Tôi thường gọi dì chỉ bằng tên Yêm, như mẹ tôi vẫn thường gọi dì từ lâu lắm rồi. Dì không phải là họ hàng của mẹ, nhưng còn quý hơn cả ruột rà. Ngày xưa dì ở trọ nhà ngoại ở thị trấn để đi học, rồi thành như người thân. Mẹ nhỏ hơn dì mấy tuổi, nên khi mẹ vẫn còn học trung học thì dì đã ra trường, đi học sư phạm rồi về làm giáo viên tiểu học cũng ở thị trấn. Tính dì hiền hậu, lại rộng rãi, lãnh lương là kéo cả đám em út trong nhóm (trong đó có mẹ) đi chơi. Dì và mẹ gắn với nhau từ những ngày đó. Mà nói nào ngay, ai có thể không thương dì được kia chứ?! Dì đẹp, cao ráo, tóc dài đen mượt (chả bù cho mẹ, đen thui mà lại lùn tịt). Nhìn hai người chụp hình cạnh nhau biết ngay là chẳng phải chị em ruột. Mà có hề chi, tình thân đâu nhất thiết phải từ chung một dòng máu). Dì dịu dàng, nhẹ nhàng, lại chăm chỉ, đảm đang. (Nhiều lúc lẩn thẩn, tôi cảm thấy mẹ tôi chẳng có được mấy phần của dì.)
Rồi dì lấy chồng. chú Thanh hình như lúc đó đang đi lính, (sau này giải ngũ cũng làm thầy giáo), nhà chú ở cách thị trấn không xa lắm. Nhưng lấy nhau do mai mối, và dì cũng không biết chú là ai cho đến tận ngày cưới. Dì có lần nhắc với mẹ về hôm cưới ấy, đám rước dâu băng theo đường đồng khi máy bay bay vèo vèo qua đầu, ném bom ở một vùng cách đó không xa. Chắc vì ngày cưới đầy biến động như thế nên sau ngày đó dì cũng không có hạnh phúc. Chú Thanh có một cái nhà nhỏ ở thị trấn, nên dì vẫn ở gần chỗ mẹ. Qua những lời kể của mẹ và chắp vá từ những lần mẹ và các dì nói chuyện, thì chú Thanh hay đánh dì lắm. Mà cũng chẳng hiểu sao lúc đó dì đi dạy, lương giáo viên trước giải phóng cũng khá mà nhà dì vẫn chật vật. Mẹ và dì Linh (lúc đó vẫn còn đang đi học trung học) thương dì vất vả, chạy mượn tiền mua cho dì cái bàn máy may mà khi đem đến, chú Thanh cứ lườm hai người và sau đó còn đánh dì vì dám để cho người ngoài biết chuyện nhà. Mãi sau này mẹ vẫn còn ghét chú Thanh, hễ mỗi lần ghé nhà dì mà có chú ở nhà là mẹ lại về ngay, còn thường thì cứ phải ngồi chơi cho đến khi nào phải về mới thôi.
Trong mắt tôi, và theo những gì mẹ nói, thì chú Thanh là người khó chịu (mẹ còn nghĩ chú có máu ác). Tọi cũng chẳng bao giờ nói chuyện với chú, vì chú ở nhà thờ trong đồng, ít khi ở nhà ngoài thị trấn. Vài lần gặp thoáng qua thì chỉ thấy chú khó gần, chứ với khách chú cũng chẳng phải cộc cằn thô lỗ gì. Nhưng mẹ thì thương dì, nên ghét chú lắm. Mẹ bảo chú bỏ dì một mình nuôi con, trong thời buổi khốn khó sau giải phóng, lương giáo viên tiểu học tỉnh lẻ một mình nuôi ba đứa con thì quả thật dì phải vật lộn nhiều.
Mãi khi tôi lớn, và nhớ được nhiều chuyện thì tôi mới biết dì khổ thế nào, chứ trước đó, tôi, thỉnh thoảng về quê với mẹ, đi ngang nhà dì ghé lại thì dì lúc nào cũng cười. Các con dì rồi cũng lớn. Anh Hí rồi đến chị Sương và cuối cùng là thằng Lâm. Anh Hí làm giáo viên cấp hai, rồi có vợ là dân buôn bán. Chị Sương lúc đầu làm nghề giữ trẻ, và học đại học tại chức tiếng Anh. Thằng Lâm thì đầu óc hơi không bình thường (ngày xưa tôi nói là nó bị mad). Nó quậy phá, chơi bời lêu lổng, không chịu học hành gì, dì buồn lắm nhưng chẳng biết làm sao. Mẹ tôi thường hay đổ lỗi:”Nó có máu của ba nó, chứ Yêm hiền khô mà. Chắc là quả báo của ông Thanh.”
Thằng Lâm bỏ học trước khi vào lớp 10 thì phải. Suốt ngày nó đi đá gà, cờ bạc, hết tiền lại về nhà lấy cái gì đó đi cầm. Chạy vạy mãi dì mua được cho nó cái xe máy để cho nó chạy xe ôm, nó cũng đem cầm lấy tiền cá độ đá gà. Sau lần đầu dì vay tiền tìm cách chuộc về. Lần hai nghe tin, dì đã thấy đầu óc váng vất. Chưa kịp chuộc xe về thì thằng Lâm nó đè nghiến dì ra lột đôi bông tai cưới của dì đem đi cầm. Dì lên máu, và bị tai biến mạch máu não, khi dì vẫn còn ba năm mới đến tuổi về hưu.
Dì bị liệt nửa người, chỉ ú ớ không nói được tròn chữ. Nghỉ hưu non, số tiền lương chỉ đủ cho dì sống một cách khiêm tốn. Anh Hí thì có vợ, chỉ lo cho gia đình riêng. Thằng Lâm sau đó bỏ đi Phú Quốc với cô bồ đã có bầu. Còn lại chị Sương phải vừa đi làm, đi học và lo cho dì. Chú Thanh cũng về nhà thường xuyên hơn nhưng chẳng giúp được gì, mà chỉ làm cho dì thêm buồn bực. Mấy lần ghé nhà, thấy dì vung tay, vẻ mặt ấm ức lắm nhưng cố mãi cũng không nói ra được.
Rồi tự dưng chú Thanh bị nhồi máu cơ tim và mất. Sau đám tang, mẹ hỏi dì thấy có còn giận chú nữa không thì dì xua tay rối rít, miệng ú ớ. Rồi thằng Lâm trở về, mang theo vợ và đứa con gái. Nó và vợ nó cũng đi suốt, dì vẫn phải ở nhà một mình. Chị Sương phải một mình lo cả thuốc men trong khi đồng lương chả có bao nhiêu.
Rồi một ngày, bạn chị ở Mỹ làm mai cho chị một người Mỹ. Anh này cũng lạ, chỉ thích cưới con gái Việt Nam. Thư đi thư lại nhiều lần, anh cầu hôn. Chị hỏi mẹ, giờ con không biết tính sao. Mẹ nói: "Thôi mày cứ lấy chồng rồi đi đi, sang đó cố mà làm việc rồi gửi tiền về lo cho Yêm, chứ ở đây mày phải đi làm suốt ngày mà cũng chả có tiền lo cho Yêm, với lại ở đây thì chắc chẳng lấy được chồng với hoàn cảnh nhà như vậy mà lại cũng không xinh đẹp gì. Còn bệnh tình của Yêm thì chẳng biết bao giờ khá hơn, cho nên không thể chờ đợi mãi đâu." Cuối cùng, chị Sương quyết định lấy chồng, rồi đi Mỹ.
Dì còn lại gần như có một mình trong nhà với hai đứa cháu nội bé tí. Anh Hí thì ra riêng. Vợ chồng thằng Lâm buôn bán vặt ngoài chợ nên đi suốt. Ăn sáng thì có hàng xóm mua dùm, trưa thì vợ anh Hí nấu cơm, thằng con anh xách cặp lồng mang sang, cho hai bữa trưa và chiều. Tiền thì hàng tháng chị Sương gửi về, cộng thêm tiền hưu của dì nữa, kể ra dì cũng ổn. Nhưng một lần ghé nhà, thấy bữa trưa của dì chỉ có một con cá bống kho với một ít canh khoai mỡ, mẹ ái ngại mới hỏi dì. Hoá ra dù nhận tiền gửi về cho dì, nhưng anh Hí cũng không c
hăm cho dì ăn uống được đàng hoàng. Ngay cả con anh Hí mỗi lần đem cơm đến cho dì, dì cũng phải trả cho nó 2000 đồng, nếu không thì nó không chịu đi. Dì sợ anh Hí lắm, cứ thì thào nói với mẹ: Sợ lắm, sợ Hí lắm. Hoá ra anh Hí vẫn hay nhiếc móc dì, vì nghĩ là dì méc chị Sương tình cảnh bên này. Thằng Lâm thì nghèo, ít học, cũng không lo gì cho dì được nên nó cũng không dám ho he gì với anh Hí, cho dù nó cũng thấy dì bị đối xử tệ thế nào.
Rồi cho đến năm ngoái, khi tôi chuẩn bị đi sang đây thì chị Sương về làm thủ tục rước dì qua bên này để chăm sóc. Tôi bay trước dì một tuần, lần cuối gặp dì, dì cứ nắm tay tôi nắn nắn, khen “đẹp trrrrrraaaaii quá, giỏi quá. Bằng tuổi … Lâm đó, bằng tuổi Lâm đó. Mẹ mày có phướcccccc. Con giỏi hết trơơơnn” Dì cười mừng cho tôi, không bíêt dì có buồn cho cảnh của mình không?
Mỗi tháng tôi vẫn gọi điện cho dì, để nghe giọng của dì, thế thôi. Mỗi lần cũng chỉ nói quanh quẩn chuuyện tôi học ngày mấy buổi ăn đâu ở đâu đi xe gì mập hay ốm. Tôi cũng chỉ hỏi dì ăn gì coi phim gì rồi thôi. Sang đây dì cũng chỉ ở trong phòng, đến bữa ăn cơm, rồi cả ngày coi phim bộ Hồng Kông, Hàn Quốc. Tôi cũng cố tránh không dám hỏi, không dám nhắc gì đến Việt Nam, sợ dì nhớ, lại buồn. Dì vẫn cười giòn mỗi khi tôi gọi điện, tôi cũng không biết hàng ngày những lúc dì ở nhà một mình thì có vui không nữa.
Cho dù dịch vụ y tế ỡ Mỹ có tốt cách mấy thì bác sĩ cũng hết cách cứu vãn bệnh tình của dì. Sau khi sang đây, bác sĩ cho biết tim dì rất yếu. Mấy tháng gần đây thận lại không hoạt động. Tuần trước vào viện bác sĩ bảo nếu mổ tim thì cơ hội chỉ có 50-50, mà không mổ thì dì có thể đi bất cứ lúc nào. Chị Sương không biết quyết định thế nào, nói với dì thì dì bảo cứ mổ đi. Hôm đó gọi điện cho dì, tôi vẫn đùa là phải mổ cho biết trình độ bác sĩ Mỹ chứ! Dì cười “Ờơờ haaa.” Hỏi dì thấy trong gnười thế nào, có ngủ được không? Lần đầu tiên tôi thấy dì bảo khó ngủ, “meeeệt lắm, không ăn gì hếtt”. Trước đây, chưa lần nào dì nói vậy hết. Tôi đã lo.
Không ngờ đó là lần cuối cùng tôi nói chuyện với dì. Hôm kia gọi cho chị Sương thì dì đang ở trong phòng chăm sóc đặc biệt. Dì hôn mê trên giường, tại nhà, không có dấu hiệu gì là vật vã cả. Nhẹ nhàng như đang ngủ. Bác sĩ bảo não của dì đã bị chết gần hết, không có hy vọng gì. Giờ bệnh viện chỉ còn duy trì đời sống thực vật cho dì, cho đến lúc gia đình quyết định…
Chị Sương cũng không biết làm thế nào. Gọi điện về Việt Nam cho thằng Lâm bíêt, nó bảo chị làm gì thì làm, đừng về Việt Nam nữa, nếu không nó sẽ xách dao chém chị. Hoá ra anh Hí đồn rằng chị đem dì qua bên này rồi bỏ trong viện dưỡng lão. Mà nếu dì mất rồi, chị cũng về Việt Nam làm gì nữa. Có còn gì để mà về?
Chị cho biết khi mới sang dì có làm lễ gia nhập đạo Thiên Chúa. Hồi sáng này cha đã vào viện làm lễ xức dầu cho dì. Chị đang xin cho dì có được nằm trên nghĩa trang của nhà thờ. Vậy là, dì sẽ nằm lại trên đất của Chúa ở nước Mỹ, không biết khi đến cửa thiên đường, làm sao dì gọi được thánh Peter mở cổng. Tiếng Việt dì còn ú ớ nữa là…
Nhưng dì nhất định sẽ vào được thiên đường, dù nơi đó có được canh giữ bởi ai đi nữa. Vì dì là người tốt nhưng đã phải chịu khổ suốt từ khi lấy chồng rồi. Gần bốn chục năm chứ ít gì!?
Kể chuyện dì của V nghe buồn wá. Tiếc dùm Vũ là những ngày cuối đời của dì Yêm V không đến thăm dì được. Nhưng chắc chắn là dì sẽ vào được thiên đường...
ReplyDeleteTren doi co nhieu nguoi co cuoc doi vat va tu luc nho cho den khi chet, dung la buon that. Tui khong tin vao chuyen thien duong hay dia nguc gi ca, cung nhu khong biet ro lam ve cach suy nghi cua di Yem, nhung tui nghi la chet cung co the la giai thoat cho di ay.
ReplyDeleteTao thi` khong tin va`o ton giao la('m dau, nhu+ng ma` no mang la.i niem hy vo.ng cho tat ca? moi nguoi...merry xmas
ReplyDeleteĐã gần khóc khi đọc xong bài này. Để em thắp thêm 1 ngọn nến soi sáng thêm đường lên thiên đàng cho Dì của anh nhé.
ReplyDeleteChắc Dì anh vẫn luôn mong anh sống vui vẻ đấy. Năm mới vui vẻ và bình an!
Chuc con mot nam moi 2008 binh an va vui ve,khong sao dau!Chac la thanh Peter co nguoi thong dich tieng Viet,dua vay thoi,chu song la hy vong,nguoi tot chac chan se ve troi con a!
ReplyDelete