói chi đến việc tày đình thế này.


Lúc này thì mình hoảng hốt thực sự. Lắp ba lắp bắp. May mà họ trấn an mình và bảo sẽ cho địa chỉ của người chịu trách nhiệm bên đó để liên lạc. Ừ thì còn khoảng 20 ngày nữa là đóng sổ. Phải làm sao có được sự đồng ý bằng giấy tờ hẳn hoi thì mới có hy vọng. Mình ra về mà chẳng biết vui hay buồn.


Nhảy vào quán càfê Q. dang ngồi, than vãn một hồi về chuyện mình phải làm, khoe khoang một hồi mình đã biều hiện tốt thế nào khi phỏng vấn, ca tụng người phỏng vấn tốt như thế nào để tự trấn an mình là sau khi mình gửi email đi, cộng với sự hỗ trợ của người quen phía bên kia nữa thì mình sẽ đựơc nhận thôi.


Và rồi trong 20 ngày sau đó, biểu đồ trạng thái tâm lý của mình có hình sin.

Thursday, October 12, 2006

Jan Dara

Đang coi dở dang phim này. Tò mò vì có mặt Chung Lệ Đề trong dàn diễn viên toàn Thái. Phim này bối cảnh những năm 30, cảnh trí, nhà cửa, trang phục cũng giông giống như những phim về Đông Dương trong cùng thời kỳ, chắc vì là hàng xóm nên thế. Thật ra cũng không phải là quá ... nóng như bọn nó vẫn đồn. Trong phim này nhìn Chung Lệ Đề đẹp hơn lúc đóng Mã Phu Nhân nhiều, nhìn mát mắt hơn.


Phim này chả có gì để nói. tất cả đọng lại chỉ là 1 từ Ghê. Mọi người đừng xem, nói chung là bọn Thái này làm phim này ghê hết sức. Cái tóm tắt dưới đây đã bỏ đi nhiều chi tiết, chắc là tại vì người viết chưa coi hết khúc cuối thì đã ghê quá bỏ ngang.


(Chú ý: Cấm trẻ con dưới 18 tuổi, à không, dưới 17, vì trong phim thằng nhóc đó lúc ... cũng mới 17 tuổi thôi.).


Image

Nội dung
Câu chuyện xảy ra tại Thái Lan vào những năm 30. Jan Dara, một cậu bé kém may mắn ngay từ khi mới lọt lòng mẹ. Cậu chào đời cũng là lúc mẹ cậu qua đời vì kiệt sức. Cha cậu- Khun Luang- một ông chủ giàu có, bạo tàn đã dồn mọi tội lỗi ấy lên đầu Jan và cậu bị xem như cái gai trong mắt ông. Jan bị chính cha mình hạnh hạ đủ điều ngay từ bé bằng những hình phạt khắc nghiệt nhất. Cậu bé lầm lũi lớn lên trong sự hắt hủi, những trận đòn toé máu... Niềm an ủi lớn nhất của Jan là cậu vẫn còn nhận được tình thương của dì Waad- em gái mẹ cậu và cũng là vợ sau của cha cậu. Dì Waad thương Jan bằng tất cả sự bao dung, ấm áp... Dì và Khun Luang có thêm một đứa con gái. Và cô bé Daew này cũng xem Jan như kẻ thù do bị cha nhồi nhét nhiều điều tồi tệ về Jan ngay từ bé. Jan lờ mờ nhận ra nguyên nhân sự khác nghiệt của người cha: cậu không phải là con ruột của ông. Cay đắng hơn, cậu là kết quả của một lần mẹ cậu bị tên trùm của một băng đảng cướp hãm hiếp. Mẹ cậu là con gái của một gia đình quyền quý nên để che giấu bào thai trong bụng, bà bị ép phải kết hôn. Và Khun Luang đã đồng ý. Bù lại, hắn ta sẽ được hưởng toàn bộ gia tài. Từ khi biết sự thật, Jan quyết tâm tìm người cha ruột thật sự của mình.

Jan từng ngày lớn lên trong căn nhà u ám ấy. Căn nhà mà cậu luôn bị ảm ảnh bởi cái chết của mẹ, những trận đòn roi và những lần chứng kiến cảnh Khun Luang làm tình với hầu hết hầu gái trong nhà ngay trước bức chân dung của mẹ cậu. Sự khát khao của một chàng trai nổi lên trong Jan ngày một dữ dội. Năm 17 tuổi, Jan bắt đầu để ý một cô bạn trong lớp. Cậu khẳng định đó là tình yêu dù chưa thật sự biết tình yêu là gì.

Cuộc sống của Jan bắt đầu bị đảo lộn từ khi Khun Luang cưới thêm 1 người vợ mới, Khun Boonlueang- một phụ nữ vừa từ nước ngoài trở về. Căn nhà thờ mẹ cậu được đập đi để xây nên một căn nhà mới cho Khun Boonlueang ở. Sắc đẹp của người phụ nữ này đã khiến Jan rung động. Cậu mơ tưởng... Cậu cố gắng kềm chế. Nhiều xung đột đã xảy ra torng suy nghĩ của một gã con trai mới lớn. Một lần, vô tình nhìn thấy Khun đang tắm, khát khao đã bùng lên dữ dội trong Jan.

Khun Boonlueang là người dạy cho cậu mọi điều: tiếng Anh, những điều thú vị của thế giới bên ngoài và cả cách để... trở thành một người đàn ông thật sự. Một cậu bé 17 tuổi và một người phụ nữ từng trãi tưởng như không thể là một đôi nhưng giữa họ lại nảy sinh tình yêu. Ở Khun, tình yêu ấy là niểm tựa để giúp cô thoát khỏi cha Jan. Còn với cậu bé Jan, tình yêu ấy giúp giải thoát mọi khát khao mà cậu cố dồn nén bấy lâu.

Những lần vụng trộm của Jan và Khun kéo dài chưa được bao lâu thì cậu bị cha Khun Luang đuổi ra khỏi nhà do âm mưu của cô em gái muốn hãm hại Jan cho bỏ tức. Và cậu đã thoát khỏi căn nhà ấy để đi tìm sự thật về cha ruột của mình.

Những tưởng cuộc đời của Jan đã rẽ sang hướng khác và không bao giờ cậu còn trở về căn nhà ảm ảnh của mình nữa. Nhưng vài năm sau, Jan lại được chính Khun Luang viết thư cầu xin cậu trở về. Lịch sử đã trở lại như ngày nào: Daew- con gái của Khun Luang bị chửa hoang và đang cần một người chồng để hợp thức hoá cái bào thai. Và Khun đã đồng ý với điều kiện như trước đây Khun Luang từng ra giá với mẹ cậu: toàn bộ gia tài . Cuộc hôn nhân gượng ép này lại đưa đến nhiều bi kịch mới cho gia đình. Trở thành chủ gia đình, Jan bắt đầu trở thành một con người khác. Đến một ngày, cậu chợt nhận ra mình cũng đang trở thành một Khun Luang thứ hai trong căn nhà này.
(review by chuotkhongduoi - Dienanh.net)

Nước Mỹ xa xăm (4)

Đến giờ mình cũng không biết là đã gửi bao nhiêu cái mail trong khoảng thời gian đó nữa. Người ở I hết sức sốt sắng, trả lời mình ngay, bảo sẽ hỏi bên khoa cho mình liền (lúc đó là gần nửa đêm ở Mỹ). Thế là mừng. Nhưng người chịu trách nhiệm ở khoa thì đi công tác tuần sau mới về. Vậy là chờ. Hơn 1 tuần sau, sau khi không còn chịu đựng nổi cảm giác phấp phỏng chờ đợi nữa thì gửi mail nhắc khéo. Ổng lại sốt sắng trả lời là để đi hỏi. Lại chờ. Rồi phải giải thích về cái điều khoản kia, bên I lại thắc mắc, lại liên lạc hỏi V. lại. Cứ thế xoay mòng mòng. Mà kẻ ở Việt Nam, người ở Mỹ, cứ thế nhận mail ban đêm thì đến sáng mới check. Có trả lời thì cũng phải hôm sau người kia mới đọc. Cứ thế 1 vấn đề phải mất 3 ngày mới phát sinh ra đuợc vấn đề khác. Mà thời gian thì cứ ngắn dần. Thế là ôm máy vào mùng, cáp điện thoại kéo theo, ngủ 2 tiếng chập chờn để choàng dậy check xem có mail không. Cứ thế  cho hết 1 tuần. May mà dạo đó không còn làm thêm, nên cũng còn rảnh. Cứ thế, hết mừng lại lo hết lo lại hưng phấn rồi lại hoảng hốt. Trong khi đó thì thư cho D chẳng thấy tăm hơi gì. Kiểm tra lại hồ sơ trên mạng, thì vì hồi xưa nó bắt nhập Zip code mà mình thì không có, đành tương đại 5 số để nó cho qua, cứ nghĩ dù sao  cũng còn địa chỉ đi kèm. Giờ xem lại mới thấy nó tự động đưa nhà mình đến Colorado. Coi như không còn gì để nói. Thôi thì kệ, tập trung vào I, dù sao cũng có hy vọng nhiều hơn.


Rồi mọi thứ theo yêu cầu của V. cũng đuợc I. dàn xếp xong. Giáo sư tương lai của mình khá vui tính và thân thiện (qua email, và cho đến giờ, vẫn thế). Forward cái văn bản quý báu đó cho V, mình thở phào trút được gánh nặng. Còn 4 ngày nữa mới đến ngày thứ 20.


Và ngày thứ 20, mình hồi hộp mở mail từ V. Quyết định về trường hợp của bạn đang được hoãn, vì bạn đang chờ kết quả từ D. Chúng tôi sẽ chờ bạn 15 ngày nữa để bạn liên lạc với D.


Đến lúc này thì mình sững người, đầu óc tối thui. Không còn nghĩ ngợi được gì…


Sau một ngày nghĩ ngợi và đôi lúc lảm nhảm như thằng điên, mình quyết định gửi mail cho V, bảo là I và giáo sư ở đó tốt lắm, đã giúp đỡ mình nhiều, nên nếu mình bỏ thì không phải phép. Vả lại D chắc là tuyệt vọng rồi, vì sai sót của mình và vì D chả thấy trả lời mình gì cả. Và trong lúc ngu muội, còn gửi cái thư báo hoãn cho I nữa chứ. Mọi người bên đó ngớ ra, chả hiểu vì sao đã làm hết mọi thứ V. yêu cầu rồi mà vẫn không được.


Đọc xong cái thư trả lời từ V, mình cảm thấy còn khủng khiếp hơn, không phải vì bị từ chối mà vì cảm thấy mình quá sai lầm khi không nghe lời V ngay từ đầu. Lại hoảng hốt, và cấp tốc gửi mail cho D. 5 phút sau, thư trả lời: Bạn đã được nhận vào học. Đến lúc này thì lại phải quay lại từ đầu để dàn xếp thủ tục như đã từng làm với I. Lại check mail mỗi 2 tiếng vào ban đêm. Và lòng day dứt vì chẳng biết nói làm sao với những con người hết sức nhiệt tình bên I.


Rồi cũng đến này V. chính thức chấp nhận mình, đi D, tất nhiên. Lại phải gửi thư từ chối I, mà không biết diễn tả cảm giác lúc đó thế nào. Mừng, dĩ nhiên, nhưng cảm thấy mình đã đạp lên lòng tốt của người ta một cách không thương tiếc. (Có lẽ mình nghĩ quá xa, chứ có thể đối với bên I, chuyện này cũng bình thường thôi). Nhưng mình là thế, bao giờ cũng nghĩ ngợi xa xôi rồi tưởng tượng đủ thứ chuyện.


Dù sao thì cảm giác tội lỗi thường không tồn tại lâu khi người ta đồng thời cũng cảm thấy hưng phấn. Vậy là mình đã đạt được mục tiêu chỉ sau hơn nửa năm. Giờ thì chỉ còn chờ làm thủ tục ra đi. Nước Mỹ chưa bao giờ gần hơn thế.


 


 

Nước Mỹ xa xăm (2)

Chiều tối thứ bảy, đi về đến nhà, đặt balô xuống sàn là vội vã check mail. Trong số mail mới, có một cái dài ngoằng nhưng chỉ mới lướt qua chữ congratulation là mình đã không còn bình tĩnh. Hôm đó là ngày 11, chỉ còn 4 ngày nữa là hết hạn nộp đơn process B cho V. . Thời gian ở Mỹ chênh ở Việt Nam hơn 12 tiếng, như vậy thực chất mình chỉ còn có 2 ngày để làm application và liên lạc với bên trường nhờ họ xác nhận tình trạng của mình với V.. Mà trong hai ngày đó lại phải tò tò theo hai ông thầy người Đức của T.D. đi chuẩn bị cho cái workshop. Hai ngày chờ đợi thắc thỏm, chả thấy bên trường hồi âm, (dù cho có nhận lời giúp hay không thì cũng phải nói một câu chứ!), lại tuyệt vọng vì coi như không thể nào xin được V., vì trong tay mình chỉ có mỗi cái email thong báo hết sức ngắn gọn (điều kiện kèm theo thì dài ngoằn). Cuối ngày 14, sau khi đã gửi thêm một cái email khác với giọng điệu van lơn xin xỏ thảm sầu nhưng vẫn không thấy gì, đành phải nhờ người chuyển bộ hồ sơ hết sức sơ sài đó đi gấp. Không còn cách nào khác. Mà làm sao có thể trông chờ gì từ một cái bộ hồ sơ như thế. Lại buồn.


Do V. không có lịch rõ ràng cho process B,  mình cũng chẳng trông chờ từng ngày, cứ nghĩ chắc phải còn lâu lắm mới có kết quả. Thứ hai tuần kế tiếp, đang họp thì điện thoại reo. Số lạ hoắc, đâu như ngoài Hà Nội. Cứ tưởng có người nhầm số, nhưng không phải. Người gọi giới thiệu là từ văn phòng của V. Nghe đến đó mình lạnh toát sống lưng, cứ nghĩ chắc là họ gọi để đòi giấy báo chính thức, mà … Sau 1 giây điếng người, mình cũng lấy lại được bình tĩnh. Kệ, ra sao thì ra, đến nước này rồi thì coi như xong. Nhưng may quá, người của V gọi để hẹn phỏng vấn vào thứ sáu. Bàng hoàng, sung sướng, mình lắp bắp cám ơn rồi suốt buổi họp lẫn nguyên buổi chiều cứ cười toe toét như một thằng dở hơi. Lúc đó chỉ có Q. ngồi kế mình là biết chuyện gì. Những người khác không biết có thấy mình không bình thường hay không nữa.


Hầu như những ngày kế tiếp mình (và cả nhà mình nữa) ở trong trạng thái vừa hưng phấn vừa lo âu. Mà lo hơn cả không phải là mình mà là mẹ. Một hôm, sang dậy thấy mặt mệt mỏi, mẹ bảo không ngủ được vì sợ người ta hỏi con mình không biết trả lời. Trời ơi là trời.


Rồi ngày phỏng vấn cũng tới.


 

Tuesday, October 10, 2006

Nước Mỹ xa xăm

Trong đầu óc trẻ con của mình, nước Mỹ là một nơi xa hoa hào nhóang. Nơi con người có thể tự do sống theo kiểu mình muốn, làm gì thì làm (thấy trên phim nó thế). Nhưng chẳng bao giờ mình nghĩ mình muốn đến nơi đó. Mãi cho đến lúc mình đi làm.


Dù cho công việc đòi hỏi mình phải đi học (tốt nhất là nước ngoài cho sang) thì mình cũng không hề nghĩ mình sẽ đi học ở Mỹ. Nó như cái gì đó xa ngoài tầm tay với của mình. Xác định rõ điều đó nên mình chả thèm xoắn xuýt lấy ông giáo sư Mỹ mình có dịp gặp , vì có lợi lộc gì đâu.


Đến lúc mình nhận thấy thật ra mình có khả năng ( không, đúng ra là mình có thể thỏa mãn đuợc các điều kiện tối thiểu để đi Mỹ) thì đã trễ. Mình vác vali đi một nước khác mà vẫn tiếc thầm tại sao ngày xưa mình không ước mộng cao sang hơn, để bây giờ đi thì tiếc (cái này), không đi thì cũng tiếc (cái khác). Thôi thì coi như một bước đệm, mình sẽ nuôi American dream tiếp trong hai năm nữa xem sao.


Rồi cũng vì do dự, dao động, không cương quyết, lờ đờ với mọi thứ mà trong 2 năm kế tiếp, mình lười đến mức không nằm mơ để nhắc nhở mình nhớ về những điều mình từng ham muốn. Thế rồi hí hửng quyết định cầm lấy cái thứ có sẵn trước mắt, tự an ủi rằng giấc mơ kia là quá xa vời. Nếu không có chuyện một ngày mình nổi cơn điên quyết định thay đổi cuộc đời thì chắc giờ này vẫn đang còn ở nơi đó.


Xách vali trở lại nhà, suốt mấy tháng trời vừa đi làm việc vẩn vơ vừa sống điên điên khùng khùng bởi cả một tập thể những người quen sẵn sàng nhảy vào quan tâm thăm hỏi vì sao và vì sao. Làm sao trả lời cho họ lý do vì sao đuợc, mà làm sao họ hiểu vì sao! Khoảng thời gian đó thật đáng sợ, mà cách tốt nhất mình có thể tự xoa dịu mình là tìm một chỗ khác để đi.


Thế là để tự dối lòng mình cho thanh thản, (và cũng để gia đình cảm thấy yên tâm vì mình có kế hoạch rõ ràng), quyết định rằng trong vòng 2 năm mình phải thoát khỏi cái xứ này, cho dù có đi đến Châu Phi cũng mặc kệ. Nhưng năm đầu tiên chắc chả hy vọng gì rồi, chỉ coi như một lần cọ xát rút kinh nghiệm lần sau. Dạo đó công việc cũng khá nhiều, dù toàn những việc làm mình điên tiết, nhưng vẫn phải làm để kiếm tiền. Vừa đi làm vừa chuẩn bị mệt nhoài. Do gấp gáp chạy cho kịp thời hạn nộp đơn nên hồ sơ của mình cứ loạn xạ, tòan đến giờ chót mới gửi đi thôi. Cũng chẳng biết nó có hoàn chỉnh không nữa, vì không đủ thời gian và sức lực để xem lại.  Vì lý do thử sức (và cũng vì tiếc tiền) nên cũng chỉ nộp có 3 nơi, trong đó có 1 nơi online hòan tòan nên miễn phí).


Để chuẩn bị cho 2 năm sau, mình lại lóc tóc đi apply cho V. process A 2007. Chuyện qua khỏi vòng gửi xe thì không có gì phải bàn, vì chắc chắn mình phải đuợc. Chỉ tới khi đựơc báo tháng sau thi Tóan thì đầu óc bấn loạn. Hồi xưa học toán tiếng Việt đã chẳng biết gì, bây giờ thi bằng tiếng Anh thì chỉ có rồi đời. Mà dạo đó lại vừa mới đi làm thêm, bận suốt ngày, chả còn mấy hơi sức đâu đọc sách Toán cũ. Đành lướt qua loa mấy phần lý thuyết rồi thôi. Ngày thi, thấy toàn một đám trẻ con mới tốt nghiệp. Đa số chúng nó chắc là học hành chăm chỉ, khá khẩm hơn mình nhiều. Làm bài loáng cái là xong, trong khi mình loay hoay qua lại căng đầu cố vắt ra chút gì đó quen thuộc liên quan đến đề. May mà thi dạng trắc nghiệm, nên cũng làm bài hết như ai. Hết giờ, bọn nó hỏi thăm nhau làm mình nghe choáng. "Tao chỉ đánh lụi có 2 câu. Còn mày?" . "Uhm, tao chỉ 1". Nghe tới đó mình hoảng hồn ra về. Coi như tiêu.


Cho dù bảo là không hy vọng, tận trong đáy lòng mình vẫn thắc thỏm trông chờ kết quả của năm đó. (cũng hệt như nhà mình thôi, bảo không để ý đến việc của mình nhưng vẫn lăm lăm trông chờ mình xách vali đi nữa mà thôi). Nhưng chẳng thấy gì. Chẳng nhận đuợc tin gì cho đến khi mình coi như là vô vọng, vì có nhận đuợc tin cũng đã trễ rồi. Và trong lúc đó, mình đăng ký đi chơi với cơ quan vì muốn thoát khỏi tình trạng quá căng thẳng và thất vọng.  


Đi chơi toe tóet cười nói mà có vui gì


(còn nữa)

Monday, October 9, 2006

Vận động tôn giáo kiểu Mỹ

Hôm nay ở trường đang có chiến dịch của những người theo đạo Thiên Chúa (mình cũng chẳng biết nhánh nào, thấy cứ Jesu với Bible thì biết thế thôi. Buổi sáng đi ngang thư viện đã thấy có người ăn mặc lịch sự đứng phát mấy cuốn Kinh thánh nho nhỏ, xinh xinh. Nhưng mình thì có kinh nghiệm quá về vụ này hồi 3 năm về trước nên vội vàng cảm ơn rồi từ chối. Mấy người đó cũng lịch sự chán, ai không nhận thì thôi, vẫn đứng cần mẫn phát. Mà cũng không nhiều người chịu lấy thì phải. Mình đứng lại quan sát thì thấy chả mấy đứa cầm, mà có cầm thì vô thư viện một lát thì đứa bỏ lại trên bàn, đứa đi ngang thùng rác quẳng vào. Cá biệt có cuốn còn nằm lại trong restroom. Thảm quá. Vẫn biết mọi cố gắng của những người đó là vì đức tin của họ, nhưng mình thấy chẳng ra làm sao cả. Có cần thiết phải thế không. Những người trẻ bây giờ quá tự do, quá tự tin để biết mình phải làm gì, lòng tin nơi Chúa (hay bất cứ một đấng tối cao nào) không còn là chỗ dựa tinh thần cho họ nữa rồi.


Ngược lại với chiến dịch ôn hòa của những người ăn mặc lịch sự và nụ cười thân ái trên môi kia là một nhóm khác khá hiếu chiến. Cũng khơi gợi lòng tin của người khác, nhưng nhóm này dùng toàn lời dọa nạt. "If you are not believing, then you are already condammed." (Không hiều câu này lắm. ý ổng nói là việc không tin tưởng đã là một sự đày đọa rồi thì phải?! Chúa trừng phạt bọn ngoại đạo bằng cách không cho nó có đức tin chăng?!. Thế thì vớ vẩn quá. Con gà và quả trứng cái nào có trước?


Image

 


Đường lối tiếp cận đối tượng là chìa khóa quyết định thành công. Cứ nhìn cách bọn sinh viên phản ứng lại những lời của nhóm này thì biết. Bọn nó cười ồ, cãi lại, phẩy tay, nhăn mặt, la ó... đủ các cách. Nhưng cũng chỉ đổ thêm dầu vào lửa, ông cầm đầu càng hăng hái hô khầu hiệu to hơn. Thế mới biết, đức tin là cái gì đó có sức mạnh ghê gớm, và có khi làm con người ta mụ mẫm mất lý trí, hành động điên khùng. Cứ nhìn cái bảng phía sau lưng ông ta thì thấy. Thằng sinh viên đó nói đúng!

Sunday, October 8, 2006

Có Một Ngày

Lần đầu nghe bài này là trong Sao Mai điểm hẹn, cô ca sĩ hát giọng khàn khàn khá hay. Chính vì thế mà cố để ý tìm. Bản này do Trong Tấn hát, cũng hay nhưng có vẻ nghiêm túc quá, chắc hợp với tuổi trung niên hơn. Mình thì chắc nghe ca sĩ trẻ trẻ hát là đuợc rồi. Chỉ có điều, chả nhẽ nghe Lam Trường hát (Nhầm đấy, Có một ngày của Lam Trường là tự sáng tác). Nghe xong chắc bảo thôi em đi luôn, anh chả cần nhớ làm gì. Image


Có Một Ngày
Thơ: Nguyễn Khoa Điềm
Nhạc: Phú Quang ( http://nhacso.net/Music/Song/Tru%2DTinh/2005/10/05F5F285/ )


Có một ngày em không yêu anh
Em đi thật xa
Và mặc chiếc áo
Anh chưa từng thấy bao giờ
Em sẽ có cái cười
Bằng ánh sáng của cái hôn khác
Có nỗi buồn
Bằng màu mưa khác
Những buồn vui anh không có bao giờ..

Có một ngày
Em tràn đầy hạnh phúc
Ngày em không yêu anh
Ngày em rời mái nhà xưa cũ ấy
Và chiếc áo sờn vai ấy
Anh từng hôn lên nỗi khó nhọc hàng ngày
Em xoá mình đi
Bằng chiếc khăn màu thơm ngát
Cái ngày đó
Anh sẽ bắt đầu
Với anh
Bằng bước chân ngày đón em
Anh một chàng trai
Với màu tóc khác
Riêng năm tháng cuộc đời
Thì vẫn như xưa.

The Banquet - Dạ yến



Đang load. Load bằng Megaupload chậm quá. Nhưng mà ghiền coi thì cũng phải ráng thôi. Bản đẹp, những 1.3Gb.


Ai không có điều kiện ra rạp + load thì coi đỡ trailer.


http://www.helloziyi.us/Videos/banquet-trailer1.wmv


Mọi người ở nhà coi chưa? Đi coi đi rồi về có chuyện mà nói với nhau. Hy vọng cái này không nhảm như Vô Cực (The Promise), mặc dù về độ màu mè thì chắc không thua.


(Mà sao cái cô Chương Tử Di này, trừ cái phim đầu tiên Đường về nhà đóng vai thôn nữ nhà quê thì không tính, các phim sau phim nào cũng phải có cảnh XXX mới được hay sao ấy.?)


Xong! Phim coi được. Lời thoại thì cũng không có gì sâu sắc lắm, nhưng cũng có đến nỗi buồn cười như bọn báo chí Trung Quốc nó chê, báo nhà mình đăng lại đâu. Hay tại vì xem phụ đề tiếng Anh nên không thể nắm được hết?!


Quên, theo đúng thói thường thì phải chê, kẻo sau này mọi người bảo mình sao dạo này dễ dãi.


1. Ông vua dở hơi. Cứ cho là yêu con chị dâu/ hoàng hậu lắm đi thì có cần chết một cách sến như Quỳnh Dao thế không?


2. Thằng anh con bé Châu Tấn (Hùynh Hiểu Minh, Dương Qua 2006. Chả biết tên nhân vật là gì, vì coi phụ đề tiếng Anh) cứ như là yêu thầm con bé em nó ấy, tất cả vì con em thân yêu. Nhìn cường điệu quá.


3. Làm Hòang hậu gì mà đi ra ngoài chợ trời mua thuốc độc tỉnh bơ, còn ép thằng cha bán thuốc chết nữa. (Nó mà không chịu chết thì làm gì nó, chả nhẽ nhảy vào cởi đồ ra vu oan à?) Mà cũng phải, nếu không thì bắt ai đi mua đuợc bây giờ. Nhân vật chỉ có mấy đứa, sai con hầu đi mất công phải trả thêm cát xê.


4. Phim Trung Quốc bây giờ có cái mốt màu mè, múa như đánh  kiếm còn đánh kiếm như múa. Còn xử tử bằng đánh đòn (từ chuyên môn kêu bằng gì nhỉ?!) thì người bị đánh bay như bướm.


5.  Phim này bối cảnh đời Đường mà mấy mỹ nhân họ Chương với họ Châu còi như xác ve, nhìn chán không thể tả. Bắt mấy cô cung nữ đóng thay vai chắc hợp hơn ấy chứ.


6. Đoạn cuối phim chả có gì hồi hộp, có bất ngờ là thằng cha đạo diễn bắt ông vua chết sến hơn mình nghĩ (chắc nghĩ không ra cách nào giết cho hoành tráng hơn). Mấy đứa khác dĩ nhiên mình biết sẽ chết vì đánh lẫn nhau rồi.


Tóm lại, nếu lâu quá chưa đi coi phim, thì nên đi coi phim này. Không quá tệ để chửi rủa suốt như Vô Cực, cũng chẳng quá hay để phải tấm tắc khen hoài. Coi để giải trí là tốt rồi. Bỏ ra có 30 ngàn mà đòi hỏi gì nhiều.



Lời bài hát chủ đề:


http://hjisme.kbaidu.com/attachments/month_0607/fc5i_zly_yylove.mp3


chỉ vì một câu hát
mà máu nhuộm nỗi cô đơn…
chỉ vì một giấc mộng
mà ném cả giang sơn…
chỉ vì một tấm lòng
yêu đến biệt ly mới tương ngộ

chỉ vì một giọt nước mắt
mà gây hận thù…
ta đem cả tấm lòng mà yêu chàng
năm tháng từ đó, chia lìa đôi ngả
gió mưa… gió mưa

Saturday, October 7, 2006

Bánh flan

Đang hấp. Chừng nào ăn sẽ chụp hình cho mà coi. Hổng biết có thành công không nữa. Làm tanh rình cái máy xay sinh tố của thắng Mexico rồi (hổng có máy đánh trứng thì lấy máy xay xài đỡ).


Xong rồi đây. Cũng hổng tới nỗi nào.


 


Image


 


Khuyến mãi thêm bữa cơm chiều. Gỏi là bắp cải trộn với thịt cua biển (xạo đó, có 2% là thịt cua King Crab, còn lại chủ yếu là bột mì với lại thịt cá biển thôi) + càri Nhật.


Image

Friday, October 6, 2006

Environmental Engineering tại UC Davis

Sau một tuần học, mình cũng bớt sợ đi một chút. Thật ra không phải vì mình giỏi. Học kỳ này học 5 môn thì môn Anh văn coi như không tính, seminar thì tới buổi đến ngồi vắt tréo chân vừa nghe vừa nhai cookies uống nước ngọt zero calori (miễn phí, tất nhiên!), chả phải nghĩ ngợi gì mà cũng chả phải lo gì vì không bắt viết báo cáo, lấy ai mà biết mình có hiểu mấy ông guest lecturer đó nói gì hay không. Còn lại 3 môn thật sự là chuyên ngành. Thật là trùng hợp khi có 2 môn học cùng một ông giáo. Ông này trước tốt nghiệp chính trị hay gì gì đó rồi mới chuyển sang làm về môi trường, vậy mà bây giờ giảng bài về water chemistry và physico-chemical processes cứ gọi là leo lẻo. (Nhầm. Ông này học BSc về Chemistry, sau đó học MSc về Public Policy rồi lại học PhD về Civil Engineering. Rắc rối quá).May mà mình cũng đọc được  một mớ sách hồi xửa hồi xưa cộng thêm với mớ kiến thức luyện gà còn hồi xửa hồi xưa hồi xừa hơn nên cũng không đến nỗi ngơ ngẩn nhìn thầy và các bạn.


Môn Water resources management thì mới là kinh hoàng, mới vào ngày đầu ông giáo đưa cho 2 xấp handout bảo đọc đi 2 bữa tới tao đi không có nhà bọn sinh viên của tao sẽ tới thảo luận với tụi bây. Cái đầu tiên thì là bản dịch của một cuốn sách (thật ra là có 2 tập) về Cấp nước cho thành Rome từ 2000 năm về trướcImage. Mới đọc vào cái đoạn mào đầu thì cũng hơi hoảng vì cách hành văn quái dị, mình đã tệ tiếng Anh rồi mà còn cho đọc cổ văn thì thật là dã man. Nhưng cũng may là mấy phần sau tương đối cũng đơn giản, nên mất hết buổi chiều trong thư viện thì cũng xong. Sáng hôm sau tí toét phát biểu loạn xà ngầu, chả biết có nói trùng nói lắp gì ý của bọn nó không vì đôi khi chả nghe được bọn nó nói gì cả. Chúng nó cứ nói ríu ríu trong cổ họng, nghe đuợc mới là lạ. Nói chung là không phí công đọc. Hai ngàn năm trước La Mã còn tân tiến hơn mấy nước nghèo hiện nay. Một ông "Bộ trưởng bộ Cấp nước" hồi đó còn biết rõ ổng phải và cần phải làm những gì hơn là người ta bây giờ.


Tới cái handout thứ hai thì chuyển về nước Mỹ thế kỷ 19 với chuyện giải quyết nước thải sinh hoạt đô thị và lịch sử hình thành ngành Sanitary Engineering, tiền thân của Environmental Engineering tân thời. Hóa ra Việt Nam mình còn đi sau chúng nó những 100 năm chứ chả phải 5-60 năm như mình nghĩ hồi xưa. Công nhận đọc thì thấy hay nhưng nhức đầu quá trời, đặc biệt là những phần liên quan đến thể chế, chính trị xã hội. Cho nên quyết định sẽ nghĩ về những điểm mà mình tâm đắc (biết chắc chắn thế nào mở đầu thảo luận đứa moderator cũng hỏi cái đó mà) vào sáng ngày hôm đó, lúc đạp xe đến trường. Ai mà ngờ sáng hôm sau dậy trễ, hộc tốc đạp xe vào trường còn suýt bị trễ, bao nhiêu thứ đọc được rụng hết trên đường. Nói loạn xạ cái gì đó (do vẫn còn đang thở, chả nghĩ được gì) chúng nó chắc chả hiểu gì vì thấy đứa nào đứa nấy nghệch mặt ra. Nghĩ thầm phen này chắc tiêu rồi. Ai dè có một đứa Mexico (lại Mexico, cái bang Cali này sắp thành bang Mexico-Neo rồi) nó đề cập tới dry sanitation, có đứa không biết mới hỏi lại. Chớp thời cơ, nhảy vào giải thích loanh quanh (may ghê, hồi xưa ở Nhật cũng có ích chứ) rồi nhân tiện chuyển qua  decentralized system luôn. cả bọn cứ thế ngồi bàn tán đến hết giờ, bỏ luôn cái nội dung chính của handout. Thế là thoát.


Môn này thật ra không phải thi, chỉ viết paper thôi. Nhưng topic thì phải chọn (tự do) ngay từ đầu, ông giáo duyệt rồi mới làm. Cứ cách vài tuần lại phải báo cáo tiến độ (có lịch hẳn hoi), rồi thảo luận rồi chỉnh sửa rồi báo cáo trước lớp. Sợ nhất vẫn là viết paper. Bây giờ mình mà viết được 1 trang tiếng Anh cho ra hồn thì chắc chỉ có trong mơ. Thôi đành cố lê lết theo bọn nó cho hết mùa trăng này vậy. Dù sao môn này cũng khá hay, nhưng ông giáo chỉ nói về Water management ở Cali thôi. Các ví dụ, tài liệu đều là về Cali nên hổng biết có bay bổng quá đối với dân ở Chắc Cà Đao mới qua như mình không nữa.


Học kỳ này (thực chất là quarter, UC Davis là một trong những trường ít ỏi theo đường lối dã man chia năm học ra làm 4 term ) chỉ học có thế, nên không có học với nhân vật nào nổi tiếng. Hồi mới apply vào UC Davis, biết có George Tchobanoglous (đúng không chả biết nữa, tên gì mà khó nhớ bỏ xừ) là Giáo sư ở đây thì thấy khoái trá lắm. Nhưng tiếc là ông này giờ về hưu mất rồi, vẫn còn văn phòng ở khoa nhưng là Prof. Emeritus, không dạy nữa hay sao ấy. Tiếc quá. Hâm mộ ổng là tại vì đa số các sách về Environmental Engineering ổng đều đứng ra biên soạn cả. Hôm nọ trong lúc bàn về sách tham khảo cho môn Water treatment processes, ông giáo bảo thế nào giáo sư Tchobanoglous cũng bị kiện về cái tội viết sách quá dày, sinh viên mang vác sách nhiều bị cong cột sống. Ổng còn bảo (đùa thôi) bây giờ trong khoa đang có cái mốt so số trang sách mỗi khi xuất bản, sách ai dày hơn thì người đó biết nhiều hơn. Chỉ tội cho bọn sinh viên, è cổ ra mà mua (sách mắc kinh dị) rồi phải đọc nữa chứ.


Nhân vật thứ hai cũng nổi đình đám không kém, nhưng chắc không bằng ông trên. Không phải vì ông này không viết sách mà vì sách của ông này không nhiều (dày thì cũng không kém, hồi ở Nhật mình có đọc 1 cuốn của ổng rồi. Cuốn đó có chữ ký và lời đề tặng của ổng nữa. Ông giáo Nhật của mình hồi đó lật ra khoe với mình một cách hãnh diện lắm)  và không dùng làm sách giáo khoa. Nhưng bù lại ông này được giải Stockhom Water prize , mà hồi xưa ông giáo ở Nhật của mình bảo 'tương đương Nobel Prize của ngành Environmental Engineering. Ông này thì mình có gặp (chính xác là thấy) những 2 lần hồi ở Nhật. Ông giáo Nhật của mình từng làm việc với ông này cũng chính tại UC Davis khoảng hơn 10 năm về trước. Ông giáo của mình trọng ổng lắm, cứ gọi là đi theo cung kính (hay tại dân Nhật như thế). Lần đó ổng qua khoa nói về Wastewater Reclaimation ở Cali, hóa ra bây giờ lại có ích cho mình, lấy cái đó làm chủ đề cho cái paper về Water management luôn. Lần thứ hai thì ổng về trường Hokkaido để nhận bằng tiến sĩ danh dự. À, tìm được tên ổng rồi.


"Stockholm Water Prize - Laureates
2001: Professor Takashi Asano
University of California at Davis, United States

For his outstanding contributions to efficient use of water in the domain of wastewater reclamation, recycling and reuse through theoretical developments, practical research and worldwide adaptation and promotion. "


(From: http://www.siwi.org/)


Thấy sang bắt quàng làm họ tí, nhưng ông này cũng lên làm Prof Emeritus mất rồi. Thôi thì chịu khó tìm người khác vậy.


Ăn uống

Nhân có người tỏ vẻ ngạc nhiên vì mình biết nấu ăn, gửi lên vài cái hình những món mình đã nấu gần đây cho mọi người biết mình ăn uống sang trọng cầu kỳ như thế nào. (Chú ý: 1 món ăn ít nhất 3 lần và không phải ngày nào cũng chịu khó nấu "trông có vẻ ngon" như thế!


Này thì gà nướng (lỡ mua nguyên con gà, chả biết làm gì đành lôi ra nướng. Hôm đó chưa biết dùng oven, nướng bằng microwave mới ghê chứ. Không có mật ong + nướng quá lâu nên hơi khô tí.


Image

Trước khi đi, do ảo tưởng về thiên đường Mỹ (thịt bò rẻ như cho) nên mình chuẩn bị rất nhiều bôt gia vị bò kho mang theo. Đúng là có rẻ thật, nhưng chỉ bán cỡ 1 kí trở lên, không bán lẻ. Lục lọi lắm mới có được miếng gần 1 kí. Hic, nấu 1 lần ăn 2 ngày.


Image

Cái món ở post trước trông thế chứ chả ngon gì cả. Tôm xào tỏi thì tôm điđường tôm, tỏi đi đường tỏi do tỏi có nát đâu, lấy dao xắt thì làm sao mà xào tỏi cho thơm được. Đành phải chữa cháy bằng cách đổ thêm nửa hộp cà hôm nấu bò kho c òn lại (sợ để lâu nó hư thì phí).


Image

Này thì các thể loại cà ri: cà ri vàng của Thái, càri hổ lốn của Nhật.


Image Image

Lại là đồ Nhật, mì lạnh. Lâu lắm mới ăn lại, ngon hết biết. Chính ra mình thấy Mỹ là thiên đường ăn uống. Muốn thức ăn nước nào cũng có. (Cuốn sách là của thằng nhóc ở chung nhà, chứ mình ây giờ chả có can đảm học một thứ hoàn toàn mới như thế, mặc dù đọc qua một vài ví dụ của nó, cảm thấy hay hết biết, mà lại có thể xài được trong mọi ngành nữa. Công nhận trong hình có kèm cuốn sách dày cộp thấy sang trọng hẳn lên. Ăn uống kiểu trí thức thấy rõImage).


Image

Premium Outlet Factory ở Vacaville

Dân chúng ở Davis chuẩn bị đi bỏ phiếu để quyết định xem có nên cho xây một cái siêu thị bán hàng siêu rẻ Target hay không. Sở dĩ có chuyện này là do trong 20 năm nay, Davis gần như là thành phố zero growth. Chính cái quy hoạch xây dựng thấp tầng, mỗi công trình không quá 30.000 ft2 mà không có chuỗi siêu thị nào có thể chen được vào đây. (Nội cái bãi đậu xe của mấy cái Walmart thôi nhìn đã thấy hoảng. Ở Mỹ này mà xây siêu thị thì diện tích đất cho bãi đậu xe khéo gấp mấy lần diện tíh khu bán hàng). Dân chúng ở đây muốn mua hàng rẻ thì cứ lái xe sang bên hàng xóm mà mua.


Vacaville là một trong những town lân cận Davis. Lúc đầu mình cũng chả có khái niệm gì về cái thị trấn này cả, cứ nghĩ chắc nó cũng như Davis, cũng be bé, cũng chả có gì khác để quan tâm. Nhưng nhờ sự xông xáo của bọn Mexico ở chung nhà mà mình biết ở đó có một khu Premium Outlet.


Premium Outlet Factory ở Vacaville là nơi xuất hàng bán sỉ cho các cửa hàng trong khu vực. Nhân tiện người ta dựng lên các cửa hàng bán lẻ với giá thấp hơn các cửa hàng ít nhất cũng 20-30%. Gặp mùa sale thì còn béo bở hơn, có mặt hàng giảm tới 70%. Gần như tất cả các nhãn hàng thời trang mà mình nghĩ là đồ hiệu đều có cửa hàng ở đây. Điểm sơ qua thì có Guess, Ralp Laurent, Tommy Highfinger, Gap, Banana Republic, CK, Levis... Còn đồ thể thao thì hầu như có đủ mặt từ Addidas, Nike, Rebok, Converse, Colombia, Timberland, Puma cho đến một số nhãn vô danh đối với mình. Chỉ cần ghé vào mỗi cửa hàng 10 phút thôi cũng mất hết cả ngày.


Mặc dù giá rẻ như thế nhưng sau gần 5 tiếng đi vòng vèo, mình chỉ mua được mỗi cái áo sơmi CK, do nó giảm quá mức thành ra rẻ. Chứ các thứ khác dù có rẻ hơn ở shop bán lẻ rồi được giảm giá đi nữa thì vẫn còn mắc đối với mình. Chính ra là mình tiếc tiền và không cảm thấy có  nhu cầu xài mấy cái hàng hiệu đó cho lắm, nếu không thì chắc cũng ham hố nhảy vào lựa lấy lựa để rồi mua lung tung như bọn kia mất thôi. Nhìn bọn nó vô tư mua sắm thấy mà thèm! Mình thì lúc nào cũng cứ cân nhắc nghĩ ngợi có nên mua không, có cần bỏ ra nhiêu đó tiền để mua thứ đó không.... Nghĩ nhiều quá thiệt là mệt! Chuyện mua cái áo CK là do chịu hết nổi, cầm lòng không đậu nên phải móc tiền ra. Ai đời cái áo CK mà chỉ có 14$ (do giảm 70% giá), mà lại là áo made in Hongkong nhé. (nếu mà xem kỹ thì đa số các thứ hàng bán ở đây toàn đồ Made in Châu Á cả thôi, chủ yếu là China và Phillipines, thỉnh thoảng có thấy Vietnam và Cambodia).


Chính ra hôm đó định nhảy vào cửa hàng bán nước hoa xem có cái gì hời không thì mua về xịt cho sang trọng. Nhưng mà bọn kia thì cứ hí hửng mua quần áo nên đành ngậm ngùi đi theo bọn nó. Hôm nay vào trang web của cái cửa hàng nước hoa đó, thấy nó cũng giảm giá quá  trời. Thế này thì hôm nào đẹp trời phải đón xe bus (miễn phí cho SV, tất nhiên, nếu không thì dễ gì mình đi) sang đó lần nữa để buôn hàng. Hy vọng hôm đó mình sẽ hào phóng hơn chăng!?

Thursday, October 5, 2006

Lonely?!



Mình cũng lấy làm lạ là mình chẳng hề có cảm giác nhớ nhung gì gia đình hay bạn bè cả. Những ngày đầu bận rộn lo nghĩ tìm chổ ở thì không kể, đến những ngày cuối tuần chẳng có việc gì làm, bọn ở chung nhà đi party hết, chỉ một mình ở nhà mình cũng chẳng thấy cô độc. Có thể là mình có kinh nghiệm hơn 3 năm trước rồi chăng? Hay tệ hơn là mình sắp (hay đã) mất cảm giác đó rồi. Trở thành một con người vô cảm, như mình lờ mờ nhận thấy vào cái ngày cuối cùng chuẩn bị bay.


Thật sự thì mình cũng đôi khi thoáng cảm thấy đơn độc (không có nghĩa là cô đơn). Đó là vào một ngày trời bất chợt trở gió như có bão, gió thổi ầm ào suốt ngày, cố sức đẩy lùi một đứa lầm lũi đạp xe một mình trên đường. Hay vào lúc đi ăn trưa, đi siêu thị hay cả lúc nấu và ăn, những lúc cần có người bên cạnh để nói để cười hay để giành giật đùn đẩy. Tất cả chỉ có mình mình, chạnh lòng cũng phải.


Nói tới nấu ăn mới thấy mệt. Không phải vì mất công nấu mà vì phải ăn một món ít nhất là 3 bữa liên tục. Có lần còn phải ăn bò kho trong 2 ngày (6bữa), đến nỗi bây giờ chẳng biết đến khi nào mới dám nấu lại món đó lần nữa. Ngày xưa (lại ngày xưa) có 3 đứa, ăn 1 lần là sạch bóng, lại ca cẩm là mất công nấu hoài. Cứ thế, rồi lại nhớ ngày xưa...


Dù sao thì bây giờ mình đã bắt đầu một cuộc sống mới. Sáng thức dậy hâm đồ ăn sáng rồi vội vàng cơm hộp nước chai vai mang balô lóc cóc đạp xe tới trường. Trưa lầm lũi ra căn tin xài ké cái microwave rồi lầm lũi ngồi ăn một mình, 1 tay cầm muỗng tay kia cầm tờ báo đọc cho ra vẻ mình bận rộn chẳng để ý đến ai. Chẳng lẽ lại vừa ăn vừa ngắm bọn chúng cười đùa hí hố, lại thấy  chạnh lòng thì sao.!? Chiều về làm đồ ăn, nấu nồi cơm rồi dùng vá chia vòng tròn cơm ra làm 3, vừa làm vừa tự hỏi mỗi phần có bằng 120 độ?!

Davis và UC Davis



Trong trí tưởng tượng của mình theo những gì đọc trên mạng trước khi qua đây, thì Davis là một nơi nhà quê cùng cực, chỉ có ruộng, bò và ... sinh viên của UC Davis. Cũng trên mạng, Davis là thành phố bicycle friendly nhất nước Mỹ, với tỉ lệ dân đi xe đạp vào hàng cao nhất. Ừhm, cái vụ này còn an ủi được phần nào, vì mình cũng sẽ đi xe đạp. Ai cũng như ai, chẳng có gì phải lăn tăn mày giàu có ôtô tao nghèo đi xe đạp...


Nhưng không. Trong buổi đầu tiên đến trường dự orientation, một ông giáo sư hí hửng khoe Davis là "one of American dream towns". Mà quả thật thế. Thành phố này thanh bình một cách đáng ngạc nhiên so với những gì mình từng thấy trên film Mỹ. Thành phố chỉ có 65 ngàn dân thì 1/3 số đó là có dính dáng công ăn việc làm với UC Davis, số còn lại đa số là mấy ông bà già về hưu. Mà ở Mỹ, nếu cả đời đã đi làm thì lúc về hưu người già giàu phải biết.


Davis được cố ý quy hoạch và xây dựng như một thị trấn nhỏ và yên bình. Nhà cửa đa số là thấp tầng. Nói chính xác ra thì trừ một hai tòa nhà trong khuôn viên UC Davis cao đến 5 tầng, tất cả nhà dân và công sở trong thị trấn này chỉ lè tè 1-2 tầng. Nhà nào cũng có vườn riêng, hay chí ít cũng là cây xanh, bãi cỏ trong khuôn viên. Nhìn cứ như biệt thự. Một điều rất thích là nhà cửa, phòng ốc bên này rộng rãi hơn ở Nhật, và cả ở Việt Nam, nhiều. Có vẻ như về mặt hưởng thụ cuộc sống thì Mỹ (và có thể là Châu Âu, mình chưa đi nên chưa biết) hơn hẳn Nhật, dù chưa biết ai giàu hơn ai. Và cũng vì cố ý quy hoạch một thành phố yên tĩnh nên cha93ng thể nào tìm được một cái appartment store hay một siêu thị khổng lồ kiểu Walmart. Dân chúng muốn mua sắm ư, cứ mua ở các tiệm bé tí ở downtown với giá đắt cắt cổ. Còn muốn mua đồ rẻ và phong phú thì cứ chịu khó mà sang mấy thị trấn lân cận. 


và cho dù mang danh là thành phố có tỉ lệ người đi xe đạp nhất nước Mỹ, với các lane đường dành riêng cho xe đạp, với quyền ưu tiên hơn các phương tiện khác thì đa số dân ở đây vẫn đi xe hơi. Vậy mà mình đã tưởng bở. Thật ra, một khi đã ở Mỹ, thì chuyện xài xe hơi là tất nhiên. Không thể nào, và chắc cũng chẳng ai hì hụi đạp xe 4 cây số đi siêu thị rồi lách cách chở đồ về giữa cái nắng gay gắt của mùa hè (như mình!). Xe đạp chỉ dành để đi làm (gần nhà) hoặc đến trường mà thôi.


UC Davis nằm cạnh một thị trấn như thế nên cũng mang phong cách gần như tương tự. Là campus rộng nhất trong số 10 campus của University of California, UC Davis cũng là campus xanh nhất. Dọc theo một cạnh của khuôn viên trường là một công viên nhỏ với đủ các bộ sưu tập thực vật từ nhiệt đới, cận nhiệt đới, ôn đới cho đến Địa Trung Hải hay sa mạc. Khí hậu đặc trưng của vùng thung lũng trung tâm ở miền bắc Cali này thích hợp cho các loại cây trên. Có nghĩa là trong năm có những lúc nóng ẩm, có lúc mưa dầm, có lúc lạnh thấu xương và có lúc khô cháy.  Mình đã tưởng khí hậu ở đây giống như Việt Nam nên chẳng chuẩn bị tinh thần chịu lạnh. Hóa ra cái lạnh ở đây buốt như ở nhà vào những ngày cận Noel mà ẩm ướt chứ chả dễ chịu như mùa đông Hokkaido đầy tuyết.