Monday, December 3, 2007
Sách tháng 11: Digital Fortress
Vẫn phong cách của Dan Brown ở Da Vinci Code: chương ngắn, cắt cảnh nhanh, các tình tiết rối rắm của các tuyến nhân vật liên tục dẫn từ tình huống này đến tình huống khác. Nói chung đọc cũng khá được, nếu không để ý đến những khiên cưỡng mà tác giả có lẽ không tìm được một cách nào tốt hơn để giải toả cao trào.
Chán nhất là tuyến diễn ra ở Tây Ban Nha của anh chàng giáo sư ngôn ngữ. Thật khó tin một thằng sát thủ lại sơ suất đến mấy lần như thế trước một anh chàng kiến cận. Chưa kể là đoạn trong nhà thờ rõ là vớ vẩn. Trong giờ đó mà còn mặc cả mua bán áo vest rồi thay đồ trong lúc đang làm lễ . Có người bị bắn chết trong cái nhà thờ cả ngàn người mà chả thấy loạn gì cả mới lạ. Chưa kể là chả hiểu được vì sao một thằng sát thủ máu lạnh chuyên nghiệp lâu năm lại có thể vội vã gửi tin như thế.
Về tuyến công nghệ thì rõ là chán rồi. Một toà nhà quan trọng bậc nhất của an ninh Mỹ mà lại không có hệ thống điện dự phòng cho hệ thống làm mát cái siêu máy tính và cả hệ thống chiếu sáng. Cả toà nhà tối thui, vậy mà desktop thì vẫn hoạt động mới ghê chứ, chắc mỗi cái có 1 cái UPS như ở mấy nước hay cúp điện quá. Cái vô lý nhất là toà nhà không có cả hệ thống đèn dẫn đường thoát hiểm, chứ đừng nói chi kế hoạch di tản khi có sự cố. Ở Mỹ ngay đến cái nhà hàng bé như cái lỗ mũi nó còn phải đảm bảo mấy cái đường thoát hiểm, đàng này nguyên cái nhà quan trọng thế điện cúp cái là tối thui, ngườii bị nhốt luôn bên trong không thể ra luôn.
Cái code cuối cùng thì rõ là nhảm, khi đọc cái câu hint thì mình biết ngay là phải lấy cái gì trừ cái gì ngay, vậy mà mấy bộ óc vĩ đại của nước Mỹ cứ loay hoay nói nhảm đủ thứ cho đến lúc còn có 2 giây mới tìm ra. Chắc là phải đảm bảo làm cho giống mấy cái phim cắt bom hẹn giờ có dây bảy sắc cầu vồng thằng gỡ bom toát mồ hôi hột tay run run cầm kìm nhấp nhấp chả biết chọn cái nào nhưng rồi cũng cắt đúng vào lúc còn 1 giây. Đọc chả thấy hồi hộp gì hết vì quá nhàm.
Lần trước đọc Da Vinci Code cũng thấy hấp dẫn gay cấn hơn nhiều, chắc là do lồng nhiều chi tiết về lịch sử, tôn giáo, mấy thứ xưa lơ xưa lắc mà không ai có thể kiểm chứng được, nên tác giả cứ bịa thoải mái, người đọc (ít ra là mình) do chả biết gì về mấy thứ đó nên chả thể thắc mắc gì hơn. Còn truyện này thì thời hiện đại nên bất cứ ai biết một tí về máy móc thì thấy ngay tác giả đặt tình tiết khiên cưỡng quá. Nhưng có điều là kết thúc của hai truyện đều làm mình thất vọng như nhau, vì cái chi tiết quan trọng nhất, nguyên nhân của mọi chuyện được lý giải ở cuối truyện nào cũng không kín kẽ, làm người đọc cảm thấy không được hài lòng. Với những tình tiết ở phần trước, người đọc mong chờ một lý giải chặt chẽ hơn ở đọan cuối cùng. Hy vọng ở cuốn Angels and Demons (đang canh me tiệm sách cũ để mua cuốn này) ông này viết tốt hơn.
Sách (mấy) tháng tới: Sacajawea. Cuốn này thấy bảo là best seller của New York Times trong 8 tháng liền vào năm 80. Chuyện thám hiểm, khai hoang, lập ấp ở miền Tây nước Mỹ hy vọng là sẽ hay. Có điều là cuốn này dày hơn 1400 trang, chắc phải đọc những ba bốn tháng mới xong quá. Cũng được, vì sách có 6 phần tất cả, nên mỗi tháng đọc một phần vậy.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment