Hôm nay cổ họng bị khan, cứ muốn ho, chắc là do hậu quả của bữa chủ nhật đi cùng xe với người bị viêm họng hạt. Thêm nữa là bữa đó trời nắng chang chang mà mình cứ vất vưởng ngoài đường suốt buổi trưa nữa. Nhưng dù sao thì mình cũng biết được một tí về cuộc sống của anh chị và một phần người Việt bên này.
Hôm thi xong ở San Francisco thì mình gọi điện cho anh chị đón mình ở ga, nhưng anh chị bận đi đọc kinh ở nhà đạo hữu, nên dặn con ra rước dùm. Mình chờ đến hơn 10h đêm anh chị mới về tới nhà, hoá ra là đi đọc kinh nhân ngày giỗ của con một người đi chung nhà thờ, nhà ở tận Richmond, chạy xe chắc hơn cả tiếng mới tới. Anh chị có vẻ vui lắm, vì thật ra cả tuần đi làm tất bật, đến cuối tuần đi nhà thờ hay đi đọc kinh tối như thế thì mới có dịp gặp gỡ và nói chuyện với người Việt Nam.
Anh chị có ngoan đạo hay không mình cũng không biết. Nhà anh theo đạo Thiên Chúa từ hồi còn ngoài Bắc, vì thế có lẽ với anh thì là chuyện theo đạo là hiển nhiên. Với chị thì khác, nhà mình ở Nam, không có đạo gì (thật ra có tin thần phật đi nữa, đám ma có rước sư về tụng đi nữa thì cũng không phải là theo đạo Phật thật sự) chỉ khi về nhà chồng mới biết tới đạo Thiên Chúa. Mà hình như cũng chỉ từ khi qua bên này thì chị mới thật sự tin và theo đạo, chứ ngày còn ở Việt Nam thì coi như hồn ai nấy giữ, thánh nhà ai nấy tin. Có điều là anh có đạo nhưng không cực đoan, nghĩa là phủ nhận toàn bộ những giá trị văn hoá tinh thần truyền thống của Việt Nam. Đám tiệc, giỗ chạp ở nhà vợ anh đều thoải mái đốt nhang, cúng lạy, ăn uống thậm chí có sư tụng anh cũng không nề hà gì. Nhập gia thì tuỳ tục, anh không bao giờ lấy lý do mình theo đạo để tránh làm gì đó, và không ai có thể biết được anh là người theo đạo Thiên Chúa, và cũng chẳng ai quan tâm đến điều đó. Bởi vì anh là người tốt, thế là đủ. Anh lại còn tin phong thuỷ, và hay coi ngày tốt xấu nữa. Có vẻ như ở anh hoà trộn được những điều tốt đẹp của một đạo của người phương Tây (thật ra cũng không Tây lắm nhỉ, vì nó khởi phát từ vùng Trung Đông mà, có thể coi là giao nhau giữa Đông và Tây) và đạo đức của người Á Đông.
Tính chị thì rất bộc trực, nghĩ gì nói đó (mình thấy ở chị nhiều điểm giống mẹ, có điều mẹ thì không theo một tôn giáo nào). Từ khi chị sang bên này, công việc chỉ tiếp xúc hạn hẹp với một số người, mà đa phần là dân Mễ, cho nên cũng không làm lạ khi chị không nói được tiếng Anh. Vì thế, chị tin vào Chúa như một cứu cánh cho tâm hồn mình. Tất cả những gì chị làm được đều đến từ quyền năng của Chúa. Chị bị gãy tay rồi bình phục nhanh cũng là do ân sủng của Chúa. Anh chị đi bán đụng phải một người homeless nhưng nó không bắt bồi thường gì cũng là do Chúa sắp đặt. Anh chị được trả tiền nhà với lãi suất thấp cũng là do Chúa. Hầu như Chúa hiện diện khắp mọi nơi, trong mọi ngóc ngách đời sống hàng ngày của chị.
Vì nghĩ thế, chị một lòng tin Chúa. Hàng tuần, cho dù có mệt mỏi bận rộn đến đâu thì thứ bảy và chủ nhật anh chị đều đi nhà thờ. Sáng thứ bảy đi, tối thứ bảy nếu có đạo hữu nào nhà có giỗ chạp thì lại đến đọc kinh. Sáng chủ nhật lại đi nhà thờ tiếp, nhà thờ có lễ chỉ dành cho người Việt, với cha cũng là người Việt. Đối với chị, những đức cha ở nhà thờ cũng là những nhân vật đáng trọng. Mỗi lần đi lễ được cha nói một câu đùa nào đó, hay khen một câu nào đó thì chị về nhà vẫn còn tươi roi rói, gặp ai cũng kể là cha nói thế này, khen thế kia. Mắt chị lấp lánh, miệng cừơi vui vẻ vì được phụng sự Chúa. Những lúc ấy, mình cảm thấy mỗi tuần chị đi nhà thờ, đóng góp tiền bạc công sức cho nhà thờ là một hạnh phúc, nó đem lại sức sống cho chị mà có thể không một loại thuốc nào làm được. Và mình chỉ nghĩ, âu cũng tốt, miễn chị vui là được. Ai cũng có đời sống tinh thần riêng của mình, và quan trọng là họ cảm thấy mình hạnh phúc là được. Hạnh phúc của một cá nhân là phải do tự họ cảm nhận chứ không phải do người khác nghĩ dùm.Vậy mà phải mất một thời gian khá dài mình mới nhận ra được điều đó.
Mình có cảm giác là nhà thờ bên này chỉ dành cho những người lớn tuổi, là trung tâm sinh hoạt cộng đồng của người Việt mỗi cuối tuần. Rào cản ngôn ngữ cũng như cuộc sống vất vả bên này làm những người Việt tìm đến với nhau, để chia sẻ (dù chỉ bằng lời) những vui buồn của mình, để rồi sau đó mạnh ai nấy cày trong suốt một tuần kế tiếp. Giới trẻ hơn thì khác, những người sinh ra (hoặc lớn lên ) bên này, có khả năng giao tiếp tiếng Anh, họ có thể vươn ra xa hơn cộng đồng người Việt vốn nhỏ bé, và họ cũng ít cần tới tôn giáo như một cứu cánh về tinh thần. Vì vậy, mặc dù mang tiếng là có đạo, các con của anh chị hiếm khi đi nhà thờ. Cuối tuần người thì chăm chỉ làm thêm để kiếm tiền, người lo chăm sóc con cái, người thì đi câu cá, đi chơi. Người trẻ có bao nhiêu chuyện để bận tâm, để tận hưởng hơn là đến nhà thờ. Cho dù đám cưới của họ vẫn có cha xứ làm phép, nhưng họ dường như đã thoát dần ra khỏi tầm che chở của nhà thờ. Thỉnh thoảng anh chị cũng nhắc nhở các con là lâu lắm không thấy đi nhà thờ, cha nhắc đấy. Rồi thôi. Anh chị cũng không ép buộc, bởi suy cho cùng, đức tin là chuyện khó cưỡng cầu.
Ngay cả đối với con cái anh chị cũng để cho tự do nên với mình, anh chị chẳng bao giờ đề cập đến chuyện theo đạo. Thi thoảng anh chị có hỏi mình có muốn theo đến nhà thờ chơi không (vì sợ mình ở nhà buồn) mình không đi anh chị cũng chẳng rủ thêm. Mình cũng ngại, vì chắc chắn là mình không tin vào bất cứ một quyền lực siêu nhiên nào cho nên rất dễ xảy ra tình trạng đến đó, mình sẽ có những hành động xúc phạm đến niềm tin của họ. Và thật ra mình cũng không cảm thấy thoải mái khi mà tất cả mọi người cúi đầu thành kính cầu nguyện còn mình thì lơ láo nhìn xung quanh như đã từng xảy ra khi mình dự đám cưới của đứa cháu họ, cả ở nhà l
ẩn ở nhà thờ. Nhất là ở nhà thờ, khi mọi người quỳ xuống thì mỗi mình mình ngồi trơ khấc đó, trông rất khó coi. Mà mình quỳ xuống thì lại có vẻ như là lừa đảo quá, vì rõ ràng mình không biết cách, và cũng chả có mảy may ý niệm gì trong đầu.
Hôm chủ nhật cũng thế. Anh chị bảo là sẽ đi hành hương lên vùng gần chỗ mình ở, vì thế chở mình theo để đưa về luôn. Nghe anh chị bảo là đến một cái nhà thờ ở một vùng quê nào đó gần Sacramento, là nhà thờ của đức mẹ Fatima. Đến nơi thì hoá ra đó là một nhà thờ bé xíu ở một cái làng cũng nhỏ xíu, chủ yếu dành cho dân nói tiếng Bồ Đào Nha. Hình như đức mẹ Fatima cũng xuất phát từ Bồ Đào Nha thì phải. Ở Việt Nam cũng có một dòng tu như thế, khi sang đây mọi người vẫn cố gắng tìm cách hành hương đến với đức mẹ hai lần mỗi năm. (cái này mình không hiểu lắm, đức mẹ, cũng như Chúa, thì chỉ có một thôi chứ nhỉ!?) Những người Việt , kể cả linh mục tham gia lễ đều là những người đi cùng nhà thờ ở khu Oakland, cách đó hơn 100 cây số. Cá biệt có vài người ở Sacramento bên cạnh tham gia, là do có người quen từ Oakland rủ tới. Thấy vậy mà cũng hơn trăm người, hầu hết là người lớn (với mình là O50) với lại trẻ con (U18) đi theo ba mẹ/ông bà. Đoàn cũng có một đội trống chiêng, nhưng có vẻ không tập nhiều và thường xuyên nên không có quy củ lắm, nhịp điệu thì chỉ có chập chập cheng, chập chập cheng... Mấy đứa trẻ con đánh trống chiêng thì không có hàng ngũ gì, quần áo mỗi đứa một phách, làm vẻ trang trọng bị giảm khá nhiều.
Lúc đi anh bảo là đến đó để hành hương, rước tượng đức mẹ đi một vòng rồi trở lại nhà thờ đọc kinh. Mình cứ tưởng là sẽ rước đi xa lắm, ai dè chỉ có từ cửa nhà thờ, vòng qua bên trái, ra đường, bọc qua bãi đỗ xe, rồi quay lại nhà thờ. Dù đoàn có cố đi chậm đi nữa thì cũng chỉ hết hơn 10 phút. Vậy mà mình cứ tưởng sẽ rước kiệu hoành tráng như là thỉnh thoảng vẫn thấy trên TV chứ. Những người tham gia rước kiệu mỗi người ăn mặc một kiểu, chỉ có linh mục và hai người phụ tá là mặc đồ lễ, nhìn cái áo của linh mục thấy đẹp gì đâu, làm mình cứ thắc mắc không biết may bằng vải gì. Cái dải băng xanh dọc theo thân áo thì chẳng biết là thêu chỉ kim tuyến hay in mà thấy sắc bạc óng ánh tinh xảo, làm linh mục uy nghi hơn thấy rõ. “Cái áo làm nên (một phần) thầy tu” cũng đâu có sai.
Sau khi quay lại nhà thờ thì mọi người vào trong thánh đường đọc kinh gì đó, mình không vào vì chả biết làm gì trong đó. Thế là mình leo vào xe, mở máy lạnh lên ngủ. Nhưng mà trời nóng quá chừng, có mở máy đi nữa thì trong xe vẫn nóng hầm hập, thêm cái mùi con heo quay (anh chị mang theo đóng góp) nằm trên cái băng sau cứ bốc lên, làm mình càng khó chịu. Đợi mãi đợi mãi hết một tiếng đồng hồ mới xong lễ, mà mình cứ nghe đọc đi đọc lại “Lạy Chúa con là kẻ có tội …” không biết bao nhiêu lần. Không biết kinh này đọc để làm gì, hôm nào có dịp phải hỏi cho biết mời được.
Làm lễ xong thì mọi người bày thức ăn ra ăn chung với nhau, cũng như một buổi potluck ngoài trời , chỉ có điều là trưa nắng chang chang, mình mệt thấy mồ. Trong lúc mọi người xếp hàng lấy đồ ăn thì người trợ tế (chả biết gọi đúng không, vì thấy không mặc đồ lễ, nhưng là người bắt giọng đọc kinh) đọc tên những người đóng góp cho buổi hành hương. Người thì góp nước uống, heo quay, xôi chè, chả lụa, bánh mì … Một số người khác thì góp tiền mặt, mình cũng không biết 20, 30, 50 đô là ít hay nhiều trong trường hợp này. Nhờ đọc tên người cụ thể trên loa như vậy mà lại hay. Những người có đóng góp thấy vui vẻ vì mình có cống hiến chút gì đó cho lần hành hương này. Những người còn lại thì chợt nhớ ra là mình quên, và ngại vì mình không góp gì, thế là mở túi ra cho có với người ta. Cuối cùng mọi người đều vui vẻ cả.
Ăn xong thì anh gửi mình cho hai vợ chồng người em ở Sacramento, nhờ chở mình về dùm vì anh chị phải chở hai vợ chồng người quen về cho sớm. (Hai người đó lúc đầu định đi riêng với con, nhưng sáng hôm đó con họ đổi ý không chịu chở họ đi). Nhà chú (em của anh) đang có dịch viêm họng hạt nên chú cứ ho húng hắng, mình ngồi kế chắc là không tránh khỏi hít vài con vi khuẩn. Chú có dặn mình uống thuốc đề phòng cho chắc ăn mà mình cứ ỷ y sức mình tốt. Qua hai ngày chả thấy triệu chứng gì cứ tưởng là êm rồi, ai dè tới tối hôm tự dưng phát bệnh. May mà nhà có thuốc sẵn chứ không thì mệt rồi.
P/S: Đang bệnh, viết lung tung dài thiệt nhưng chẳng có kết cấu gì hết. Coi như để sau này đọc lại cho vui thôi mà. Nếu ai có thấy làm lạ tại sao tui viết với cái giọng này thì lý do đây: Tui gần đây nghe bài giảng của Joel Osteen, trong số đó có bài : “Don’t have a judgmental attitude”. Tui ngoan lắm, nghe Chúa dạy làm gì tốt là học theo liền hà.