Tuesday, August 12, 2008

Đọc sách

Bữa nay lúc lục sách cũ mới thấy dân Mỹ đọc rất nhiều sách, và có đủ thứ hầm bà lằng trên đời cho đủ loại nhu cầu thưởng thức. Từ sách kinh điển cho tới sách nhảm nhí cái gì cũng có. Mà dĩ nhiên là sách nhảm nhí nó nhiều hơn là chắc rồi.

Nhìn lại mới thấy vốn sách đã đọc của mình quá nghèo nàn. Dạo gần đây rảnh rỗi còn chăm đọc tí chứ xét ra cả mười năm nay tính ra chả đọc được hơn 10 cuốn sách. Thật là tệ. Hồi bé mình chăm đọc lắm mà.

Đúng là hồi nhỏ mình đọc sách cứ như cái máy quét chữ tự động. Hồi đó nhà nghèo xơ xác, làm gì có sách hay truyện để đọc. Vậy là vớ được tờ báo hay mảnh báo gói đồ nào có chữ là mình đọc tuốt tuồn tuột, chả cần biết là báo đó dành cho ai. Năm mình chín mười tuổi, mẹ học đại học tại chức ngữ văn, mang về nhà một mớ sách, cuốn nào cuốn nấy dày cộp. Vậy mà mình cũng đọc hết, mẹ cũng chả nói gì (không nhớ là mẹ với bố có để ý là mình đọc mấy cuốn đó hay không). Chả hiểu sao hồi đó mẹ chỉ mang về mấy cuốn thuộc dòng hiện thực phê phán không hà, chả thấy cuốn nào thuộc bên lãng mạn hết (may mà vậy, chứ có đọc thì lúc đó chắc cũng chả hiểu gì). Mười tuổi mình đọc hết cả bộ tuyển tập Nam Cao với lại tuyển truyện ngắn 30-45. Rồi thì một mớ Số đỏ với Giông tố của Vũ Trọng Phụng. Còn văn học nước ngoài thì đúng là lúc đó mình bó tay. Đọc Sông Đông êm đềm với lại Đỏ và Đen (bộ nào bộ nấy thì cầm lên muốn gãy cả tay) chả hiểu cái khỉ mốc gì hết, vậy mà cũng chăm chỉ đọc từ đầu tới cuối. Có một cuốn mà mình đọc từ thời này là cuốn Mùa tôm của Ấn độ, sau này mới bíêt nó cũng là một tác phẩm nổi tiếng. Lúc đó thì có chữ thì đọc chứ biết gì đâu.

Ngẫm lại mới thấy ở nhà mình bố mẹ chả có quan tâm gì chuyện đọc sách của mình thì phải, chắc cũng tại nhà quá nghèo, ai rảnh đâu lo mấy thứ vớ vẩn đó. Ở nhà mình gần như không có sách dành cho trẻ con. Mình nhớ cuốn đầu tiên (và hình như cũng là duy nhất) bố mẹ mua cho mình là cuốn Cây xanh rì rào của Liên Xô. Sách tài trợ, in ở Liên Xô nên đẹp ơi là đẹp. Giấy trắng tinh, bìa cứng, láng cóong. Hình in màu, đẹp long lanh. Tiếc là sau đó mình cho một đứa bạn nó mượn rồi nó bảo là mất rồi. Đến giờ vẫn còn nhớ là bọn trẻ con trong truyện đó sống ở cái nông trang hợp tác vui vẻ như thế nào.

Khi bắt đầu lên cấp hai thì mình thường về nhà nội hơn, vì tự đi xe đạp được. Gần như những truyện dành cho trẻ con thì mình toàn đọc ở nhà chú Bảy. Chú thím cũng là giáo viên, nên lấy sách ở thư viện về cho tụi em họ mình đọc. Mấy cuốn mà mình nhớ là Tướng Lâm Kỳ Đạt (kể về thằng nhóc chăn trâu nhà ở gần chiến khu D thì phải. Coi truyện đó khoái chuyện nó bơi xuồng bắt cá linh, bắt bồ nông ốp đất nướng), Quê nội (của Võ Quảng, trong sách lớp bốn (?) có một đoạn tập đọc trích từ cuốn này), Dòng sông thơ ấu (Nguyễn Quang Sáng). Mình đọc cả Cay đắng mùi đời của Hồ Biểu Chánh và Không gia đình của Hector Malot mà không biết là ông Hồ Biểu Chánh ổng Việt hoá cái truyện của Pháp (nói nhẹ nhàng vậy thôi, chứ trắng ra là ổng đạo văn). Một vài bộ của người lớn nhưng mình cũng đọc tuốt đó là Ván bài lật ngửa (chỉ hai tập đầu), Những con chim ẩn mình chờ chết với lại Hồng Lâu Mộng. Thậm chí mình còn đọc cả mấy cuốn của Quỳnh Dao (hình như ký tên là Liêu Quốc Nhĩ gì đó) mới ghê chứ, mặc dù giờ thì không nhớ gì vì ngay cả lúc đó đã thấy nhảm nhí quá.

Sau khi thanh toán cái mớ đó thì tới thời truyện Tàu. Mình với thằng con chú Bảy lon ton đi thuê mấy cái Chung Vô Diệm, Phong Thần, Phấn trang lâu về coi, nhưng không nhiều lắm. Rồi thì bố mình bắ`t đầu thời kỳ kiếm hiệp Kim Dung. Cái này thì cả nhà (trừ thằng Út, lúc đó nó còn nhỏ quá, đều xông vào hưởng ứng nhiệt liệt. Ghiền tới nỗi mỗi lần bố đi chợ lấy hàng về là hai thằng nhảy ra, giành xách cái giỏ phía trước vì biết trong đó có mấy cuốn truyện. Ăn cơm chiều xong là cả nhà mỗi người ôm một cuốn, cứ thế mà đọc. Mà dĩ nhiên là đọc kiểu đó thì có người đọc chậm người đọc nhanh, và phải chờ người kia đọc xong mới đọc tiếp được. Mình thì thuộc loại đọc nhanh vô địch trong khi bố thì cứ rề rà, cả ngày mới được mấy trang. Chờ hoài không chịudược, thế là mình vác mấy cuốn sau ra đọc trước, rồi đọc mấy cuốn đầu sau. Sau đó thì cứ ráp tình tiết lại. Vậy mà cũng xong.

Sau khi hết mấy cái bộ đình đám của Kim Dung thì coi như sự nghiệp đọc truyện của mình chấm dứt hẳn. Trong suốt mấy năm học trung học và đại học mình không đọc một cuốn tiểu thuyết nào. Ngay cả khi ra trường rồi đi làm cũng không. Cuốn truyện mà mình bắt đầu đọc trở lại là … Harry Potter. Mới đầu là tiếng Việt, tới cuốn thứ năm thì ghiền quá không chịu được coi luôn tiếng Anh, dù lúc đó tiếng Anh dở tệ hại. Hai năm ở Nhật chỉ đọc được mỗi quyển Cuốn theo chiều gió, do tình cờ mua được ở chỗ bán đồ cũ, chả biết thằng Nhật nào lại đọc sách tiếng Anh. Sang đây thấy bọn Mỹ đứa nào đi tàu xe máy bay gì cũng kè kè theo cuốn sách, làm mình cũng lây. Giờ thì ráng tập thói quen đọc thường xuyên hơn.

Nhưng có một cái khổ là mấy cái truyện trẻ con đáng ra mình đã phải đọc từ hồi xưa thì không có để mà đọc, nên bây giờ chả bíêt làm sao. Đọc cả mấy truyện đó thì nhiều khi không còn hợp nữa, vì mình đã quá già. Mà không đọc thì sau này làm gì biết nó hay dở thế nào để mà mua cho con cháu. Dù sao thì mình cũng phải rút kinh nghiệm chứ, phải tập cho bọn trẻ con đọc sách ngay từ lúc còn bé, để sau này lớn lên chúng nó không phải loay hoay giống như mình. Mà muốn vậy thì bây giờ mình phải đọc, cả của trẻ con lẫn người lớn.

2 comments:

  1. "cay xanh ri` rao`", "khong gia di`nh", "mua` tom", "nhung con chim an mi`nh cho` chet". "hong` lau mong", "cuon theo chieu gio"
    cam on anh da~ nhac cho em nho ve 1 tho`i ky` cu~ng giong nhu anh
    a`, the anh ko doc "mit dac va cac ban", "bac si aibolit" va` "ong gia` khottabit" sao???

    ReplyDelete
  2. Hì, tui vẫn còn nhớ cuốn Cây xanh rì rào. Bìa cứng, hình màu, đẹp tuyệt vời. Cuốn sách đẹp nhất của tui lúc đó. Đọc tới đọc lui thuộc lòng luôn, giờ vẫn còn nhớ.

    He he, đọc ké blog của you cả hai năm rồi, giờ mới chọt vô một câu. Tại thấy có người giống tui hồi nhỏ quá, vớ được gì đọc đó, cả giấy gói đồ (đọc cả sách guinness từ đầu tới cuối, haha). Đúng là như cái máy quét chữ.

    Thích đọc blog của you lắm, viết đều nha ^^

    ReplyDelete