Monday, October 23, 2006

Chuyện nước nôi ở Los Angeles

Hôm Orientation  lúc mình mới qua, mình có (được) làm quen với Joe. Joe chắc cỡ  50, đã là kỹ sư nền móng mấy chục năm, nhà ở Los Angeles (LA), giờ vui vẻ  một mình đến Davis cắp cặp đi học. Tán dóc một hồi thì Joe bảo chắc ở VN chả bao giờ thiếu nước ha (Dân Mỹ thì chỉ biết Mekong Delta, chứ phần phía Bắc thì mù tịt.). Mình ậm ừ rồi hỏi LA thế nào. Joe bảo cả thành phố có con sông bé tí, không đủ nước, phải dẫn nước từ nơi khác về. Rồi nói về chuyện thành phố LA bí mật mua nước của nông dân ở vùng Serria Nevada mà không cho họ biết là để làm gì, thế rồi một ngày đẹp trời nọ, tất cả nước của vùng đó chảy về LA trước sự ngỡ ngàng và căm phẫn của dân tình trong vùng. Lúc đó mình cứ tưởng chuyện vừa xảy ra gần đây nên há hốc mồm kinh ngạc. Nhưng không phải, chuyện xảy ra cách nay cũng 100 năm rồi. Nhờ phải đọc cuốn sách The Great Thirst nói về chuyện nước nôi ở Cali mà mình mới biết điều đó.


Los Angeles được thành lập vào khoảng năm 1769 với khoảng 11 hộ dân, lúc đó còn được đặt tên là làng El Pueblo de Nuestra Senora La Reina de Los Angeles (tên bọn Mexico này dài tàn nhẫn, vì tên con sẽ là tên riêng + tên cha + tên mẹ , chưa kể các loại Junior... ). theo kiểu của Tây Ban Nha thì nước nôi thuộc quyền quyết định của nhà vua, nên sau đó vài năm vua Tây Ban Nha ra quyết định (bằng văn bản, dĩ nhiên) trao cho làng này quyền sử dụng nước trên toàn bộ con sông Los Angeles.


Chuyện sẽ chẳng có gì mà ầm ĩ nếu như không có chuyện các khu "kinh tế mới" ở xứ Cali ngày ấy càng lúc càng phát triển. Và tất yếu đến lúc sẽ dẫn tới tranh giành kiện cáo. 67 năm sau đó, Los Angeles đã trở thành một khu dân cư đông đúc (gồm 69 khu nhỏ hợp lại) và chuyện tranh chấp quyền sử dụng nước với một thành phố khác ở thượng nguồn xảy ra. Lúc này Cali được bọn Mễ nộp cho Mỹ sau Hoà ước Mexico (?!). Dĩ nhiên nếu đã là Mỹ thì tranh chấp sẽ giải quyết tại toà. Tại toà, LA đưa ra văn bản trao quyền sử dụng nước đựoc ký mấy chục năm về trước, và bên thượng nguồn đành chấp nhận thua cuộc vì theo Hoà ước Mexico, tất cả các quyền được thiết lập từ thời thuộc Mexico phải được Mỹ tôn trọng (Hix, bọn Mexico này công nhận có tình nghĩa, bảo vệ quyền lợi của dân chúng thuộc địa ngay cả khi không còn xơ múi gì).  Thế là LA giành trọn quyền khai thác sông LA. Quyết định của toà án sau này trở thành một tiền lệ, và hiện nay tên của một trong những loại hình sở hữu nước ở miền tây Mỹ là Pueblo right, tên ban đầu của LA. Quyền này cho phép giữ nguyên quyền sử dụng nguồn nước đã được thiết lập từ thời Cali còn là một phần của Mexico.


 Cho đến đầu thế kỷ 20, hệ thống cấp nước của LA nằm trong tay của một công ty tư nhân. Dĩ nhiên là tư nhân độc quyền thì sinh ra làm ăn gian dối, giá thành sản phẩm thì cao mà chất lượng thì tệ. Dân tình LA la lối om sòm nhưng biết làm sao được, không xài nước đó thì xài nước nào bây giờ. Chính trong giai đoạn này nổi lên 1 nhân vật theo mình là vĩ đại nhất LA: Williams Mulholland.


Ông này sinh ở Ireland năm 1855, bỏ nhà đi bụi năm 15 tuổi và sau đó đến New York . Sau một thời gian làm đủ thứ chuyện linh tinh từ tiều phu, thợ xẻ cho đến thợ mỏ, năm 1878, Mulholland chuyển tới làm thợ chùi rửa kênh dẫn nước cho công ty cấp nước tư nhân ở LA. Tự mày mò học hỏi và rút kinh nghiệm, dần dần sau đó ông leo lên làm kỹ sư cấp nước của thành phố. Với đầu óc và trách nhiệm được giao, ông từ từ cải tạo lại chuyện vận hành hệ thống cấp nước. Rồi sau đó, do nhận thấy tính không an toàn nếu để hệ thống cấp nước nằm hoàn toàn trong tay tư nhân, thành phố LA quyết định mua lại hệ thống cấp nước đó. Việc mua bán đó hết sức suôn sẻ và hoàn tất vào năm 1902. Kể từ lúc này, vai trò của Mulholland càng lúc càng quan trọng hơn đối với LA. Ông có những cải tổ đáng kể mạng lưới cấp nước của thành phố và trở thành người được trả lương nhiều nhất ở LA lúc bấy giờ.


Nhận thấy LA đang càng lúc ncàng phình to, và nhu cầu dùng nước có thể trở nên cấp thiết, Mulholland và Fred Eaton, cựu thị trưởng của thành phố ra sức thuyết phục thành phố rằng phải tìm nguồn nước mới. Từ khi còn tại chức, Fred Eaton đã nhắm tới vùng thung lũng Owen, cách LA 200 dặm. Nứơc của khu vực này là nước từ trên núi tuyết nên chất lượng rất tốt. Tuy nhiên lúc đó Mulholland không để ý tới đề nghị đó. Khi yêu cầu tìm nguồn nước mới được đặt ra, dĩ nhiên cả 2 nghĩ ngay tới Owen.  Thành phố liền hí hửng bật đèn xanh cho 2 ông này tìm cách mua lại quyền khai thác nước ở thung lũng Owen. (Tất nhiên, tất cả mọi chuyện bàn tán đều nằm trong vòng bí mật.)


Dân chúng ở thung lũng Owen chủ yếu sống bằng trồng trọt và chăn nuôi nên cũng cần có nước. Tuy nhiên do làm ăn theo kiểu hộ gia đình nên việc xây dựng hệ thống khai thác và cung cấp nước phải trông chờ vào cái gọi là Reclamation Service của vùng. Muốn lấy được nước về LA thì bằng mọi cách phải ngăn chặn cho được việc xây dựng hệ thống cung cấp nước cho thung lũng này. Người đứng đầu Reclamation Service lại là bạn lâu năm của Eaton, nên chẳng còn gì dễ dàng hơn. Đổi lại sự hỗ trợ của ông ta, LA thuê ông ta làm cố vấn cho dự án đem nước về LA với mức lương cao ngất ngưởng. Thế là Mulholland lần lượt thương thuyết và mua lại đất đai (kèm theo là quyền sử dụng nước) trong khu vực mà không một ai trong thung lũng Owen nghi ngờ. Rồi một ngày đẹp trời, sau khi gom đủ đất và quyền sử dụng nước tại thung lũng, làm cho dự án xây dựng hệ thống phân phối nước tại thung lũng Owen phá sản, LA công bố dự án của mình.


Dân chúng thung lũng Owen dĩ nhiên tức giận phản đối, tuy nhiên chẳng làm gì được nữa rồi. (bán nhà lấy tiền rồi làm gì có thể trả tiền lấy đất lại được). Kết tội người quản lý nước của khu vực cũng vô ích, vì hắn ta bay ngay về LA làm cho Sở cấp nước ở đó với mức lương cũng cao không kém khi làm cố vấn bí mật. Hy vọng duy nhất của họ là Chính quyền Liên Bang không cho LA xây dựng đường ống ngang qua đất của Liên Bang. Nhưng so sánh cân nặng giữa LA và một nhóm dân lèo tèo thì rõ ràng Liên Bang phải đứng về phía bên nặng. Vậy là năm 1905, đường ống dẫn nước từ Owen về LA bắt đầu khởi công. sau khi hoàn tất năm 1913, LA có đủ nước dùng cho 1 triệu dân trong khi dân số lúc đó chỉ là 100 ngàn. Tất cả đều do tầm nhìn xa và sự lèo lái tài tình của William Mulholland. Từ đó, LA càng lúc càng phình to ra, sáp nhập nhiều thành phố lân cận và trở nên một trong những trung tâm của thế giới. Trong sự phát triển đó có sự đóng góp cực kỳ quan trọng của Williams Mulholland.


Nhưng chuyện không dừng lại ở đó, vài năm sau Muholland còn tìm cách dẫn nước từ sông Colorado cách LA 300 dặm. Từ đó, LA không còn phải lo ngại về chuyện thoả mãn nhu cầu dùng nước cho dù thành phố cứ tiếp tục phình to.


Là một người có thể nói là thiên tài, đóng góp của Mulholland cho sự phát triển của LA không thể nào đánh giá hết. Tuy nhiên, cuộc đời Mulholland kết thúc khá lặng lẽ và có thể nói là đau thương. Năm 1928, con đập ngăn nước mà ông ta chỉ đạo xây dựng bị vỡ, 45  triệu m3 nước tuôn xuống hạ nguồn, quét sạch mấy thành phố nhỏ cùng lúc ra biển. Dân chúng căm phẫn,Mulhoolland buộc phải từ chức, và từ đó cho đến lúc chết 7 năm sau đó, ông ta sống trong lặng lẽ và ẩn dật.


Cũng cần nói thêm về Eater. Ông này thậm chí nghĩ đến nước ở Owen còn trước Mulholland. Vì thế ông ta bí mật mua trước đất đai ở đó, và đến khi LA muốn tiến hành dự án lấy nước từ Owen, ông ta thương lượng đòi đóng góp theo kiểu cổ phần. Nhưng thành phố LA không muốn có sự tham gia của tư nhân vào hệ thống cấp nước, nên từ chối. Eater lại xoay qua đề nghị bán phần lớn đất đã mua, trừ một khu ở phía thượng nguồn, cho LA. Dĩ nhiên LA đang muốn gom càng nhiều đất ở thung lũng Owen càng tốt nên sãng sàng đồng ý. Sau này, Eater mới đề nghị LA bỏ tiền ra xây dựng một hồ chứa ngay trên phần đất mà ông ta chừa lại, và LA phải trả tiền thuê đất đó, nếu không ông ta sẽ tự xây đập và khai thác nó cho mục đ1ich khác, chuyện gì xảy ra ở phía dưới nguồn thì ông ta không quan tâm. Dĩ nhiên LA buộc phải đồng ý, vì không còn lựa chọn nào khác.


Còn về Mulholland, khi thuyết phục thành phố LA xây dựng hệ thống chuyển nước từ Owen về LA, ông ta đưa ra lý do là thành phố cần bảo đảm nước cho sự phát triển. Thực tế là LA không thể nào dùng hết nước trong thời điểm đó, và phần lớn nước chuyển về được đưa đến vùng thung lũng San Fernando kế bên. Kết quả là giá đất đai ở vùng này tăng vọt như pháo thăng thiên. Chỉ đáng nói là tập đoàn nắm quyền sở hữu vùng đất đó có quan hệ mật thiết với ... Mulholland. Và cũng chính tập đoàn đó đã góp phần rất lớn trong việc vận động đóng góp tài chính cho việc xây dựng đường ống dẫn nước về LA.


Dù sao đi nữa, Los Angeles, California và Mỹ phải biết ơn Williams Mulholland vì đã đưa LA trở thành một đô thị lớn bậc nhất và đưa các khu vực nông nghiệp xung quanh trờ nên sung túc hơn. Cho dù ông ta có làm điều đó với mục đích gì đi nữa thì tầm nhìn, khả năng và tinh thần tận tuỵ với nghề của ông ta cũng đã được ghi  nhận trong một phần lịch sử phát triển của Los Angeles.


(Phù, mệt quá. Lần sau rảnh sẽ tới lượt San Francisco).


 

3 comments:

  1. Good job!!! Thanks a lot. At least I knew something else beside my garbage collection truck, which I am studying right now :D

    ReplyDelete
  2. Thoi D oi. Bai nay con nhieu chỗ khong chinh xac lam, voi lai khong day du nua. (tui nho bao nhieu thi viet bay nhieu nen khong bao dam chat luong dau. Dua ra cho nguoi ngoai doc khong duoc tot lam dau.

    ReplyDelete
  3. Vu oi, cho D post bai nay ben La Xanh duoc khong?

    ReplyDelete