Tuesday, August 26, 2008
Bằng lái xe
Dù sao thì có bằng lái thì cũng tiện, xài nó thay cho Identity card. Đi mua rượu với thuốc lá khỏi cần mang theo passport.
Monday, August 18, 2008
Khoe hàng
Đây là con cháu tui (hình cũ trộn lại):
Animal Farm - Trại Súc Vật
Truyện mỏng thôi, có chừng 100 trang nhưng nói lên được gần như tất cả những vấn đề mà một nhà nước cộng sản gặp phải (và cả tiên đoán nhà nước đó sẽ đi đến đâu).
Ai muốn đọc bản tiếng Việt thì đây:
http://vnthuquan.net/TRUYEN/truyentext.aspx?tid=2qtqv3m3237n1nmn2n2n31n343tq8...
Còn bản tiếng Anh thì đây: http://www.gutenberg.net.au/ebooks01/0100011h.html
Thursday, August 14, 2008
The cranes - Đàn sếu bay
Zhuravli (The Cranes)
by Rasul Gamzatov
I sometimes think that warriors brave
Who met their death in bloody fight
Were never buried in a grave
But rose as cranes with plumage white.
Since then unto this very day
They pass high overhead and cry.
Is that not why we often gaze
In silence as the cranes go by?
In far-off foreign lands I see
The cranes in evening's dying glow
Fly quickly past in company,
As once on horseback they would go.
And as they fly far out of reach
I hear them calling someone's name.
Is that not why our Avar* speech
Recalls the clamor of a crane?
Across the weary sky they race
Who friend and kinsman used to be,
And in their rank I see a space --
Perhaps they're keeping it for me?
One day I'll join the flock of cranes,
With them I shall go winging by,
And you who here on earth remain
Will listen to my strident cry.
(Avar* is a language spoken in Dagestan in southwestern Russia, the birthplace of the author.)
Bài này từng được dùng làm nhạc nền của phim Đồng Hồ Cát, một trong những phim truyền hình Hàn Quốc mà mình luôn muốn xem lại. Nghe tiếng Nga thì chả hiểu gì, nhưng giai điệu và giọng hát buồn bã của bài này hợp với cảnh của phim kinh khủng, chỉ nghe qua một lần là đủ nhớ.Tuesday, August 12, 2008
Đọc sách
Bữa nay lúc lục sách cũ mới thấy dân Mỹ đọc rất nhiều sách, và có đủ thứ hầm bà lằng trên đời cho đủ loại nhu cầu thưởng thức. Từ sách kinh điển cho tới sách nhảm nhí cái gì cũng có. Mà dĩ nhiên là sách nhảm nhí nó nhiều hơn là chắc rồi.
Nhìn lại mới thấy vốn sách đã đọc của mình quá nghèo nàn. Dạo gần đây rảnh rỗi còn chăm đọc tí chứ xét ra cả mười năm nay tính ra chả đọc được hơn 10 cuốn sách. Thật là tệ. Hồi bé mình chăm đọc lắm mà.
Đúng là hồi nhỏ mình đọc sách cứ như cái máy quét chữ tự động. Hồi đó nhà nghèo xơ xác, làm gì có sách hay truyện để đọc. Vậy là vớ được tờ báo hay mảnh báo gói đồ nào có chữ là mình đọc tuốt tuồn tuột, chả cần biết là báo đó dành cho ai. Năm mình chín mười tuổi, mẹ học đại học tại chức ngữ văn, mang về nhà một mớ sách, cuốn nào cuốn nấy dày cộp. Vậy mà mình cũng đọc hết, mẹ cũng chả nói gì (không nhớ là mẹ với bố có để ý là mình đọc mấy cuốn đó hay không). Chả hiểu sao hồi đó mẹ chỉ mang về mấy cuốn thuộc dòng hiện thực phê phán không hà, chả thấy cuốn nào thuộc bên lãng mạn hết (may mà vậy, chứ có đọc thì lúc đó chắc cũng chả hiểu gì). Mười tuổi mình đọc hết cả bộ tuyển tập Nam Cao với lại tuyển truyện ngắn 30-45. Rồi thì một mớ Số đỏ với Giông tố của Vũ Trọng Phụng. Còn văn học nước ngoài thì đúng là lúc đó mình bó tay. Đọc Sông Đông êm đềm với lại Đỏ và Đen (bộ nào bộ nấy thì cầm lên muốn gãy cả tay) chả hiểu cái khỉ mốc gì hết, vậy mà cũng chăm chỉ đọc từ đầu tới cuối. Có một cuốn mà mình đọc từ thời này là cuốn Mùa tôm của Ấn độ, sau này mới bíêt nó cũng là một tác phẩm nổi tiếng. Lúc đó thì có chữ thì đọc chứ biết gì đâu.
Ngẫm lại mới thấy ở nhà mình bố mẹ chả có quan tâm gì chuyện đọc sách của mình thì phải, chắc cũng tại nhà quá nghèo, ai rảnh đâu lo mấy thứ vớ vẩn đó. Ở nhà mình gần như không có sách dành cho trẻ con. Mình nhớ cuốn đầu tiên (và hình như cũng là duy nhất) bố mẹ mua cho mình là cuốn Cây xanh rì rào của Liên Xô. Sách tài trợ, in ở Liên Xô nên đẹp ơi là đẹp. Giấy trắng tinh, bìa cứng, láng cóong. Hình in màu, đẹp long lanh. Tiếc là sau đó mình cho một đứa bạn nó mượn rồi nó bảo là mất rồi. Đến giờ vẫn còn nhớ là bọn trẻ con trong truyện đó sống ở cái nông trang hợp tác vui vẻ như thế nào.
Khi bắt đầu lên cấp hai thì mình thường về nhà nội hơn, vì tự đi xe đạp được. Gần như những truyện dành cho trẻ con thì mình toàn đọc ở nhà chú Bảy. Chú thím cũng là giáo viên, nên lấy sách ở thư viện về cho tụi em họ mình đọc. Mấy cuốn mà mình nhớ là Tướng Lâm Kỳ Đạt (kể về thằng nhóc chăn trâu nhà ở gần chiến khu D thì phải. Coi truyện đó khoái chuyện nó bơi xuồng bắt cá linh, bắt bồ nông ốp đất nướng), Quê nội (của Võ Quảng, trong sách lớp bốn (?) có một đoạn tập đọc trích từ cuốn này), Dòng sông thơ ấu (Nguyễn Quang Sáng). Mình đọc cả Cay đắng mùi đời của Hồ Biểu Chánh và Không gia đình của Hector Malot mà không biết là ông Hồ Biểu Chánh ổng Việt hoá cái truyện của Pháp (nói nhẹ nhàng vậy thôi, chứ trắng ra là ổng đạo văn). Một vài bộ của người lớn nhưng mình cũng đọc tuốt đó là Ván bài lật ngửa (chỉ hai tập đầu), Những con chim ẩn mình chờ chết với lại Hồng Lâu Mộng. Thậm chí mình còn đọc cả mấy cuốn của Quỳnh Dao (hình như ký tên là Liêu Quốc Nhĩ gì đó) mới ghê chứ, mặc dù giờ thì không nhớ gì vì ngay cả lúc đó đã thấy nhảm nhí quá.
Sau khi thanh toán cái mớ đó thì tới thời truyện Tàu. Mình với thằng con chú Bảy lon ton đi thuê mấy cái Chung Vô Diệm, Phong Thần, Phấn trang lâu về coi, nhưng không nhiều lắm. Rồi thì bố mình bắ`t đầu thời kỳ kiếm hiệp Kim Dung. Cái này thì cả nhà (trừ thằng Út, lúc đó nó còn nhỏ quá, đều xông vào hưởng ứng nhiệt liệt. Ghiền tới nỗi mỗi lần bố đi chợ lấy hàng về là hai thằng nhảy ra, giành xách cái giỏ phía trước vì biết trong đó có mấy cuốn truyện. Ăn cơm chiều xong là cả nhà mỗi người ôm một cuốn, cứ thế mà đọc. Mà dĩ nhiên là đọc kiểu đó thì có người đọc chậm người đọc nhanh, và phải chờ người kia đọc xong mới đọc tiếp được. Mình thì thuộc loại đọc nhanh vô địch trong khi bố thì cứ rề rà, cả ngày mới được mấy trang. Chờ hoài không chịudược, thế là mình vác mấy cuốn sau ra đọc trước, rồi đọc mấy cuốn đầu sau. Sau đó thì cứ ráp tình tiết lại. Vậy mà cũng xong.
Sau khi hết mấy cái bộ đình đám của Kim Dung thì coi như sự nghiệp đọc truyện của mình chấm dứt hẳn. Trong suốt mấy năm học trung học và đại học mình không đọc một cuốn tiểu thuyết nào. Ngay cả khi ra trường rồi đi làm cũng không. Cuốn truyện mà mình bắt đầu đọc trở lại là … Harry Potter. Mới đầu là tiếng Việt, tới cuốn thứ năm thì ghiền quá không chịu được coi luôn tiếng Anh, dù lúc đó tiếng Anh dở tệ hại. Hai năm ở Nhật chỉ đọc được mỗi quyển Cuốn theo chiều gió, do tình cờ mua được ở chỗ bán đồ cũ, chả biết thằng Nhật nào lại đọc sách tiếng Anh. Sang đây thấy bọn Mỹ đứa nào đi tàu xe máy bay gì cũng kè kè theo cuốn sách, làm mình cũng lây. Giờ thì ráng tập thói quen đọc thường xuyên hơn.
Nhưng có một cái khổ là mấy cái truyện trẻ con đáng ra mình đã phải đọc từ hồi xưa thì không có để mà đọc, nên bây giờ chả bíêt làm sao. Đọc cả mấy truyện đó thì nhiều khi không còn hợp nữa, vì mình đã quá già. Mà không đọc thì sau này làm gì biết nó hay dở thế nào để mà mua cho con cháu. Dù sao thì mình cũng phải rút kinh nghiệm chứ, phải tập cho bọn trẻ con đọc sách ngay từ lúc còn bé, để sau này lớn lên chúng nó không phải loay hoay giống như mình. Mà muốn vậy thì bây giờ mình phải đọc, cả của trẻ con lẫn người lớn.
Monday, August 11, 2008
Thú mua sách cũ
Bữa nay trốn về sớm nửa tiếng để ghé tiệm đồ cũ. Càng ngày mình càng thấy ghiền ghé chỗ đó thì phải. Cái cảm giác lúi húi bới bới móc móc trong cái mớ hỗn độn rồi bất chợt phát hiện ra một cuốn sách mà mình đã muốn đọc từ lâu, hoặc đã từng nghe nói là kinh điển, hay của một tác giả mà mình từng đọc và thích cũng giống như bắt được của rơi. Chả biết hồi cuối tuần rồi là dịp gì mà dân Davis dọn nhà hàng loạt, đem đồ đi cho nhiều nên cái cửa hàng đồ cũ nó quá tải, sách để thành từng thùng ở cả sân trước và sân sau. Sách bìa mềm thì chỉ có 10 xu còn bìa cứng thì 25 xu. Mà mình thì toàn mua bìa mềm, vì thiệt ra, mấy cuốn kinh điển bìa cứng thì chả thấy ai đem vứt đi bao giờ.
Lục sách cũ nhiều khi cần phải có cơ duyên. Như cái bộ Lord of the Rings chẳng hạn, mình mua cuốn tập 3 cách đây gần cả năm rồi, nhưng đâu có dám coi, vì chờ tập 1 và 2. Tháng nào mình cũng ghé chỗ đó một lần, vậy mà mãi gần đây mới mua được tập 1 và cuốn The hobbit là phần trước của bộ Lord of the Rings. Tập hai thì mới mua hồi thứ sáu tuần trước. Mà đâu phải dễ tìm, sách cũ nó xếp trên kệ chả theo tên tuổi gì hết, cho nên cứ phải ngoẹo đầu nhìn gáy từng cuốn một. Riết rồi mình hình thành được kỹ năng duyệt 6 cái kệ sách 4 tầng ở tiệm đó. Cứ liếc liếc thấy cái tên quen quen thì mới dừng lại. Thường thì mình bắt đầu ở cái kệ gần cửa vào, làm một vòng qua phía cửa ra. Mà lần nào cái cuốn mình muốn mua (nếu có) nó cũng nằm ở phía cửa ra hết. Một lần mình đổi, coi theo chiều ngược lại thì nó lại nằm ngay chỗ cửa vào. Ác vậy á.
Bữa nay thì đỡ hơn, mới nhảy vô xem đến cuốn thứ hai thì mừng húm vì đó là cuốn Trăm năm cô đơn. Rồi thì xong, lục cả chục thùng, mỗi thùng cỡ hai chục cuốn mà chả thấy cái gì hấp dẫn hết. Ra sân sau thì còn la liệt hơn. Bới một hồi thì moi được một số cuốn sau, trước khi con bé bán hàng nó hối vô tính tiền cho nó kịp đóng cửa:
- To kill a mockingbird (cho một người quen, cuốn mua hôm nọ sẽ giữ làm của).
- The fountainhead (chả biết có đọc nổi hông, dày quá. Tại con Ngọc nó khen làm mình cũng bon chen).
- Fools die của cái ông viết The Godfather.
- The adventures of Huck Finn (cuốn này của trẻ con, mà chưa đọc, thôi ráng nâng cấp mình vậy).
- Life of Pi (nghe nói cái phim này hay lắm cho nên đọc truyện trước, vì thường là phim không bao giờ hay bằng truyện).
Tất cả 6 cuốn hết 68 xu, bằng mười ngàn tiền Việt. Công nhận là khoái gì đâu. Có điều là tham thì mua vậy, chứ đem về chất đống chứ đọc làm sao mà nổi. Sách hay thì nhiều, mà cứ tháng nào cũng ôm về một mớ thì chỗ đâu mà chứa chứ đừng nói gì thời gian đọc.
Thôi lúc khác bàn về chuyện đọc sách sau vậy.
Sunday, August 10, 2008
To kill a mockingbird - Giết con chim nhại
Quote: "You never really understand a person until you consider things from his point of view, until you climb into his skin and walk around in it."
Lời bình ở bìa 4 của sách: ... Compassionate, dramatic and deeply moving, To kill a mockingbird takes readers to the roots of human behavior - to innocence and experience, kindness and cruelty, love and hatred, humor and pathos...
Vớ được cuốn này và tập hai của Lord of the Rings hôm thứ sáu ở tiệm đồ cũ. Lúc mua thì mình cũng chỉ lờ mờ biết nó là một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng. Hôm sau đọc thử vài trang rồi không dứt ra được, cứ thế đọc cho hết đêm. Đọc xong tra wiki mới biết cuốn này được bình chọn là quyển sách có ảnh hưởng nhiều nhất , chỉ sau Kinh thánh.
Cho dù truyện được kể qua lời của một cô bé sáu tuổi, nhưng đây không hẳn là một câu truyện của thiếu nhi. Có lẽ nó có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn đến những người đã trưởng thành, hay sắp trưởng thành, và những bậc cha mẹ. Thiếu nhi có lẽ chỉ thích hợp với phần đầu của truyện, khi mà những bất công của xã hội chưa có chỗ trong tâm hồn của bọn trẻ.
Đọc xong thì không còn ngạc nhiên nữa khi nhiều người yêu thích quyển sách này đến thế, ngay cả ở những nước khác ngoài Mỹ. Cho dù truyện xảy ra ở một thị trấn nhỏ ở Alabama những năm 30, nhưng những vấn đề mà nó đề cập tới không bao giờ cũ, và có thể xảy ra ở khắp mọi nơi. Trong lúc đọc đâu đó trên mạng về cuốn sách, mình nhớ có một ý kiến đại loại thế này: Những người trưởng thành ít nhất hãy một lần đọc To kill a mockingbird, để học cách sống chính trực. Mình thì nghĩ khi có con sẽ đọc lại quyển này, để học cách dạy con. Hãy học cách Atticus bình thản dẫn dắt hai con qua những định kiến, những bất công của xã hội, dạy hai con cách đối nhân xử thế, và quan trọng nhất là ngẩng cao đầu, dù trong nhà hay ở ngoài xã hội. Không né tránh, không khoan nhượng nhưng không cực đoan.
Ước gì mỗi một người cha trên thế giới này là Atticus!
Ngoài lề:
Truyện này đã được dịch sang tiếng Việt và xuất bản ở Sài Gòn từ năm 1973, chắc giờ có kiếm cũng không ra. Một (vài) người, chắc là ở miền Bắc (căn cứ vào cách phiên âm tên nước ngoài sang tiếng Việt) đã dịch và post một phần (khoảng hai phần ba truyện) trên ttvnol.com. Theo một dòng tin trên blog của một người nào đó (post tháng 4 năm 2008) thì bản tiếng Việt sắp được phát hành ở Việt Nam.
Truyện (xuất bản lần đầu năm 1960) được dựng thành phim hai năm sau đó. Mặc dù phim đã lược bớt một số chi tiết, gộp một vài nhân vật, nhưng vẫn giữ nguyên tinh thần của truyện. Phim cũng thành công như truyện, và được xem là một tác phẩm kinh điển của điện ảnh Mỹ. Diễn viên đóng vai Atticus (đóng anh nhà báo trong Roman Holiday ) nhận gải Oscar diễn viên xuất sắc cho vai diễn này.
Link load phim nằm ở đây: http://onlyoldmovies.blogspot.com/2007/11/to-kill-mockingbird-1962.html
Ebook tiếng Anh ở đây:
http://www.esnips.com/nsdoc/f084ceb6-52c7-4c80-977d-f17b20b50e8d/?action=forceDL
Saturday, August 9, 2008
Hình ảnh lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh
http://www.boston.com/bigpicture/2008/08/2008_olympics_opening_ceremony.html
Wednesday, August 6, 2008
Mummy 3: Xác ướp Tàu xài hương liệu Hollywood
Phim này xạo rất là Hollywood. Nó cho thằng xác ướp điều khiển được hết ngũ hành luôn. Kiểu như trộn 5 thằng trong X-men lại với nhau á. Muốn phun lửa có lửa, muốn đóng băng có băng, muốn nung đất sét có đất sét, muốn giáp sắt có sắt (chỉ hổng thấy nó xài củi trong phim thôi). À mà nhầm, bọn Hollywood có xài ngũ hành đâu, nó xài đất nước lửa với gió mà, nó có xài gió trong phim luôn. Chưa kể là thêm khả năng biến hình thành con rồng kiểu Tây như con trong Harry Potter. Con này có 3 đầu và hai cái cánh dơi, toàn thây đen thui bóng lưỡng như đánh xi ba lần một ngày. Câu chuyện thì nhàm hơn cả nhàm, chả có cái khỉ gì là huyền bí hết. Mà ác cái là vì câu chuyện chả có gì nên bọn diễn viên mới rảnh quá, cứ nói cái gì ra là phải giải thích cặn kẽ để câu giờ. Kiểu như trước khi xác ướp biến hình thì phải kêu lên: Ồ, nó sắp thay đồ. Ồ nó vừa uống bò húc, coi chừng! kiểu như là khán giả đang nghe tường thuật qua radio ấy.
Một bịnh nữa của phim Hollywood làm ở Tàu là tiếng Anh tiếng Tàu lộn xộn. Nhất là cái bà pháp sư (trời, hai ngàn năm trước phụ nữ đóng vai trò cao trong xã hội phết), trong hai ngàn năm rảnh quá hổng biết làm gì nên ngồi học tiếng Anh. Vừa thấy bọn Tây xuất hiện là bả xổ tiếng Anh luôn, hổng có ngỡ ngàng gì hết. Đúng là phù thuỷ thời WTO mà. Còn cái chị khảo cổ thì cũng tranh thủ chồng đi vắng con xa nhà ngồi học tiếng Tàu với lại truyền thuyết Tàu đặng có mà xài trong lúc lâm nguy.
Tóm lại là phim này hết sức là nhảm nhí. Diễn viên thì tồi . Cái cô Rachel Weisz không đóng tiếp nên nó thế vào một con mụ mỏ lúc nào chu chu, son môi đỏ choét, nhìn khô queo. Brendan Fraser thì mình không thích ngay từ đầu rồi. Nhưng gớm nhất là Lý Liên Kiệt. Có cảm giác là anh này chỉ bíet đánh đấm thôi chứ chả biết diễn là gì. Mà hoá trang gì nhìn Tần Vương cứ y chang như là thằng Vô Danh trong phim Anh Hùng ấy.
Phim này nhảm nhưng tốn tiền coi rạp vì bữa đó đi chung với mấy đứa bạn, buộc phải xem vì không muốn coi cái phim hài Step brothers của Mỹ. Coi xong cả đám ra chửi một hồi rồi kết luận là sẽ không ngu dại gì mà coi cái phần 4 mà cuối phim bọn nó he hé ra là sẽ xảy ra ở Peru. Mà tức quá nói vậy thôi chứ có khi mình cũng sẽ lon ton coi cũng nên, nếu nó quay cảnh thiệt ở Machu Pichu.
Xích Bích - Buồn ngủ muốn chết!
Bọn Tàu làm cái phim này chủ yếu là nhắm cho bọn Tây coi, nên rất là tô vẽ cho đến tâm lý nhân vật. Mấy tướng lĩnh trong phim này hổng phải chỉ biết băm xương với lấy máu làm tiết canh đâu nha, ai cũng rất là tay súng tay đàn. Chu Du kiêm nghề sửa sáo trúc, Gia Cát Lượng thì có nghề đỡ đẻ ngựa với lại tắm chim. Ba anh em nhà Lưu Bị mới thấy ớn ói. Anh cả thì đan giày cỏ cho mấy em (giày anh này đan mới êm và bền nha, chứ người khác thì hông được vậy đâu). Anh hai thì làm nghề thầy giáo dạy con nít cái gì mà giờ đói nhưng có chữ vô thì sau này hết đói (?!), rất là triết lý. Nôn oẹ hơn nữa là anh ba, hễ rảnh rang hổng đánh nhau thì về nhà mở cửa viết thư pháp cho người ta đi ngang coi.
Về cảnh trí thì chả thấy cái khỉ gì là hoành tráng cho lắm. Cái mặt sông Xích Bích nhìn nhỏ xíu, từ bên này thấy hết tàu bên kia. Mà nước thì phẳng lặng như là nước ao nhà ông Nguyễn Khuyến, vậy mà mấy thằng lính nó lắc lư rồi ói lên ói xuống mới ghê. Chắc là nó bị ngộ độc thực phẩm chứ đi ghe như vậy có gì mà phải ói. Cái trận bát quái thì thôi vô lý hết sức. Bọn kia ngồi trên ngựa, vậy mà lọt vô cái cổng trận rộng chừng ba thước, cao bằng thân ngườii hồi nào hổng hay, để rồi sau đó ngỡ ngàng la lên là bị phục kích. Rồi thì đủ thứ trò linh tinh, từng anh tướng một nhảy ra, chả cần cầm theo binh khí gì, cứ đá thằng thứ nhất, chộp vũ khí của nó đâm thằng thứ hai, rồi lại lấy vũ khí của thằng thứ hai đâm thằng kế tiếp. Cứ làm vậy cho đến lúc đủ chỉ tiêu đạo diễn giao thì vô lãnh cát sê, cho anh khác ra làm việc tiếp. Đánh một lát thì tướng về ngủ hết, nên anh Chu Du mới nhảy vô chém giết loạn xạ, để rồi bị một cái tên bắn ngay ngực. Ảnh bèn cố hết sức rút cái tên ra, vận công lực, giậm châm, vỗ tay kia xuống đất, cất mình lên không, xoay hai vòng rưỡi đến ngay trên đầu thằng vừa bắn, đâm cái tên từ trước ra sau luôn. Cứ như đang coi kiếm hiệp Kim Dung.
Cái phim này nó nói nhiều thì chớ, mà phụ đề lại nhỏ xíu, nên đa phần là mình cắm cúi đọc phụ đề, đâu có rảnh để coi diễn viên diễn xuất ra sao. Chỉ có mấy cảnh đánh nhau không có thoại với lại cảnh anh Chu Du với Tiểu Kiều tình tang tính thì không phải đọc phụ đề thôi. Mà kịch bản cái phim này chả có cái khỉ gì là mở nút thắt nút cho nó lôi cuốn hết, cứ từ từ, rề rề từ anh này qua chị kia, coi buồn ngủ bà cố.
Cuối phim, anh Chu Du đưa cái đuốc đốt mấy cái tàu mô hình, vậy là hết phim. Ai muốn coi tàu thiệt cháy thế nào thì ráng chờ sang năm sau. Chắc mình cũng sẽ load về coi thôi, tò mò mà; nhưng phim này mà coi rạp thì phí tiền.