Sunday, May 27, 2007
Entry for May 27, 2007
Saturday, May 19, 2007
Ăn trưa cuối tuần
- Món mặn: Cá biển lăn bột sốt cà chua
- Món xào: Măng chua xào thịt bò
- Món canh: Canh miso (đậu tương) của Nhật.
- Tráng miệng: 1 trái đào
.
Friday, May 18, 2007
Tôi đã đi vào lịch sử giáo dục VN như thế nào?!
Tôi sinh ra phải thời (giáo dục) rối ren, lớn lên gặp lúc (thi cử) loạn lạc nên bây giờ nghĩ lại thấy mình từng là chuột bạch khá nhiều. Đổi lại, do là chuột bạch nên mình cũng được biết một số thứ mà những đứa không là chuột bạch không thễ biết. Âu cũng là bù trừ.
Sau khi biết đậu được vào Lê Hồng Phong là tôi đã phổng mũi lắm rồi. Sau đó khi lên trừơng lấy kết quả thi và đơn xin nhập học thì được phát kèm cái thông báo thi vào lớp chuyên. Cha mẹ ơi, học trường làng, thi vô LHP số đỏ lắm mới đậu, làm gì có ước mộng cao xa thế. Có điều, năm đó tự dưng nhà trường nảy ra thêm ý định mở lớp chuyên Hoá và chuyên Sinh (trước đó chỉ có Toán Lý với Văn, Anh thôi). Xét thấy những biểu hiện của mình khi thi tuyển môn Toán không ra gì, tôi chẳng có ý định mon men môn Toán. Môn Lý thì sau khi thấy mấy cái đề thi tuyển mấy năm trước tôi cũng dẹp luôn ý định vì chẳng biết làm bất cứ cái gì trong đó. May mà môn Hoá lần đầu tuyển sinh nên tôi không có gì để mà đọc để sợ, nếu không thì chắc cũng bỏ luôn không thi lớp chuyên làm gì. Thêm nữa, thi vô lớp chuyên coi như là quyền lợi thêm cho dân hệ A, chứ hệ B đâu có được thi. Vì vậy, cứ đi thi, có mất mát gì đâu mà sợ, dù gì thì cũng đã đuợc đặt chân vô trường rồi mà.
Tôi thi với tinh thần "học hỏi là chính", như Việt Nam mình dự vòng loại World Cup ấy. Làm bài cũng lam nham, nói chung tất cả những gì tôi được thầy dạy trong trường thì tôi làm được hết, còn những gì chưa từng nghe nói tới bao giờ thì bỏ. Dĩ nhiên là tôi chẳng có sáng tạo hay thông minh đột xuất gì trong khi thi để có thể tránh được mấy cái bẫy trong đề (mà mãi về sau mới được học). Nói chung, thi xong thì tôi chả để ý gì, về nhà đi chơi luôn. Vả lại lúc đó nhà trường đòi phải nộp bản sao giấy khai sinh, mà mẹ tôi thì không còn giữ bản nào. Thế là tôi lon ton một mình đạp xe về chỗ bố mẹ làm khai sinh cho tôi hồi xưa để xin trích lục lại (không phải nơi nhà tui đang ở, nhưng may mà cũng chỉ cách có 5 cây số). Đến nơi thì được chỉ đi về huyện. Về phòng tư pháp huyện rồi thì lại bị bắt phải làm đơn thì mới được cấp.Thế là tôi lại lóc cóc đi về, tự viết đơn rồi lại đem nộp. Công nhận hồi đó mười lăm tuổi mà sao tôi độc lập thế không biết. Dạo đó ông nội tôi bệnh nặng cho nên ba tôi không rảnh, mẹ tôi thì chả biết đi xe, kể cả là xe đạp, anh tôi thì chỉ hơn tôi có 1 tuổi, thế nên tôi tự làm là phải rồi.
Thú thật là gần ngày có kết quả tôi cũng muốn biết mình được mấy điểm, chứ chẳng trông gì đậu. Vậy mà tôi lại đậu, hình như hạng 23 trên 28 đứa được tuyển hay sao ấy. Công nhận lúc nào cũng chót bảng hết. Điểm của tôi với điểm của đứa hạng nhất (là Mesmer bây giờ) cách nhau 1 cây số luôn. Nhưng kệ, nhằm nhò gì, từ lúc đó tôi thấy mình oai gấp đôi.
Vì là dân trường làng, đùng một cái vô học chung với dân xịn của thành phố cho nên tôi chới với suốt hai năm đầu. Cái trường LHP giờ nghĩ lại thấy cũng chẳng phải hay ho gì cho cam. Tuyển toàn dân giỏi, vào đó chúng nó lại cắm đầu cắm cổ đi học thêm nên trong lớp thầy cô chả dạy dỗ gì nhiều. Mà chương trình thì toàn dạy trước so với trường ở ngoài. Chương trình lớp 11 đem xuống dạy lớp 10, còn chương trình lớp 12 thì cho 11 học, để dành thời gian cho lớp 12 luyện thi. Mà sách học thì là sách riêng, cho bài tập một trời luôn, bài nào bài nấy toàn lấy trong bộ đề thi đại học không. Thầy cô vô lớp thì lớt phớt lớt phớt, làm sao mà tôi biết làm, mà có làm thì cũng chẳng xuể. Nói tới đây mới nhớ ông thầy dạy Toán năm lớp 10, cái phần xét dấu nhị thức là phần cơ bản nhất của Toán lớp 10, vậy mà ổng viết lên bảng cái nhị thức rồi ổng hỏi bên này dấy gì bên này dấu gì, cái đám bạn trong lớp chúng nó đã học thêm hết rồi nên nhao nhao trả lời. Thế là ổng bảo biết hết rồi he, vậy khỏi nói nữa nha. Mẹ ơi, cứ vậy không, làm tôi chả biết được gì hết. Năm đó vừa điểm chùa vừa điểm copy, tôi mới được chưa tới 6 phẩy môn Toán. Dã man gì đâu. Xấu hổ với cái đám bạn học cấp 2 nữa chứ. May mà lên lớp 11 đỡ hơn một tí, còn lên 12 thì do học hết rồi nên chỉ chơi là chính.
Trở lại môn Hoá, lúc mới học lớp 10 tôi cũng bị lao đao. Lớp có hai thầy dạy. Cách giảng của thầy Hồng thì tôi không hợp hay sao mà tôi không hiểu gì hết, làm bài thì không được. Thậm chí thầy có lần còn phải cho tôi làm bài kiểm tra lại vì học chuyên Hoá mà làm không được, điểm thấp quá chừng. Rồi thầy méc mẹ tôi khi họp phụ huynh nữa, làm mẹ tôi cũng xanh mặt vì lo tôi học không nổi. Bù lại tôi hợp với cách dạy của thầy Thọ vô cùng, thầy nói gì là tôi nhớ nấy, về nhà chẳng cần học bài. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ nhiều thứ mà thầy dạy từ hồi xưa lắc đó. Năm lớp 11 thì cô Nguyệt dạy cùng thầy Thọ, tôi cũng hợp luôn nên cất cánh từ đó. Năm lớp 12 thì do là chuyên Hoá nên lớp tui được cơ cấu cho đi thi học sinh giỏi quốc gia với số lựợng áp đảo: bảy trên mười đứa trong đội tuyển của thành phố, trong đó thằng Phúc, Mesmer và tôi cùng 1 thằng khác đựơc trường cử thẳng vào sau khi qua một lần kiểm tra nội bộ, không thi loại thành phố như mấy người khác. Tôi biết là khi thi nội bộ, điểm của tôi thấp hơn một hai đứa khác trong lớp. không hiểu sao thầy Thọ lại tin tôi mà cho vào thẳng. Mấy tháng sau đó, những đứa trong đội tuyển chỉ đi học luyện gà, tất cả mọi môn khác trong lớp đều được miễn, điểm kiểm tra thì lấy của đứa cao nhất lớp. Công nhận thời gian đó sướng gì đâu, có khi tôi được cho nghỉ học luyện thi mà tôi cũng chả thèm vào học mấy môn khác.
Tôi đi thi cũng theo truyền thống những lần trước, làm bài được hơn một nửa. May mà cuối cùng tôi cũng có giải, mặc dù là điểm của tôi cũng lại gần bét trong số những đứa đoạt giải ba. (Thằng Phúc với Mesmer cao hơn, Mesmer sau đó còn thi International Olympic). Tôi thì chỉ tới đó là hết mức rồi, nhưng có hề gì, vậy là tôi không phải thi đại học.
Mặc dù thế, tôi vẫn phải thi tốt nghiệp. Năm đó là năm cuối thi tốt nghiệp trung học có 5 môn, từ năm sau đó là 6 môn. Tôi quen thói ăn chơi nhởn nhơ nên chả học vào gì cả. Toán, Hoá thì không cần học, Anh văn thì chả biết học gì, Văn Sử thì học bài thuộc lòng ngán ngẩm.Gần tới ngày thi thì lại có đứa bạn bảo là biết đề trước do có bà con mua đề từ Bộ (công nhận lúc đó làm biếng nên cả tin), thế là học theo tủ. Tới ngày thi đầu môn Văn trật lất tủ. Do cái đề có câu hỏi 3 điểm về tiểu sử của cái thằng cha Nhi nhốp lốp gì đó của Nga tôi đâu có biết , cho nên tôi chọn cái đề 10 điểm phân tích truyện Mùa lạc. Hôm lớp học truyện đó thì tôi không đi học, nhưng may mà tôi có đọc truyện đó hơn 1 năm trước (tôi thường lấy sách văn của anh tôi học ra đọc hết truyện trong đó). Thế là nhào vào tán láo, có điều là tôi cứ nhớ mang máng nội dung nên tôi lần lượt cho chị Đào chết chồng, rồi chết con, rồi lại chết thêm đứa nữa cho nó quằn quại. (thật ra chị ta chỉ có 1 con thôi). Sau này tôi nổi tiếng cũng vì cho chị Đào có thêm một đứa con.
Thấy bể tủ, tôi sợ quá về nhà tối học cấp tốc môn Sử nếu không thì dễ bị điểm liệt. Gấp quá làm sao học hết đựơc, cho nên có 72 câu thì tôi chỉ học có phần thế giới mười mấy câu đầu, để chắc chắn có 3 điểm cho khỏi liệt, còn thì nhờ Toán với Hoá kéo qua. May mà khi thi cái câu hỏi về phần Việt Nam lại là câu đầu trong bộ đề cho nên tôi đã có học trước khi biết tủ, nếu không thì chắc cũng tiêu tùng.
Và tôi tốt nghiệp trung học xếp loại trung bình. Lúc đót tôi tự cảm thấy hết sức nhục nhã, còn mọi người xung quanh thì đâu có biết. Họ chỉ biết tôi được tuyển thẳng vào đại học do cái giải quốc gia hạng bét kia chứ có biết đâu tôi tệ thế nào. Có điều mà bây giờ tôi tự hào, đó là tôi là người đã tác động làm cho Bộ Giáo dục phải điều chỉnh lại các quy định. Ngay năm sau đó, Bộ ra thông báo nếu muốn tuyển thằng đại học thì phải tốt nghiệp trung học loại khá trở lên. Hê hê, thế là tôi đã đi vào lịch sử của giáo dục Vịệt Nam với tư cách là người cuối cùng (nếu không phải là duy nhất) được tuyển thẳng vào đại học với bằng tốt nghiệp trung học loại trung bình. Tự hào không thể tả.
Thursday, May 17, 2007
Tường vi là hoa gì?
Hôm nay nhân tịên cuối tuần không nghĩ ra cái gì để viết blog cho đỡ căng thẳng, mình mới tìm hiểu ý nghĩa của cái tên của cháu mình. Sở dĩ minh biết nó là một loại hoa chẳng qua là nghe "Đên thấy ta là thác đổ" của TrịnhCông Sơn chứ thật sự chả biết chính xác nó là gì. Google thì cho ra hai cái hoa chẳng liên quan gì đến nhau. Một loài là cây gỗ , thuộc họ bằng lăng, bông thì thôi rồi, y chang bằng lăng, chỉ có điều là có màu hồng, đỏ hay trắng chứ không tím. Một loài là loại hoa hồng leo ở Đà Lạt nhà mình cũng có nhiều. Chả hiểu tại sao hai cái hoa khác nhau hoàn toàn vậy mà mọi người lại gọi cùng tên là thế nào. Hết hiểu nổi.
Cây họ bằng lăng này:
Thắc mắc quá, chả biết làm thế nào, đành tiếp tục hỏi Google. Lần này thì truy nghĩa gốc tiếng Hán Việt cho nó chắc. Đầu tiên là chữ Vi, nó cho ra một đống nghĩa, từ nhỏ bé cho tới túi thơm rồi diệu kỳ, cỏ lau hay là rau vi (rau gì nghe buồn cười nhỉ). Ngồi đọc mà chả biết cái chữ Vi tên con cháu mình thuộc loại nào. Sau cùng thì may quá, đọc riết cũng thấy chữ vi đi kèm theo chữ tường.
Tường vi 薔薇. Xem chữ tường 薔.
薔 sắc, tường (17n)
- 1 : Cỏ sắc.
- 2 : Một âm là tường. Tường vi 薔薇 một thứ cây mọc ven tường, xúm xít từng bụi, hoa cái đỏ, cái trắng, cái vàng. Nguyễn Du 阮攸 : Kế trình tại tam nguyệt, Do cập tường vi hoa 計程在三月,猶及薔薇花 (Hoàng Mai đạo trung 黃梅道中) Tính đường đi, tháng ba về tới, Còn kịp thấy hoa tường vi.
Tóm lại, con cháu tui nó tên là hoa hồng dại mà bọn Mỹ gọi là dog rose, (nghe ghê ghê thế nào ấy), hay là eglantine (nghe du dương phết, thường xuất hiện trong thơ tiếng Anh).
Hoá ra trong cái đống hình mình từng chụp có nhiều hoa tường vi phết. Đây này:
.
Mai rảnh vác máy ra vườn nhà chụp thêm mấy cái nữa, gì chứ hoa này ở chỗ mình ở mọc đầy.
Thursday, May 10, 2007
Lựa chọn
1. Đi coi phim Typhoon của Hàn Quốc, miễn phí ngay trong trường. Phim này nghe nói là cũng khá hay, đánh đấm ầm ĩ. Lâu rồi mình không coi phim đánh nhau.
2. Đi ăn tối với hai vợ chồng thằng Gavin và thằng Shay. Hôm nọ thằng Shay chưa có tặng quà cứơi cho hai đứa kia nên bây giờ nó mời đi ăn tối bù. Nếu đi thì coi như mình ăn theo, miễn phí.
3. Đi coi Vietnamese Cultural Show của sinh viên Việt tại trừơn g tổ chức (chả biết là ở đâu nữa, có coi mà quên rồi).
Mình thì dân Việt chính cống nên chẳng mặn mà gì cái show kia lắm, có đi cũng là để cho biết văn hoá Việt lai Mỹ nó thế nào thôi. Vả lại toàn bọn trẻ con nhảy nhót (mà VN có Việt Nam có điệu nhảy đặc trưng nào à?!). Mà còn phải mua vé, hình như 15 đô thì phải. Tiếc nhỉ, để tiền đó đi coi được 2 phim ở rạp. Bây giờ đang có Spider man 3, sắp tới thì có Shrek 3. Để dành tiền coi cái Shrek 3 chắc là có lý hơn à nhe.
Tóm lại là tối nay sẽ đi coi phim Hàn miễn phí để dành tìên sau này coi phim Mỹ.
Tuesday, May 8, 2007
Chết tiệt
Đến 10h cả đám kéo nhau đến phòng học thì lại được thêm cái thông báo dán ở cửa: Nghỉ tiết từ 10h -10h50. (Chả là một môn nhưng học hai tiết ở hai phòng khác nhau). Thế có điên không chứ. Ngay từ đầu nói luôn là nghỉ hết hai tiết đi cho nó tiện.
Lại quay về lọ mọ in cho hết cái mớ paper. Rồi đi học 1 tiết. Rồi vội vã chạy đi mua một miếng pizza ăn tạm, vì môn kế tiếp bắt đầu sau đó 20 phút. Học xong ra định đi mua mấy thứ linh tinh thì phát hiện cái bóp không có trên người. Trong balô cũng không. Chắc hồi nãy lúc mua đồ ăn, trả tiền xong thì gấp gáp lấy khăn giấy mình làm rớt mà không hay. Quay lại tìm thì không thấy, hỏi mấy đứa làm ở đó coi dùm Lost and Found cũng không có. Giờ chả biết làm sao. Tất tần tật mọi thứ nằm trong đó, từ thẻ sinh viên, thẻ tín dụng cho tới thẻ siêu thị, thẻ bảo hiểm. Giờ cứ phập phồng không biết có lấy lại được không. Nếu mà mất luôn thì nội đi làm lại mấy cái thẻ đó cũng mất khối thời gian. Mà quan trọng là trong khi chờ đợi chả biết sống bằng gì, vì trong túi bây giờ còn có 60 cent tiền thối lại hồi nãy. Thiệt là xui xẻo quá đi.
Cập nhật sau 3 tiếng đồng hồ: Đã tìm lại được rồi. Làm rớt nó trong lớp học. Phải chờ hơn hai tiếng để cái lớp đang học nó ra thì mới vào tìm được. Làm mình hết hồn và mọi người cũng lo dùm nữa. Cám ơn mọi người nhé.
Monday, May 7, 2007
Loài hoa lớn nhất hành tinh
Đây là một sự kiện mấy năm mới có một lần nên dân tình xông vào làm đủ trò, từ nghiên cứu đo đạc tốc độ mọc, nở hoa, cho tới lấy mẫu khí trong cái hoa để xem có những chất gì gây ra mùi, rồi gắn chip đo nhiệt độ liên tục ... Chưa kể là còn gắn cả cái webcam để truỳên hình trực tiếp hình ảnh của cái hoa 24/24. Người tới coi trực tiếp đông quá trời, tới nỗi cái nhà kính lúc đầu còn man mát, càng về sau càng nóng nực chịu không nổi. Nhưng mà công nhận là cũng đáng để bỏ chút thời gian đến xem.
Nhìn tổng thể thì nó thế này:
Dòm vào trong thì thế này:
Để người vào cho dễ hình dung kích thước:
Cái cục mà thằng cha áo xanh cầm trên tay là cái củ của loại cây đó. Chính giữa cái củ đó có cái mầm tròn tròn là nơi mọc ra lá. Mỗi củ chỉ mọc có 1 cái lá thôi. Sau mỗi năm thì cái lá đó héo rụng đi, một cái mầm khác sẽ nhú ra thay thế, lần sau lớn hơn lần trước do củ cũng lớn hơn. Cái cây xanh xanh ngay sau lưng của thằng cha đó chính là 1 cái lá của loại cây này. Nhìn cứ tưởng là 1 cây nhưng thực chất chỉ là 1 cái lá mọc ra từ củ. Khi củ phát triển to đến mức nhất định (nào đó) thì sau khi lá rụng, thay vì mọc lại lá mới, nó sẽ ra hoa, cũng từ ngay cái mầm đó luôn. Cái hoa phát triển nhanh lắm, một ngày có thể dài ra đến 30cm. Hoa chỉ nở có một thời gian ngắn thôi rồi tàn, và nó không thể tự thụ phấn cho chính nó nên nó phải phát ra cái mùi quyến rũ kia để dụ côn trùng tới thụ phấn cho nó (nếu con côn trùng đó đã có mang phấn từ cây hoa khác) hoặc mang phấn đi tới hoa khác. Nếu cây này mọc trong rừng ở Indonesia thì còn có khả năng xảy ra chuyện thụ phấn do có thể hy vọng hai cái hoa nở ra cùng thời điểm trong một khu rừng chứ còn ở trong điều kiện trồng nhà kính thì coi như không hy vọng gì thụ phấn được.
Sunday, May 6, 2007
Thursday, May 3, 2007
Ấn tượng 5: Kyoto
Năm ngoái mình đã đi một lần nên cũng khá quen thuộc với đường sá và vị trí các khu cần đi thăm. Tuy nhiên, do có chuyên viên thiết kế tour chuyên nghiệp nên lần này chỉ trong 1 ngày nhưng mình đi tham quan được nhiều hơn.
Higashi Honganji:
Chùa này đang sửa chữa phần chính điện. Ngưới ta phải xây một cái nhà bằng sắt bao bọc toàn bộ cái chùa vào bên trong. Mọi chuyện sửa chữa tiến hành trong đó nên chẳng thể biết ngưới ta đang làm gì. Bênt rong chính điện vẫn cho khách vào tham quan bình thường. Điện này nổi bật ở chỗ có được các phù điêu dát vàng nhình tuệyt đẹp, và hệ thống đèn lồng cũng rất tuyệt. Trong khi sửa chữa chùa năm .. (sau một vụ cháy, sao bọn Nhật này hay chấy chùa thế không biết), dây thừng dùng để câu các cây đà bị đứt liên tục nên cuối cùng một giải pháp được đưa ra là dùng tóc của phụ nữ trong vùng tết thành dây thừng. Kết quả là thành công mỹ mãn, có điều chắc là sau đó số ni cô bất đắc dĩ tăng lên nhiều. Một trong số các dây thừng đó vẫn còn được lưu trong chùa.
Phía đối diện chùa, ở cuối một con hẻm nhỏ là khu vướn nghỉ ngơi cùa nhà vua. Khu vườn không rộng lớn vĩ đại. Nó có nét tinh tế, dịu dàng nhẹ nhàng mag tính chất Thiền hơn. Cũng hồ, cũng cầu, tiểu đảo nhưng màu xanh rợp của khu vườn làm con người ta có cảm giác yên tĩnh. trong vướn có một nhà nghỉ ven hồ, một nhà trà đạo và một căn nhà kiểu cổ. tất cả đều be bé, xinh xinh, lẩn khuất sau những cánh cây. Giá mà mình được ở đấy suốt tuần nhỉ. (Hồ có cá chép, nhiều và to lắm. Lại có cả rùa, không sợ đói.)
Điều thú vị của khu vướn này là bức tường bao quanh của nó được xây nên từ những viên đá xẻ với các hình thù khác nhau. Đó là các viên đá được thu gom hay được đóng góp từ các dân cư trong vùng. Chúng ta có thể nhận ra đây đó một mặt cái cối xay hình tròn có khoét lỗ, một phiến đá tàng để kê cột hay một cây cột đá hình chữ nhật.
Một nơi dừng chân thú vị ở Kyoto là nhà lu7 niệm của đạo Thiên Chúa. Đây là nơi lưu giữ các hiện vật liên quan đến thời kỳ đạo Thiên Chúa mới du nhập vào Kyoto và được coi là tà giáo. Các nhà truyền đạo và các tín đồ đã tìm mội cách để lách cho được lệnh cấm thờ tượng Chúa và Thánh giá. Chính vì thế mới có sự biến đổi Đông Tây kết hơp với sự ra đời của các tượng Quan Âm Bồ Tát ẵm con đeo thánh giá, hay các khám thờ tượng Phật với hình thánh giá được khắc bí mật ở chân đế hay ở một nơi nào kín đáo. Có tượng còn khắc thánh giá ở... lưng và sau lưng tượng thì đặt một cái ... gương. Ông cha cố giữ nhà lưu niệm còn cho xem một cái gương đồng (hay thép gì đấy) mà khi rọi ánh sáng vào nó, trên vệt sáng hắt lên tường hay trên một bức màn sẽ hiện lên hình ảnh Chúa đóng đinh tên thánh giá. Bó tay (cụ thể là với đứa báng bổ thánh thần như mình)
Sau đó là Kimono show. Cứ tưởng là đi xem trình diễn chuyên nghiệp, hoá ra là một show diễn hàng giờ của một trung tâm bán hàng lu7 niệm, chủ yếu là kimono. Trong lúc chờ đến giờ xem trình diễn, chụp đỡ vài tấm hình mấy con búp bê đẹp tuyệt nằm trong tử kính (giá mắc khủng bố) và xem cách dệt và hoàn thiện một tấm vải kimono. các cô người mẫu nhìn không xinh lắm , nhưng nói chung al2 cũng trông được. Một điều rút ra là cái kimono này nhìn thì đẹp, hào nhoáng thế thôi chứ chả có hấp dẫn gì cả, mặc vào chả thấy đường cong nằm ở nơi nào. Chán. Nếu là áo dài Việt Nam thì phải biết, kín từ cổ đến gót mà cứ gọi là phô ra đầy đủ.
Kikakuji là một ngôi chùa (thục chất lúc đầu là nơi nghỉ mát của một thằng nhà giàu nào đó, nổi tiếng vì sự lấp lánh của cái mái dát vàng soi bóng trên một cái hồ be bé và khuôn viên đầy bóng cây. Chỉ thế thôi. Nhưng dù sao cũng còn đỡ hơn cái chùa Bạc, chả có được miếng bạc nào dát lên, thiệt là mang tiếng quá
đi.
Đầu buổi chiều ghé Heian shrine, đền Thần Đạo to nhất Kyoto. Đền này mới xây vào 18.. để kỷ niệm ... năm ngày thành lậo kinh đô Kyoto. Vàng son, hào nhoáng, hoành tráng. Bóng 2 cô gái mặc kimono che dù đi trong sân duyên dáng ghê. Ngay từ lúc xuống xe, chụp ảnh ở cổng vào là mình đã tính đến chuyện chụp hình chung rồi. Vì thế thấy hai cô nhìn quanh có ý tìm người chụp hình dùm là mình phíng ngay lại xin chụp giúp. Hic, cái ông đi chung đoàn thật là trời đánh. Mình mới nhờ anh lễ chụp dùm mình với 2 cô bé kia thì ổng nhảy xổ lại giành máy, kêu anh Lễ đứng vào ổng chụp luôn cho. thế có tức không chứ.
Chùa 33 gian có một bộ 1001 tượng Bồ tát ngàn tay ngàn mất. thật sự các bộ tượng này đã bị cháy chỉ còn sót lại ... vào năm ... Sau này người ta xây lại chùa vào tạc lại cho đủ bộ. Ngoài ra còn có tượng thần gió và 28 tương la hán (?) vốn là thần của đạo Hindu. tất cả các tương La Hán này đều có thần thái, dù mình chẳng thể diễn tả được là gì. (hic, không thể tìm được tên tiếng Việt của mấy cái tượng đó nữa).
Đối diện chùa là bảo tàng quốc gia Kyoto. Trong đó trưng bày la liệt các tượng Phật với đủ kích cỡ, chất liệu. Một điều vui là các bảo vật quốc gia với lại tài sản văn hoá quan trong của Nhật thấy toàn đề xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc. Hiếm hoi hơn là từ Ấn độ, Thái lan. Không có Việt Nam!
năm ngoái đã đến rồi nên thạo đường hơn, mình dẫn anh Lễ ra ngoài bằng đường khác, men theo cái nghĩa trang và cái nhà tang lễ cạnh đền.
Ấn tượng 4: Nara
Nara là kinh đô đầu tiên của Nhật, từ năm ... Thời kỳ này Phật giáo được truyền từ Trung Quốc (nhà Đường) và rất thịnh hành, vìi thế cố đô này cũng phát triển thành một trung tâm Phật giáo lớn . tất cả các chùa ở nara đều cổ và to lớn với các tượng Phật hết sức tinh xảo.
Horyuji: Chùa Horyu (hi hi, hổng nhớ từ Hán Việt)
Đây là kiến trúc gỗ cổ nhất thế giới còn sót lại. Được xem như hoàn thành vào năm 747. Và đây cũng là Di sản thế giới đầu tiên của Nhật.
Ngôi chùa này đưôc vua Yomei cho xây cất để cầu xin cho mình hết bệnh nhưng ông này chết trước khi nó hoàn thành. Vợ ông ta và hoàng tử Shotoku tiếp nối ý nguyện. Trong chùa có rất nhiều tượng Phật với các kích cỡ to nhỏ khác nhau, nhìn cái nào cũng đẹp hút hồn. Cạnh chùa còn có một bảo tàng trưng bày các hiện vật , chủ yếu là tượng, vào thời kỳ này.
Từ chùa sang bảo tàng phải đi ngang một khu phố cổ, cao tường nhưng khôbng kín cổng, có thể thò máy chụp hình vào được. Nhà cửa ở đây cực kỳ yên tĩnh, mặc kệ đám khách du lịch nhốn nháo bên ngoài.
Bảo tàng không cho chụp ảnh nên cứ phải tắt flash, tắt màn hình máy chụp hình đi để mà chụp lén. Cứ đến trưóc tượng, ưỡn bụng ra để nâng máy ảnh lên, một ngón bấm nhẹ vào nút, thế là xong. Vì chụp trong tư thế hết sức tự do như thế nên các tượng Phật chụp được đều đang say rượu hay xuất hiện ở dạng mờ mờ ảo ảo. Trong bảo tàng này còn có một số tượng của ông vua, vợ và hoàng tử. Thoạt đầu, nhìn tượng hoàng tử mà cứ tưởng như là người hầu đang xách lồng đèn, đọc chú thích mới biết đó là hoàng tử. Nhìn y chang Dương Quí Phi, cũng mập mạp, tóc tết, mặt bầu bĩnh, quần áo thướt tha. Không chỉ một, mà nhiều tượng của hoàng tử này từ lúc bé đến lớn đều tạc theo hình mẫu đó.
Buổi chiều đến thăm tượng Phật bằng đồng lớn nhất. Cả một ngôi chùa to đùng dược xây lên chỉ để đặt một bức tượng vào trong lòng nó (hay tượng có rồi mới xây chùa (?!). Chùa này bị cháy vào năm ... và được xây lại vào năm ... với kích thưóc bé hợn chùa cũ một tí. Tượng Thích Ca chính làm bằng đồng, hai bên là 2 tượng bố tát dát vàng. trong chùa này có một cái cột có lỗ rỗng, tương truyền rằng ai chui lọt qua đó thì coi như đã qua cửa ải đau khổ. Chỉ có bọn trẻ con 3 tuổi chui lọt, mình thì đừng hòng.
Trên đường về chỗ đậu xe còn đi ngang qua mộtc ái chùa khác với cái tháp 5 tầng đặc trưng cho mấy cái chùa ở Nhật. Thú thật mình thấy cái tháp nào cũng giống cái nào, chì khác mỗi một điều là nó có 3 hay 5 tầng mà thội. Không biết có tháp 7 tầng khộng nhỉ. Cái tháp cao nhất chắc là tháp mà Đường Tăng quét rồi.
Mật độ di tích trong khu Nara Park dày đặc. Trong một khu vực không lớn lắm nhưng có ít nhất 4 cái chùa và cạnh đó lại là khu hánh chính và bảo tàng của Nara. Khu này lại chỉ cách nhà ga trung tâm có khoảng 1km. Rất tiếc là thời gian có hạn nên không thể nào leo lên trên sườn đồi ( thấy ngưới ta lũ lượt leo lên đó mà chả biết có gì. Đồi đó nhìn trọc lốc, chứ không như mấy cái đồi nằm cạnh, xanh rì cây cối. Toàn thể khu vực này nằm trong một khuôn viên đầy cây xanh, được thết kế như một công viên lớn. muốn đi hết các di tích chắc phải mất ít nhất 2 ngày thì mới có thể thong thả được.
Ấn tượng 3: Tenri-kyo
Tenri là một thành phố nhỏ thuộc tỉnh Nara. Điều đặc biệt của thành phố này là nó được xây nên bởi một tôn giáo: Đạo Tenri (Thiên Lý). Đạo Tenri được khởi xướng bởi một người phụ nữ (hic, lạ thiệt, bọn Nhật vốn trọng nam khinh nữ mà) tên là Nakayama Miki (1798-1887) nhưng thường được tín đồ gọi là Oya-sama (cái chữ sama này dùng để chỉ những người được quý trọng tôn kính, ví dụ như nhân viên nhà hàng gọi khách hàng, (nói mới nhớ, mấy bà già hoặc sồn sồn ở Nhật mê film Bản tình ca mùa đông gọi thằng Hàn Quốc Bae Yong Joon là Joon sama, nghe gớm chết). Bà này sau một lần mê sảng ngủ mơ lúc trưa nắng nóng thấy có người bảo mình phải truyền bá tư tưởng giúp người khác có được cuộc sống tươi vui. Phải đắn đo lắm bả mới nói với gia đình và hàng xóm chuyện đó. Rồi phải mất 25 năm với 18 lần bị cảnh sát bắt vì tụ tập đông người và truyền đạo trái phép gây rối trật tự an ninh công cộng thì bả mới có một lượng tín đồ kha khá và chính thức lập nên cái đạo này.
Đạo Tenri có mục đích là hướng con người đến một cuộc sống vui sướng (joyous life). Đạo này thờ God Parents (chả biết là gì nữa) nhưng không có tượng. Linh vật là một cái trụ bát giác (lúc coi film thấy nó vẽ bằng đồ họa tưởng to lắm, hôm sau đi xem thấy bé tí) tượng trưng cho cái gì đó quên mất rồi. Trong thành phố này có cả trường trung học, đại học (có mấy khoa văn hóa, ngôn ngữ quốc tế và cả Y, thế mới ghê), bệnh viện và các trung tâm rèn luyện những người học đạo, có cả học viên đến từ đủ các châu lục, các nước (hic, trừ Việt Nam, không thấy đâu). Số tín đồ vào khoảng 3 triệu.
Ngày hôm sau khi đến thăm tổng đàn (cho có vẻ kiếm hiệp), họ chuẩn bị luôn cả các hướng dẫn viên nói tiếng Anh, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Thái Lan. Tiếng Tàu vói Việt nam thì bó tay. (vì chưa có chi nhánh ở VN mà, lý do thì ai cũng biết chỉ bọn nó không biết).
Cái tổng đàn này xây hòan toàn bằng gỗ bắt đầu từ năm 1954 và xây lai rai đến những năm 80s (tiền dụ dỗ, lộn, tiền cúng dường của tín đồ được bao nhiêu thì cất bấy nhiêu. Gian nhà lớn nơi đặt cái trụ lục giác ở tâm là kiến trúc gỗ lớn nhất thế giới hiện nay (theo bọn nó nói). Rộng mênh mông. Tín đồ đến làm lễ thì cũng quỳ gối hướng về phía cái trụ mà lạy rồi đọc kinh ê a gì đó nghe buồn nghủ chả kém kinh Phật. Có điều là khi đọc kinh Phật thì người ta gõ mõ còn ở đây chùng nó xoay xoay cái cổ tay, chả biết để làm gì. Kết thúc tụng thì vỗ tay bốp bốp 2 cái. Trước khi ăn và sau khi ăn xong cũng thế).
Điều đáng nói là cái thành phố này vắng hoe, nhưng building thì rất nhiều, và xây theo cùng một kiều. Đó là các ký túc xá cho những ngưới học đạo. Mỗi năm đến ngày lễ sinh nhật của Oyasama) thì thành phố mới đầu ngập người. Hồi tháng tư vừa rồi có 70 ngàn tín đồ về thàh phố này, và các building đó vẫn đủ sức chứa. Kinh thật. Ngày thường đóng cửa bỏ không thì rõ phí. Cái ông bạn ông cha cố là người Hokkaido, đang lên đây học khóa huấn luyện truyền đạo. Ổng nói rằng tất cả những tín đồ tại đây mỗi ngày đều ăn chung một món ăn, do cùng một bếp nấu rồi phân phát đến các nhà ăn (hic, tuyệt vọng, ý định gia nhập đạo này của mình tắt ngúm. Mình sẽ chết vì hết béo phì chuyển sang ốm giơ xương sau một tháng ăn như thế. Mà ăn như thế thì còn gì là joyous life nữa, vậy là trái với tôn chỉ của đạo này rồi, hix).
Buổi chiều hôm sau, trước khi về ăn cơm cả đoàn được cho xem biểu diễn nhạc cổ bởi một câu lạc bộ của trường trung học. Đại khái dàn nhạc gồm có 7 nhạc cụ: bộ thổi gồm sáo, kèn, và một cái tiếng gần giống harmonica, gồm nhiều ống trúc có đục lỗ ghép lại. Bộ gõ gồm trống lớn trống 2 mật và chiêng. Bộ dây gồm tì bà và đàn tranh, nhưng dây bằng cước chứ không phải kim loại, nghe tiếng chán òm. Bọn trẻ con biểu diễn hết sức nghiêm túc. lại có cả người giới thiệu bằng tiếng Anh nữa chứ. Tiếng Anh của MC hết sức lưu loát làm mình nghi ngờ, vì có thằng Nhật nào nói hay thế đâu. Hóa ra thằng này mới từ Mỹ về học đạo.
Những sắp xếp của đạo này dành cho đoàn làm mình hết sức có thiện cảm, thậm chí còn chuẩn bị tinh thần xin làm đà chủ phân đà Việt Nam nữa, có điều là chuyện ăn uống ngặt nghèo quá. Để chữa béo phì thì được chứa suốt đời như thề thì đúng là sẽ siêu thoát sớm, vì nhẹ ký quá mà
Ấn tượng 2 : Osaka
Dự kiến 2h thì đến Osaka nên sẽ có đủ thời gian ngắm nghía các nơi. Trễ 1 tiếng rưỡi đồng nghĩa với phải bỏ bớt nơi tham quan. Và đây là lúc lòng tham lộ rõ nhất. Ngay cạnh thành Osaka là bảo tàng của thành phố. Ngày xưa nó vốn là cái building theo kiểu Tây nằm bên trong khuôn viên thành Osaka, nhưng sau này có lẽ muốn mở rộng nên đã chuyển sang cái building đối diện, cạnh cái trung tâm triển lãm còn to hơn nhiều.
Ông cha cố chuyển sang vai trò cố vấn. Bây giờ tao đi kiếm chỗ đậu xe, tao không đi chung với tụi bây được, cho nên tụi bây tự đi một mình nhé. Vì cái bảo tàng nó đóng cửa vào lúc 5h, nhưng 4h30 thì đã không bán vé nữa nên chúng mày có khoảng 45 phút để đi lòng vòng cái thành Osaka, sau đó gần 4h30 thì chúng mày sang bên bảo tàng, vừa kìp mua vé vào. Chúng nó bảo 5h đóng cửa vậy chứ không đuổi chúng mày ra ngay đâu mà lo. Cứ từ từ mà đi coi, không sao đâu.
Hơn nửa tiếng cho cái thành rộng rinh, thật là hết nói. 1,2,3 Alê, àh mà không, chạy!
Thành Osaka được xây dựng từ năm , nhưng cháy mất. cái lâu đài hiện nay mới được xây lại vào năm. Ấn tượng ban đầu là cái nhà này có cái hào rõ to, rõ sâu, nhỡ mà lọt xuống đó rồi chả biết làm sao leo lên nữa. Bên trong lại có một cái hào khác cũng sâu không kém, có điều là cạn nước rồi, toàn cỏ mọc xanh rì, cũng mát con mắt (có điều chắc là nhiều muỗi!)
Thành Osaka được xây trên một nền lót đá xẻ tương đối cao, cứ nhìn tỉ lệ trong hình thì thấy. Nhung chả biết vì sao bọn Nhật này hay xây nhà cheo leo ngay vách đá như thế, chắc muốn tìm cảm giác mạnh hay là nếu nhỡ bọn địch tấn công vào tận cửa nhà thì nhảy cửa sổ thoát... sống cho nó dễ.
Lại vẫn cái tật xấu mãi không bỏ được: lon ton chạy bấm máy chụp hình liên tục, hết góc này lại xoay sang góc khác. Nói cho cùng thì cái thành Osaka này chỉ có mỗi cái lâu đài đó thôi, chụp hình vài cái là hết, chứ có gì khác đâu. Àh, có bán vé đi vào bên tronglâu đài, nhưng trước đó ông cha cố đã cảnh báo là Tao nói truớc là chẳng có cái gì bên trong đó đâu. Thôi thì để dành 600yen vói lại thời gian lát nữa mình đi coi bảo tàng.
Cái thành Osaka bây giờ như một cái công viên, xung quanh toàn cây cối xanh rì, nhìn thật tương phản với cái loạt building đàng xa. Vào mùa hoa đào nở thì nguyên cả cái thành này rực lên sắc hồng, cực đẹp. (cái này nhìn thấy trên một cái lịch treo tường, lại là lịcht reo tường, chứ khi mình tới thì hoa nó rụng sạch sẽ, lá đã mọc xanh rì rồi). Những tưởng đây là nhà riêng của một người, nhưng không phải thế. Theo cái sa bàn bên trong lâu đài (hình này mình chép của đứa khác, nó bỏ tiền ra đi vộ trong), thì ngày xưa nhà cửa cũng cực kỳ đông đúc, chỉ loe hoe có mấy cái cây thôi. Chắc là sau khi nhà cửa bị đốt, tro than còn lại bổ sung chất dinh dưỡng nên cây mọc xanh tốt cũng nên.
Lo chụp hình lòng vòng xung quanh, khi nhình đồng hồ thì chỉ cón 15 phút nữa bảo tàng nó không bán vé. Thế là ba chân bốn cẳng chạy từ góc xa của cái thành Osaka về bảo tàng, vừa chạy vừa thở hổn hển (hic, béo phì thật tai hại). Còn đúng một phút nữa là chúng nó hết giờ bán vé, con bé bán vé chần chừ. Thôi kệ, tụi mày cứ bán cho tao đi, tao chỉ coi cái phần cũ thôi (4 tầng), còn phần hiện đại (6 tầng) tao không coi đâu. Lại nhí nhố chạy vào thang máy, lên tầng 10. Mục đích chính là để lên cao chụp toàn cánh khuôn viên cái thành Osaka phía bên kia. Còn mấy cái hiện vật về cung đình với lại làng xã của bọn nó thì tha thẩn xem sau, cũng không nhiều nhặn gì nên coi xong hết 4 tầng vẫn còn dư 5 phút. Lúc đang loay hoay chụp hình thì tự dưng cái cửa sổ tự động hạ màn xuống, tối thui. Tưởng nó đóng cửa chuẩn bị đuổi ra, mình chửi bậy hết mấy câu, ai dè không phải. Chúng nó hạ màn xuống để chiếu film thuyết minh. Không có thời gian lẫn trình độ tiếng Nhật để nghe, mình thoát ra phía sáng bên kia để tiếp tục ... chụp hình. May mà đến tầng 7 thì máy hết pin, lúc đó mới có điều kiện ngắm hiện vật đàng hoàng hơn một tí.
Bên cạnh bảo tàng là trạm của đài NHK và trung tâm triển lãm, đang quảng cáo triển lãm cổ vật Đôn Hòang của Trung Quốc với tranh của thằn
g cha họa sĩ Hà Lan trị bệnh đau đầu bằng cách cắt lỗ tai. Vé mắc hết hồn. Nhưng phải ra vẻ tao yêu nghệ thuật, chép miệng tiếc rẻ: Uổng quá, tới tháng sau mới bắt đầu.
Thế là xong Osaka, hic, lần nào ở Osaka mình cũng chạy hụt hơi, chả có khi nào thảnh thơi đi lòng vòng hết, chắc là có huông rồi. (năm ngoái còn ngồi tàu loop ở Osaka hết 2 vòng mà không biết chỗ xuống luôn ấy chứ, nhớ lại vần thấy ghê). Bây giờ về chỗ nghỉ, nghe ông cha cố nói loáng thóang là cái nhà thờ gì đó bên Nara.
Cũng vì bể kế họach mà xe vừa đến chỗ nghỉ thì phải lập tức xông vào ăn cơm. Hic, cơm thì vô tư còn đồ ăn thì cực kỳ có hạn, lại chia phần hẳn hoi nên không thể nào cải thiện thêm được. Hic, sau một ngày vạ vật ngoài đường, ăn tối thế này thì thật tàn nhẫn. Nhưng thôi, đi tắm rồi xem film giới thiệu thành phố này rồi ngủ. Ăn nhẹ nhàng như thế cho thanh tịnh, mai ta đi chùa. O:) [-O<
Ấn tượng 1: Chuyện tàu xe
Ngay từ đầu, khi nghe anh Lễ bảo là sẽ đi bằng phà (ferry), mình ngay lập tức nghĩ ngay đến cái phà 2 tầng trên đường đi Cần Giờ hay là cái phà Cần Thơ. Cứ tưởng tượng là sẽ có một cái boong tàu rộng để ra đó mà ngồi nướng khô mực nhâm nhi cho hết 20 tiếng đồng hồ trên biển. Nhưng tới cảng thì mới thấy, cái tàu to khổng lồ, cứ như Titanic (lại nói dại rồi). (xem ảnh, lần đầu chụp panorama nên ghép lại không khớp lắm). Lượt đi, cái tàu dài gần 200m có 5 tầng (còn nhỏ hơn Titanic một tí mà), bên trong có đủ thứ từ phòng suite, phòng đơn, phòng giường tầng cho đến phòng nằm sàn (mình ngủ phòng này). C̣n có cả phòng tắm ngâm nước nóng và sauna. Một cái restaurant, một tiệm café và một cái convenient store be bé để mình mua kem đánh răng (hic, quen thói nghĩ là sẽ có kem free trong toilet như ở khách sạn. Tiếc là phòng nằm đất tthì không có tiêu chuẩn kem đánh răng. May là trong nhà tắm Nhật xà bông có đủ chứ không thì chả biết làm sao. À, có cả cái phòng chiếu film nữa chứ. Hôm đó ăn tối, ngâm nước nóng, ngồi sauna, ngâm nước nóng, rồi tắm lại vòi sen xong thì mình nhảy vào hí hửng ngồi coi. Film hài, có Hugh Grant và Sandra Bullock (hic, ngôi sao của lòng tôi). Có điều ngồi coi mãi, cố vắt óc ra mà chả hiểu chúng nó đang làm gì, chuyện gì xảy ra. Đơn giản là film lồng tiếng Nhật không có phụ đề. Hừ!
Cả ngày trên tàu chẳng có chuyện gì làm nhưng cũng không tới nỗi nào vì ông cha cố bày ra cái trò thảo luận về lịch sử với lại văn hóa Nhật. Nói chung là mình chả hiểu gì lắm, do tiếng Anh lơm bơm nhất là về mấy cái từ về văn hóa, tôn giáo thì càng mù tịt. Thôithì ngồi gật gù ra vẻ hiểu biết cho đỡ mất mặt. Rõ xấu hổ. May là đang nói giữa chừng thì phải ra boong tàu xem mặt trời lặn, nếu không thì đến lòi dốt ra mất thôi.
Bấm loạn xạ mãi mới được một tấm hình coi được. Hết xoay góc này xoay góc nọ chụp hình, đến lúc mặt trời lặn ḥan ṭan mới sực nhớ là mình cứ mải lo chụp hình mà không có được lúc nào ngắm mặt trời lặn một cách đàng hoàng. Thật là vớ vẩn, ngắm bằng mắt trực tiếp thì chắc chắn phải hơn là nhìn mấy cái hình chụp lem nhem màu sắc tối thui chứ. Chuyến về chỉ nhăm nhe ngắm mặt trời, không thèm chụp ảnh nữa thì trời ṭan mây, chả thấy mặt trời đâu. Chán thế không biết.
Tàu đến cảng Nigata vào lúc sáng sớm, lại nhí nhố nhảy ra boong chụp ảnh. lần này có khá hơn một tí. Cảng Nigata rộng và nằm ở một chỗ như ngả năm hay ngả sáu con kênh giao nhau. (cũng không nhớ rõ, vì lại lo chụp ảnh, cái tật không thể bỏ được). Về ráp lại panorama, cũng không tới nỗi nào.
Lên xe, đi về Osaka, dự kiến khoảng 8 tiếng đồng hồ. Xe chạy qua các vùng quê nhìn đẹp như tranh. Đây là một trong những vùng đồng bằng rộng hiếm hoi của Nhật (cái này là do ông cha cố nói. Nói chung mọi thông tin về mấy địa điểm trong chuyến này đều do ổng cung cấp. Mình là đứa ngoan ngơan, ai nói gì nghe nấy, nếu sai thì do người nói cho mình biết chịu trách nhiệm :P).
Xe chật nên phải ngồi ghế xúp. Ông cha cố kiêm lái xe kiêm hướng dẫn viên du lịch kiêm đủ thứ cứ sợ đứa ngồi ghế xúp nó thiệt thòi nên ổng trấn an ngay từ đầu là sẽ đổi chỗ cho nhau luân phiên sau mỗi chặng dừng chân, cách 2 h một lần. Kinh nghiệm cho thấy, nên xung phong ngồi ghế xúp ngay từ chặng đầu tiên, vừa được tiếng là chịu khó hy sinh, vừa lợi vì lúc đó mình vẫn còn khỏe. Sau chặng đầu tiên mình chẳng phải ngồi ghế xúp nữa cho đến hết chuyến đi , vì bọn kia cứ xung phong thay nhau ngồi cho biết, hết đứa này đến đứa khác. Công nhận đi chung với một đám có ý thức cao tốt biết mấy. Khỏi phải giành giật càu nhàu khó chịu vv..vv vì chuyện mình bị thiệt thòi hơn mấy đứa ích kỉ kia. (xét ra thì mình tính toán, tiểu nhân hơn bọn nó nhiều, hi hi).
Cứ sau khỏang 2 tiếng thì xe lại ngừng một lần để ăn sáng ăn trưa hay đơn giản là để bọn trên xe giải quyết cái nhu cầu tự nhiên nhưng không mơ mộng (@ Lam Trường-Nữ tướng cướp). Dọc đường xa lộ lâu lâu lại có một trạm dừng như thế với trà nóng miễn phí và toilet cũng miễn phí nốt. Không hề có cơm tù. Tại vài trạm dừng lớn còn có cả mấy quầy bán đặc sản của vùng đó nữa. Sau khi đi toilet xong mình tạt qua mấy quầy đó, nhảy vào thử đồ ăn mẫu, chả mực dồn thịt với thịt cua gì gì đó. Bọn bán hàng thì vồn vã mời thử, mình cứ xán lại bỏ vào mồm, nhai một cách từ tốn như đang thưởng thức rồi chép chép miệng, ra vẻ nghĩ ngợi rồi lắc đầu, lấy một miếng loại khác, lặp lại quy trình cũ xong quay sang quầy khác. Anh Lễ mà khô
ng ngại kéo mình ra thì chắc mình cũng thử hết mấy thứ còn lại rồi.
Gần đến Osaka, đường trở nên đông hơn. Đến một trạm thu phí, ông cha cố thò đầu ra xổ một tràng tiếng Nhật dài tḥong với mấy người thu phí rồi quay vào bảo là phải đổi sang đường local thôi vì đang có một dòng xe dài 35 cây số trên xa lộ dẫn vào Osaka (hic, cả nước Nhật vác xe hơi chạy ra đường hay sao ấy). Luồn lách một hồi, vừa đi vừa thò đầu ra hỏi, cuối cùng cũng vào đến được Osaka. Hệ thống đường ở đây phức tạp phát sợ. Nhà quê như mình thì bó tay là cái chắc. Cứ nhìn cái nút giao thông trong hình này là thấy, bao nhiêu tầng bao nhiêu đường đan xen nhau chằng chịt, chả biết đâu mà lần. vậy mà ông cha cố vẫn lần ra được mới hay chứ.
Kẹt xe, đi đường vòng, đi trong nội thành nên khi đến được Thành Osaka thì đã trễ hơn dự kiến 1 tiếng rưỡi. Chuyện thành Osaka lần sau kể tiếp.