Truyện kể từ hàng ghế 22A và B.
Ngày 24 tháng 12 năm 2000
“Hai vợ chồng người Anh ở ghế 30 muốn uống trà.”
“Được rồi, để đó tui lo cho.”
Janet Pierce và Donna Stapleton nhẹ nhàng lách tránh nhau trên lối đi giữa hai hàng ghế của chiếc 747. Bữa trưa đã xong, và đa số hành khách trên chuyến bay buổi chiều ngày Giáng Sinh đi từ Brussels đến New York đang ngủ, đọc sách hoặc xem phim.
Hai tiếp viên này quen nhau từ ngày họ tham gia khoá huấn luyện hàng không 2 năm về trước, và hiện đang thuê chung một căn hộ ở phía Tây New York, nhưng nhiều khi họ chẳng gặp nhau trong nhiều tuần. Bởi vì chuyện chọn lựa chuyến bay và ngày nghỉ căn cứ vào thâm niên, cả hai biết thế nào mình cũng phải làm việc vào những ngày lễ, và họ đăng ký cùng một lịch bay cho tháng 12.
Janet đem trà đến cho hai vợ chồng người Anh. Lúc quay lại buồng, cô thấy tại hàng ghế số 22, một người đàn ông già ngồi một mình, nhìn ra ngoài cửa sồ, chìm đắm trong suy nghĩ.
“Donna,” Janet nói, hạ giọng, “chị có để ý ông khách ở ghế 22A?”
Donna nghiêng người ngó ra ngoài buồng và đếm số hàng ghế. “ Tóc bạc, râu bạc, quần áo đắt tiền? Có chuyện gì?”
“Ừm, ông ấy không thể nào bay vì công việc, ông ấy quá già rồi,” Janet nói. “Và cái cách của ông ấy cũng không giống người đang đi nghỉ. Chắc là vì lý do nào đó khác, chị có thể thấy trên gương mặt ông ta”.
“Thế thì tại sao chị không đi lại đó và nói với ông ấy là chị quá tò mò và chị rất muốn biết vì sao ông ấy đi trên chuyến bay này?”
Janet lấy một cái khay nhỏ, đặt lên đó một ít kem và đường, và lấy một bình cà phê. “Có thể ông ấy sẽ muốn uống thêm cà phê.”
“Tôi cũng nghĩ thế,” Donna nói. “Lát nữa gặp lại nhé.”
Trên đường đến hàng ghế 22, Janet rót đầy cốc cho ba hành khách khác. Chiếc cốc trước mặt người đàn ông già kia cũng đã cạn.
“Ông có muốn dùng thêm cà phê không?”
Người đàn ông vẫn lặng lẽ nhìn ra ngoài cửa sổ và có vẻ lưỡng lự không muốn cắt đứt dòng suy nghĩ; nhưng rồi ông quay lại. “Xin lỗi?”
“Ông có dùng thêm cà phê không ạ?”
“Có,” ông nói, “Cảm ơn cô”
Giọng của ông hơi giống như ngữ điệu của một thứ tiếng khác. Janet chìa cái khay nhỏ ra, và ông đặt vào đó cái cốc. “Ông vừa đi thăm Brussel phải không?”
“Không”, ông nói, “Tôi có một mảnh đất nhỏ ở bên bờ biển nước Bỉ, và ở đó, có một nơi dưới một gốc cây già trông ra biển. Mỗi năm, vào thời gian này, tôi lại đến đó.”
“Tôi hy vọng ông sẽ kịp đón Giáng Sinh với cả gia đình.”
“Ừm. Tối nay cả năm thế hệ sẽ quay quần quanh một bàn.”
Giọng của ông ta gần như là giọng Nga, cô nghĩ, nhưng nhẹ hơn, và cô để ý rằng ông phát âm chữ t nghe lờ mờ như chữ d.
Cô rót đầy cốc cho ông. “Và bọn trẻ thì luôn mong chờ sáng ngày mai, tôi biết mà.”
“Chúng nó rất phấn khích,” ông nói, “nhưng chúng sẽ mở quà vào tối nay, trong đêm Giáng Sinh, sau bữa tiệc tối.” Ông cầm lấy cái cốc. “Đó là truyền thống của người Ba Lan.”
“Đó có phải là quê của ông không? Ba Lan?”
“Phải, ở Nizkowice, miền Đông Ba Lan. Ừm, bây giờ thì là thế. Khi tôi được sinh ra, thành phố vẫn là một phần của Nga. Nó trở về với Ba Lan sau khi tôi ra đi.”
“Khi nào thế ạ?”
“Năm 1920.”
Janet đoán tuổi của ông vào khoảng 80. “Chắc lúc đó ông chỉ mới là một đứa bé con.”
“Không,” ông nói, “lúc đó tôi 14 tuổi.”
Janet lại nhẩm tính; cô không giấu được vẻ ngạc nhiên.
“Phải,” ông gật đầu. “Tôi đã 94”
“Và ông …” cô nhìn vào mấy cái ghế trống cạnh ông.
“Đi một mình? Đúng vậy. Tay chân tôi có chậm chạp thật, nhưng đầu óc thì không; chưa đâu.”
“Hồi đó ông rời Ba Lan đến Mỹ à?”
“Lúc đó, chúng tôi gọi là ‘Hoa Kỳ’, đúng vậy, chúng tôi gọi như thế”
“Chúng tôi?”
“Cha tôi và tôi.”
“Mất bao lâu ạ?”
“Ba tháng rưỡi.”
“Cháu không biết là đi đường biển phải mất ngần ấy thời gian.”
“Đi tàu chỉ có 2 tuần. Chúng tội phải đi bộ băng qua Châu Âu trong 3 tháng.”
“Ông…” Janet kinh ngạc, “ông đã đi băng qua cả Châu Âu?”
“Chúng tôi không có đủ tiền để đi tàu hoả; chúng tôi không có cách nào khác. Sau đó thì đi tàu băng qua eo biển nước Anh, và đi tàu khác từ Liverpool đến New York.
“Đến Đảo Ellis?” cô hỏi.
“Đúng vậy, ngang qua tượng Nữ Thần Tự Do.”
Một hành khách ở cách đó 3 hàng ghế giơ cái cốc không lên.
“Xin lỗi ông,” Janet nói, gật đầu với người khách nọ, “nhưng cháu có thể quay lại và nói chuyện tiếp với ông đựơc không?”
“Được,” ông cười, “tôi rất vui.”
Janet rót đầy cốc cà phê cho người khác nọ rồi quay về cất khay và bình cà phê trong buồng tiếp viên. Donna nhìn cô. “Ông ấy không có chuyện gì để nói à?”
“Chị có thể lo dùm tôi một lúc được không?”
Donna cười. “Tất nhiên.”
Janet quay lại hàng ghế 22 và ngồi xuống. Người đàn ông già đang nhìn vào một thứ có vẻ như là một cái đồng hồ; và sau đó ông đưa nó cho cô. Trên mặt nó không có số, chỉ có 4 chữ cái, và thay cho mấy cái kim đồng hồ là một lá kim loại nhỏ mỏng mảnh dao động quanh chữ Bắc. Cô chợt nhận ra sự quan trọng của nó.
“Cô lật mặt sau của nó đi.” Ông nói.
Dòng chữ được khắc cẩn thận trên mặt sau: “Jan Glodek,” “Józef Glodek,” và “1920.”
“Tôi là Józef Glodek,” ông nói khi cầm lại chiếc la bàn và nhìn kỹ nó. “Đây là thứ đã dẫn đường cho chúng tôi, và tôi giữ nó hơn 80 năm nay.”
“Ông đã đi bộ bao xa?”
“Hơn 1000 dặm, nhưng tôi cũng không biết chắc lắm. Chúng ta không thể đi bộ theo đường thẳng như khi chúng ta bay. Chúng ta phải đi theo bất cứ con đường nào mà ta thấy và chỉ việc cố gắng luôn hướng về phía Tây. Nhưng mỗi dặm thì khoảng 2000 bước chân, và 1000 dặm là tương đương 2 triệu bước.
“Vì sao ông lại rời bỏ Ba Lan?” cô hỏi.
“Không ai ở Nizkowice hiểu tại sao chúng tôi rời đi. “Ba Lan cuối cùng đã được tự do”, họ nói. “Xứ sở này lại thuộc về chúng ta.” Và họ đã đúng. Lần đầu tiên trong vòng 120 năm, nước Ba Lan lại xuất hiện. Nga, cùng với Đức, và Áo, đã xâm chiếm Ba Lan và chia cắt nó từ năm 1795, mỗi nước chiếm phần gần biên giới nước họ, và Cuộc Đại Chiến, Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, đã trả đất nước về lại cho chúng tôi. Sau đó, người Nga lại xâm chiếm nước chúng tôi lần nữa, và phải mất 2 năm chúng tôi mới đẩy họ ra khỏi biên giới.
“Trận chiến ở Warsaw vào tháng 8 năm 1920 là một bứơc ngoặt. Khi người Nga bắt đầu rút lui, chúng tôi biết là chúng tôi sẽ tự do; và sau đó cha tôi trở về.”
“Nhưng rồi hai người lại bỏ đi,” Janet nói.
“Tôi không muốn thế. Tôi lúc đó chỉ là một đứa bé, và tôi tin tất cả những gì người ta nói. Nhưng cha tôi thì không. “Chưa kết thúc đâu,’ ông nói. ‘Nó sẽ lại diễn ra.’ Ông hiểu rằng chúng tôi đang sống ở ngay trên chiến trường của Châu Âu. Nếu một nước Tây Âu muốn xâm chiếm Nga, họ phải đi ngang qua Ba Lan, và mỗi khi Nga muốn tấn công Châu Âu, họ phải băng qua Ba Lan. Chúng ta không thể nào sống và cấy cày trên một chiến trường.
“Phần lớn nước Ba Lan bằng phẳng, và không có chướng ngại thiên nhiên, nên rất thuận tiện cho việc hành quân. Chúng tôi không như Thuỵ Sĩ, an toàn sau các dãy núi. Tôi nhớ cha tôi từng nói: “Chúng ta là một đất nước vĩ đại, với một dân tộc vĩ đại, nhưng chúng ta ở không đúng chỗ.”
“Trong chiến tranh thế giới, khi những người đàn ông Ba Lan bị bắt lính, cha tôi bị bắt đánh nhau cho quân Nga. Ông nói điều đó cực kỳ lộn xộn, họ không có tổ chức gì và cũng chả được trang bị gì. Họ thậm chí còn không có đủ súng và đạn dược. Và trong các trận đánh, khi họ phát tin bằng radio về các hướng hành quân, họ thậm chí cũng không biết cách mã hoá.”
“Vì thế, không lâu sau tiểu đoàn của cha tôi bị lính Đức bao vây và bắt sống, họ bắn hết người Nga rồi đưa tất cả lính người Ba Lan đến mặt trân phía Tây.
“Trong ba năm, cha tôi đã đánh và đào chiến hào cho người Đức ở Verdun, Somme, và Passchendaele, cho đến mùa thu năm 1918, khi người Đức triệt thoái. Ông tự nhủ không biết người Đức có quyết định rũ bỏ những người Ba Lan như đã từng rũ bỏ những tù binh Nga hay không, vì thế một đêm nọ, ông trườn 300 m băng qua khu vực tranh chấp giữa 2 bên và đầu hàng một đại đội quân Mỹ.
Sau chiến tranh, những người đàn ông trở về nhà với những thứ họ trộm được hay nhặt được từ những người chết. Cha tôi về nhà với một thứ còn quý giá hơn – một mảnh giấy có tên và địa chỉ của một người lính Mỹ.
“Để được vào Mỹ, nếu cô không có tiền, phải có một người bảo lãnh bảo đảm là cô không là gánh nặng của chính phủ. Cha tôi và người lính nọ, Thomas Stafford, đã thư từ qua lại vài lần, bàn bạc cách mở vài cửa hàng bánh ngọt ở New York. Và khi cuộc chiến của người Ba Lan chống lại người Nga bắt đầu, cha tôi lại ra trận.
Khi ông trở về, vào tháng 9 năm 1920, mẹ tôi đã mất trong một dịch cúm, và có một lá thư, từ Mỹ, đang chờ ông. Stafford viết thư cho cha tôi bởi vì nước Mỹ chuẩn bị đóng cửa. Tất cả dân di cư sẽ được xét nếu đến trước năm 1921. Cha tôi tìm hiểu lịch tàu chạy, chọn một ngày tàu đến, và gửi lá thư cuối cùng cho Stafford. Trong năm ngày, chúng tôi bán tất cả những gì chúng tôi có và đi khỏi Nizkowice.
“Sức khoẻ của cha tôi không tốt. Mà làm sao khác được, sau 6 năm chiến tranh? Ông không phải là người cao to gì - chỉ cỡ bằng tôi – và phổi của ông đã bị nám bởi khí phosgene. Một lần, người Đức bắn đạn cay vào chiến hào của đối phương nhưng gió đột ngột trở chiều và thổi khí độc ngược về phía họ. Những người Ba Lan không hề được trang bị mặt nạ phòng hơi độc.”
“Khi cha ông trở về, chắc là giống như một người lạ đối với ông,” Janet nói.
“Đúng vậy. Khi người Nga bắt cha tôi đi, tôi mới 8 tuổi. Khi ông trở về, tôi đã 14, và bởi tại ông, một người xa lạ, mà tôi phải lìa bỏ mọi thứ tôi quen thuộc. Tôi không muốn đi, nhưng tôi không thể nào làm khác được. Ông ấy là cha tôi. Tôi phải làm theo đúng những gì tôi được bảo.”
“Trong ngày đầu chúng tôi đi, tôi vẫn hy vọng là cha tôi sẽ đổi ý, quay lại và về nhà. Tôi nhìn ông, và ông chẳng bao giờ ngoái lại, không một lần. Và đến cuối ngày đầu tiên, tôi đã ở xa Nizkowice hơn bao giờ hết trong đời.
“Chúng tôi hầu như chẳng mang theo gì – chúng tôi đã bán mọi thứ để có đủ tiền mua vé tàu. Cùng với thức ăn đủ cho vài ngày đường, chúng tôi chỉ có hai cái chăn, một cặp bản đồ thường xuyên chỉ không chính xác, một cái la bàn, và một cuốn lịch. Cuối mỗi ngày, chúng tôi tìm chỗ để ngủ, thường là cạnh một cánh đồng hay dưới gốc một cái cây, và cha tôi lại móc cuốn lịch ra, gạch bỏ một ngày. Sau đó, ông lật đến trang cuối cùng và nhìn vào ngày 24 tháng 12 – ngày mà chúng tôi sẽ tới Mỹ.
”Trong tuần đầu của cuộc hành trình, giữa hai chúng tôi có cái gì đó gượng gạo. Cha tôi hầu như chẳng nói gì. Không phải là ông không thân thiện, nhưng ông có vẻ xa cách. Ông không quen với việc có một đứa con, cũng như tôi không quen với việc mình có một người cha. Ông bắt đầu hỏi han tôi, và tìm hiểu xem tôi như thế nào. Và tôi nghĩ là tôi đã làm ông ngạc nhiên, bởi vì trước đó tôi đọc rất nhiều.”
Glodek nhìn Janet. “Chắc cô không biết nhiều về Ba Lan đâu nhỉ?” Cô gật đầu. “Chúng tôi không như dân Nga. Chúng tôi không phải là đất nước của những nông nô thất học. Khi các giáo sĩ nhà thờ Thiên Chúa Giáo La Mã đi lên phía Bắc, họ dạy chúng tôi đọc khi họ truyền giáo.
“Tôi đi sau cha tôi, và tôi nhớ cái ngày mà ông gọi tôi bước lên phía trước và đi cạnh ông, Tất nhiên, tôi muốn nghe về gia đình tôi, vì thế ông kể về mẹ tôi, và trong hoàn cảnh nào ông đã gặp bà, người con gái xinh đẹp ở thành phố kế bên, và ông đã vui mừng đến thế nào khi bà đồng ý lấy ông, một anh thợ làm bánh ở Nizkowice. Và ông kể cho tôi nghe về ông nội tôi, cũng là một người làm bánh, ‘người không thể nào làm một ổ bánh mì mà không kèm theo một bài học,’ luôn nói với cha tôi về Chúa, về gia đình, danh dự, và đất nước. Cha tôi nói ông thuộc lòng những điều đó, nhưng ông vẫn muốn nghe, bởi vì ông tôi hoàn toàn tin tưởng những lời dạy ấy. Và khi cha tôi lớn lên, càng lúc ông càng thấm thía những điều đó.
Chúng tôi đi về phía Tây Bắc, đến Warsaw. Tôi không thể tin được trên đời lại có một nơi như thế. Những toà nhà tráng lệ, và rất nhiều người! Chúng tôi đi dọc theo sông Vistula, ra khỏi Warsaw, nhưng sau đó con sông chảy về phía Bắc, còn chúng tôi thì đi tiếp về phía Tây, băng ngang nước Ba Lan. Chúng tôi đi qua những chiến trường, những khu rừng đã bị bom đạn cày xới đến hoang tàn, và hàng ngàn nấm mồ. Tôi vẫn còn nhớ một người nông dân đã than với chúng tôi rằng mỗi khi ông cố gắng cày đất để trồng cây, ông lại xới lên xương người.
“Khi chúng tôi đến được Đức thì đã vào giữa tháng 10, và trời bắt đầu lạnh dần. Chúng tôi đi về phía Nam Berlin, qua Leipzig, Kassel, và Köln, và chuyện đi bộ càng kúc càng khó khăn hơn đối với cha tôi. Ông ho rất nhiều, nhưng chúng tôi đi không ngừng nghỉ. Ông chỉ cho tôi trên bản đồ những nơi ông đã từng đánh nhau và nơi ông đã chịu đựng những mùa đông. Ông kể cho tôi về những năm sống trong các chiến hào, về bùn và dây thép gai, và về chuyện ông luôn luôn ngủ với áo choàng trùm kín đầu vì có quá nhiều chuột.
“Mặt trận phía Tây trải dài từ Biển Bắc đến dãy Alps – 475 dặm- và hàng ngàn dặm chiến hào đã được đào ở hai chiến tuyến khi hai bên tấn công và phòng thủ. Càng đi về phía Tây, chúng tôi càng thấy nhiều chiến hào - vẫn còn nguyên dạng với các túi cát. Cha tôi giải thích rằng mỗi chiến hào sâu hơn 2m để người lính có thể đi thẳng lưng mà không bị bắn tỉa.
“Ông kể cho tôi nghe cảm giác của một lần, ông và ba người lính khác đứng tán gẫu, và sau khi ông quay đi, một quả đạn pháo rơi ngay nơi ông vừa đứng, xé tan những người lính kia thành từng mảnh. Và quà tặng Giáng Sinh của những người đã chết được mở và chia cho những người còn sống.
“Nhưng trong đám sương mù của s
ự nỗi khốn khổ đó, vẫn le lói hy vọng. Ngày 24 tháng 12, ở cả hai mặt trận phía Tây và phía Đông, một bên bắt nhịp những bài hát Giáng Sinh, và bên kia hoà theo. Sau đó, như có một thoả thuận ngầm, những người lính còn dính đầy bùn đất leo ra khỏi chiến hào, đi vào giữa khu vực tranh chấp, và cùng cất tiếng hát, và uống rượu, và trao quà cho nhau. Nhờ đó cha tôi có thể nhìn rõ hơn đối phương của mình, hoá ra cũng là những người lính mệt mỏi luôn muốn được trở về nhà. Đôi khi những chỉ huy phải mất đến tám chín ngày để có thể bắt binh sĩ đánh nhau trở lại.
“Tôi bắt đầu biết thêm về những nơi cha tôi đã từng đến và những điều ông đã từng làm. Người thợ làm bánh trầm lặng từ Nizkowice, chưa đầy 37 tuổi, đã đánh nhau trong hai cuộc chiến cho ba quân đội khác nhau, và ông đã từng giết cũng như suýt bị giết. Và bây giờ, mỗi ngày ông phải đi bộ từ sáng sớm đến tận chiều tối để bảo đảm rằng cuộc đời tôi sẽ không lặp lại như của ông.
“Ông kể cho tôi những điều ông đã nghe và đã đọc về nước Mỹ. ‘Nếu con có một mảnh đất, không ai có thể tước đoạt nó từ tay con,’ ông nói.’Và nếu con có một ý tưởng, một ý tưởng hay, con có thể trở nên giàu có.’
“Và ông nói về những ngày hội, về gia đình tương lai mà tôi sẽ có, về đêm Giáng Sinh ở đó, về những món quà và bữa tối đêm Noel, và về chuyện luôn luôn phải chuẩn bị sẵn một bộ đồ ăn trên bàn dành cho bất cứ người nào cần một bữa ăn – như chúng tôi đã cần một bữa ăn ngay lúc đó.”
“Làm sao ông sống đuợc trong suốt cuộc hành trình? Ông đã là thế nào để có cái ăn?” Janet hỏi.
“Ở vùng đồng quê, những con sông luôn đầy cá. Và ở thành phố, chúng tôi lần theo mùi toả ra từ các tiệm bánh, và họ thường cho chúng tôi những ổ bánh còn lại của ngày hôm trước. Hoặc chúng tôi đổi nửa ngày làm việc lấy một vài ổ bánh mới. Lúc đầu, cha tôi giới thiệu tôi là ‘Józef’, dần dần sau đó, chỉ đơn giản là ‘con trai tôi’, và tôi rất thích được ông gọi như thế.
“Tôi dần dần quen với chuyện đi bộ - ở tuổi 14, ta có thể thích nghi với mọi thứ. Nhưng cha tôi thì bị khó thở. Ông phải đi chậm hơn và dừng lại nghỉ nhiều hơn, nhưng ông không bao giờ than thở và chẳng bao giờ có ý định bỏ cuộc. Ông ho gần như liên tục. Tôi mang cái la bàn, bản đồ và hai cái chăn, và cha thì đi theo sau tôi.
“Từ Köln, chúng tôi đi vào nước Bỉ, và từ đó chỉ còn khoảng gần 80 dặm là đến bờ biển, nhưng khi đó cha tôi chỉ còn có thể đi một vài dặm trong một ngày, ngay cả khi tôi giúp ông.
“Vào buổi chiều ngày 8 tháng 12, khi chúng tôi lần đầu nhìn thấy biển, và tôi nhớ cha tôi đã cười – như thể ông lại thở được bình thường. Lúc đó, chúng tôi vẩn còn ở vùng đồng quê, và ông ngồi xuống, dựa vào một cái cây, nhìn ra biển, và cười.
“Chúng ta đã làm được,’ ông nói. “Chúng ta đã thành công.”
“Từ bây giờ, chúng ta sẽ đi tàu,’ tôi nói với ông. “Sẽ không còn phải đi bộ nữa.’
“Ừ,’ ông đồng ý, ‘ không phải đi bộ nữa.’
“Chúng tôi ngủ lại đó buổi tối hôm ấy, nhưng sáng hôm sau, cha tôi không thể đứng dậy nổi. Những cơn ho và hơi thở nặng nề của ông làm tôi chợt hiểu. Chúng tôi lại ngồi dưới gốc cây vì hơi thở của ông càng trở nên khó khăn hơn, và mặt ông gần như xanh xám vì thiếu oxy. Trong buổi chiều hôm đó, ông nói với tôi rằng ông muốn tôi hứa với ông một điều.
“Bất cứ điều gì,” tôi nói với ông.
“Cha muốn con hứa là con sẽ không quay lại.’ Và tôi hứa với ông. Một vài giờ sau, ông ra đi.” Józef Glodek ngừng kể và nhìn ra ngoài cửa sổ máy bay. Ông hắng giọng một lần, rồi một lần nữa, và Janet đặt bàn tay lên vai ông. Ông khẽ gật đầu và nói, “Tôi chôn cha tôi ở đó, với hai bàn tay của mình, và ngày kế tiếp, tôi thực hiện lời hứa của mình. Tôi lên tàu đi Liverpool.
“Mãi đến ba ngày sau, khi tôi đã ở trên chiếc tàu hơi nước hướng về New York, tôi mới chợt nhớ ra là mình có thể sẽ chẳng vào được nước Mỹ. Thomas Stafford sẽ chờ ở Đảo Ellis vào ngày 24 tháng 12, nhưng chẳng phải để chờ đón một đứa bé 14 tuổi đi một mình. Ông ấy đến để tìm một người bạn, Jan Glodek, và con trai của Jan. Thomas Stafford không biết tôi. Và nếu không có người bảo lãnh, tôi sẽ bị đưa trở lại tàu về lại Châu Âu. Tôi cứ nghĩ không biết đảo Ellis cách bờ bao xa, vì tôi biết bơi mà. Sau này, tôi nhận ra rằng lúc đó suy nghĩ của tôi thật khác thường. Tôi chỉ mới 14 tuổi, nhưng tôi không còn là một thằng bé nữa; không thể nào, sau khi đứa bé ấy đã đi băng ngang qua cả Châu Âu và tự tay chôn cất cha mình.
“Trên tàu lúc đó có cả mấy ngàn người và họ nói nhiều thứ tiếng tôi chưa từng nghe bao giờ trong đời. Không có bão, nhưng chuyến hải hành thật sự vất vả đối với tôi. Tôi luôn luôn nghĩ cha tôi lẽ ra phải đến đó, bởi vì đó là giấc mơ của ông, và ông xứng đáng có được một cuộc sống mới, một cơ hội thứ hai trong đời.
“Chiếc tàu cập bến sớm hơn dự định một ngày, vào ngày 23 tháng 12, và tôi nhớ lúc chúng tôi đi vào cảng. Những hành khách ra đứng trên mạn tàu, nhưng không một tiếng hét vui mừng hay hò reo. Tất cả đều im lặng. Tôi nghĩ lúc đó chúng tôi lo sợ bởi vì chúng tôi đã vượt một chặng đường quá dài mà có thể sẽ không thể vào được nước Mỹ.
“Chúng
tôi rời tàu xuống những chiếc thuyền nhỏ chở chúng tôi ra đảo Ellis. Thức ăn rất ngon, ngon hơn bất kỳ thứ gì tôi đã từng ăn trong vòng bốn tháng trước đó. Họ chia đàn ông và phụ nữ thành hai nhóm riêng,và tất cả được kiểm tra sức khoẻ để đảm bảo rằng không ai đem theo bất cứ bệnh tật gì vào nước Mỹ.
“Tôi nhìn mấy ngàn người ở đó, chờ đợi người bảo lãnh đến, và tôi chắc chắn rằng mình sẽ bị trả về. Vào ngày Giáng Sinh, ngày này của 80 năm về trước, tôi đang ngồi trên một băng ghế trong đại sảnh khi một người thông dịch và một người khác bước đến gần tôi. Người thông dịch biết tôi là người Ba Lan, bởi vì trước đó chúng tôi đã từng nói chuyện với nhau.
“Cháu là Józef Glodek?’ ông ta hỏi.
“‘Dạ,’ tôi nói.
Người thông dịch gật đầu và lùi lại. Người đàn ông kia bước đến và chìa tay ra cho tôi.
“Ta là Thomas Stafford,’ ông ấy nói.
“Tôi lặng người. Tôi không biết vì sao chuyện đó có thể xảy ra. ‘Làm sao ông tìm được cháu?’ Tôi hỏi bằng tiếng Ba Lan. Câu hỏi được dịch lại, và tôi vẫn nhớ gương mặt của ông Stafford khi ông đang suy nghĩ câu chữ phù hợp. Sau đó ông nói một câu với người thông dịch, và người ấy quay lại nói với tôi, ‘Trong lá thư cuối cùng cha cháu gửi đi, vào tháng 9, ông ấy báo rằng cháu sẽ đến, một mình.”
Frederick Waterman- Hemisperes magazine (Dec 2006)