Saturday, February 2, 2008

A B C rượu ngoại

Mình là dân nhà quê, cái đó thì đã in sờ sờ trên mặt rồi, chả lẫn đi đâu được. Nhưng khổ cái, nhà quê thì khi có được tí tiền cũng muốn thử những thứ sang cả mà trước giờ chỉ ngồi ngắm bọn nhà giàu nó khoe mẽ trên đủ thứ TV sách báo. Chỉ có điều, cái phong cách sang trọng nó không đến một cái đùng mà đòi hỏi phải có một quá trình xây dựng, cho nên muốn theo bọn có tiền không phải là chuyện chỉ có tiền mà xong, huống chi là chỉ có tí tiền.

Mình vốn cũng chả phải bợm nhậu (dù uống được khá nhiều, và từng làm nhiều người ngạc nhiên vì khả năng chịu đựng rượu của mình.Chả ai thấy mình uống bao giờ nên tưởng mình uống kém, đến khi thấy mình nốc hết ly này tới ly khác thì mới bật ngửa. Chẳng qua là mình thấy rượu nó chả có ngon lành gì (dù sao cũng còn đỡ hơn bia, lạt nhách mà lại nhiều nước, uống chỉ tổ óc ách bụng) nên chả thích thú gì chuyện rượu chè. Bởi vậy với mình thì rượu nào cũng như rượu nấy, cũng cay cay, ực cái là hết. Độ cồn cao thì nóng cổ nhiều hơn thế thôi. CHứ còn các thể loại như rượu mạnh mà êm (là sao?!), mùi thơm, vị nồng gì gì đó thì mình chả biết, vì mình cứ ngậm vào mồm là nhắm mắt bậm môi nuốt cái ực. Mùi chưa kịp xông lên tới mũi, gai vị giác chưa kịp cảm thấy gì thì rượu đã đi tới bao tử rồi còn đâu. Còn lần nào uống rượu về mình cũng ngủ li bì, mà lần nào cũng uống hầm bà lằng hết, nên sáng bữa sau có nhức đầu cũng chả biết quy cho cái rượu nào. Thỉnh thoảng nghe dân tình nói loáng thoáng hay thấy trên báo lá cải chúng nó làm phóng sự bảo bọn ăn chơi uống một lần mấy chai X.O mấy triệu thì tui chép miệng bảo tụi này khùng, chứ có biết X.O là cái khỉ gì đâu. Quy ra tiền mà chửi thôi.

Vì thế ai có nói gì đến rượu thì mình cứ ngoạc mồm hồn nhiên bảo là trâu ăn mẫu đơn hay ăn bông súng gì cũng thấy như nhau cả. Cho đến một ngày, bố mình bảo mua cho bố một chai cô nhắc gì đó gửi về cho bố bỏ vô tủ khoe với bạn bè là con tao đi học nước ngoài mua gửi về. Rồi thì bố dẫn chứng là cái chú X của tui khi đưa con đi qua đây du học thì có mang về mấy chai Mạc teo gì đó, hôm nọ có mời bố uống. Vì vậy bố cũng muốn có một chai để bỏ vô tủ chưng, khách tới nhà giở ra khoe. Mình mới hỏi bố là bố có biết rượu đó giả hay thiệt đâu, uống y chang rượu đế chứ khác gì. Bố mới nói là uống thì cũng thơm thơm (hic, có 1 ly tí ti mà không hít hà khen thì làm gì giờ?!) với có cái chai đẹp. Mình nói thôi thì cứ mua cái chai ở vỉa hè đường Võ Thị Sáu rồi bơm nước trà vô cho nó đẹp là được rồi, mua chi cho nó tốn tiền, mà xét ra cái rượu thừong thường bên này thì khác gì so với rượu nếp ông bác mình nấu đâu, trong khi so với giá cả ở Việt Nam thì trên trời, còn rượu mà sang thiệt sự của tụi nó thì có nước bán nhà để mua. Nhưng mà bố thì cứ khăng khăng là nó ngon thiệt, sang thiệt; cái Mạc teo, Hê nết xi gì đó. Mình cũng hết ý kiến luôn.

Nói thiệt là mình rất rất rất dị ứng với cái kiểu khoe khoang hết sức là … tầm thừơng như vậy, nhưng mà … đó là bố mình mà. Nếu không phải màu mè sĩ diện thì không phải là bố. Và thật ra thì sau khi thăm dò ý kiến một số các bô lão khác thì mình cũng phát hiện ra rằng cái nhu cầu khoe mẽ là một nhu cầu có thật của những người già, khi mà con cái là biểu tượng cuối cùng (và duy nhất) để cho thấy sự thành công của cuộc đời. Bởi vậy sau một hồi giải trình rằng thì là rượu bên này mà dưới một trăm đô là rượu bình dân, đem chưng vô tủ người biết thì cừơi vô mũi cho nhưng vẫn không lay chuyển được cái lòng kiên định muốn khoe của bố, mình mới bấm bụng quyết định bỏ tiền ra mua một thứ xa xỉ mà mình nghĩ là mình chả bao giờ thèm để ý, để cho bố vui, ít nhất là thoả mãn được cái ẩn ức muốn khoe con đi du học với người khác (mặc dù chuyện mình đi học thì chắc mấy người quen của bố biết hết từ hồi mình chưa lên máy bay lận). Bởi vậy mình mới phải bỏ thời gian lục lọi tìm hiểu về mấy cái rượu Tây, chứ không thì chả biết mua cái gì. Và kết quả tóm tắt như sau:

Wine (rượu vang)

Cái này thì mình biết từ hồi xửa là nó làm từ nho nè. Nho màu gì sau khi lên men cho ra vang màu đó (?) nè. Hết rồi, biết nhiêu đó hà. Tên rượu thì đặt theo tên vùng / tện lò sản xuất và kèm theo tên giống nho. Nho thì có nhiều giống, mấy cái thường gặp nhất là Pinot Noir, Merlot (đỏ) hay Chardonnay (trắng) rồi còn mấy loại nho lai nữa. Có hiệu thì chỉ xài 1 loại nho, có loại thì trộn lung tung xà beng lại với nhau. Mà chất lượng rượu thì quyết định bởi chất lượng nho, thành phần nho trộn vô, kỹ thuật lên men, bảo quản… Chất lượng nho thì phụ thuộc đất cát thời tiết và chuyện thằng nhóc con ông nông dân có đái vô gốc nho hay không. Nói chung là hầm bà lằng hết. lên men thì cũng tuỳ, có khi để cho đường nó chuyển hết thành rượu với acid lụôn thì là vang dry/sec, nếu ngưng giữa chừng chừa đừờng lại thì vang sẽ ngọt hơn. Sau khi lên men xong thì ủ trong mấy cái thùng gỗ, sau một thời gian thì đem ra đóng chai. Đóng chai xong thì vẫn để dưới hầm, chừng nào mà thấy khoái thì đem ra bán. Nhưng mà có điều là không phải vang càng cũ thì càng ngon đâu nha. Tuỳ thuộc vào chất lượng nho năm đó mà rượu sẽ có thời gian để đạt độ “chín”tốt nhất, cho nên uống lúc đó thì mới ngon, chứ để lâu hơn có khi nó thành dấm mất. Mà chuyện lúc nào thì nó chín thì mấy thằng cha chuyên gia ở lò rượu mới biết chứ còn dân thường thì miễn bàn. Muốn biết thì chỉ có nước đi mua cuốn hướng dẫn về rượu vang xuất bản hàng năm trong đó có đánh giá về tất cả các loại vang của các lò do mấy thằng cha chuyên nghề uống rượu nói phét viết. Mà rượu 10 đồng ba chai thì chả có trong danh sách đó nên mình miễn quan tâm.

Rồi thì còn nhiều chuyện hầm bà lằng kiểu như vang thì phải uống lạnh. (do vậy mà không nên lấy nguyên cái tay bưng vô cái b
ụng của cái ly, vì như vậy sẽ làm rượu ấm lên, mất ngon (mịa), chỉ nên cầm cái chân thôi. Cách thức thử vang thế nào thì miễm để ý, vì chỉ có bọn giàu sụ mới làm, chứ nhà nghèo mua chai nào thì uống cho đến gọt cuối cùng, chứ ở đó mà đỏng đảnh được sao. Rồi cơ bản nhất là vang trắng ăn thịt trắng vang đỏ thịt đỏ (còn thịt hồng thì chắc là trộn hai thứ với nhau quá). Mà thiệt ra thì trừ mấy cái loại cao cấp dành cho dân nhà giàu ra thì mới phải quan tâm chất lượng, tuổi tác chứ còn loại rẻ bán đại trà cho quần chúng nhân dân (cái wine of table) thì bọn lò rượu chúng nó chủ yếu là cố duy trì chất lượng như nhau, năm này qua năm khác cho nên chả việc gì phải nhức đầu chọn lựa chai nào ngon dở hết. Uống thử một hiệu thấy ngon thì cứ thế mà mua uống tiếp thôi. (mình thì không có căn cứ theo chuyện nhãn hiệu, ngon dở, cứ thấy chai nào giá chia cho thể tích nhỏ nhất thì mua thôi. Chủ yếu là để nấu bò kho thì cần quái gì mấy yếu tố khác.)

Cognac/ Brandy

Vang hồi xưa thịnh hành ở châu Âu, mà nổi nhất là Pháp. Bởi vậy dân mấy nước khác phải nhập từ Pháp. Có thằng cha Hà Lan kia thấy chở rượu nho trên tàu từ Pháp về tới nhà thì nó chua thành dấm mất tiêu nên mới kêu mấy cái lò ở vùng Cognac chưng cất cái rượu vang để lấy rượu độ cồn cao hơn, chở dễ mà không bị hư (vi khuẩn lỡ rớt vô là ướp xác luôn chứ khỏi lên men giấm). Chưng cất 2 lần thì ra cái rượu trắng độ cồn đâu đó 40, rồi đem bỏ vô thùng gỗ sồi (kiểu thùng nước mắm nhà mình) đem cất dưới hầm. Cái nhựa gỗ sồi nó có màu vàng nên cái rượu trắng nó cũng vàng luôn. Càng cất lâu thì rượu càng thấm nhựa, càng ngon, nhưng mà lâu quá thì rựơu nó bay hơi hết chả còn lại bao nhiêu trong thùng hết. Nói chung là cái rượu cất từ rựơu vang rồi ủ trong thùng gỗ sồi thì kêu là rượu brandy. Còn chỉ có brandy sản xuất ở vùng Cognac của Pháp mới được gọi là Cognac. Mà nổi nhất của Cognac là 4 lò Remy Martin, Courvoisier, Hennessy, và Martell. Nhưng mà thiệt ra mà nói rượu thường của bọn này có khác khỉ gì so với mấy lò khác đâu, thậm chí còn tạp nham, nhưng do danh tiếng nhà nó, lâu đời, cộng với chiến lược quảng cáo dội bom đ1nh vào sự sính sang cho nên dân tình cứ xông vào mua với giá mắc hơn mấy hiệu khác. (Hic, hoá ra không phải chỉ mình mình bị vậy, dân Tây chúng nó cũng sính). Cognac là do bọn Pháp nó truyền vào Việt Nam rồi dân nhà ta cứ thế mà Cô nhắc, Hen nết xi với Mạc teo coi như đỉnh cao của sự sang trọng, chứ xét ra khác gì rượu nếp ngâm chuối hột nhà mình đâu.

Rồi mỗi nhà sẽ có hạng rượu riêng, chủ yếu căn cứ vào tuổi rượu. Loại dỏm nhất và V.S (very special) ít nhất là 2 năm tuổi (là sao trời? dỏm nhất mà "rất đặc biệt" vậy á?) hay 3 sao. Rồi kế nữa là V.S.O.P (4 năm). Rồi sang nữa thì các thể loại X.O rồi vua chúa Naopleon, Luis v.v . có khi tới 200 năm tuổi. Nói chung là cứ càng cũ càng hiếm, mà càng hiếm thì chai càng đẹp, giá càng mắc, có chai mấy ngàn đô (khùng sao trời?!). Mà cái giá của Cognac nó cũng mắc hơn mấy loại Brandy khác nhiều lắm. Hic, nhưng mà mình không thể nào mua Brandy của Mỹ cho bố mình được, vì như thế khác gì mua rượu đế ngâm chuối hột, mình phải bỏ tiền ra mua cái Remy Martin V.S.O.P mà lòng đau như cắt.

Nhân tiện tìm hiểu rượu mạnh thì tìm hiểu thêm luôn mấy loại vẫn nghe dân tình nói. Rum là rượu cất từ rỉ đường (mía) lên men của dân vùng Caribê (chắc tại trồng mía nhiều nên làm rượu uống chơi. Whiskey (của bọn Scotland, Ireland) thì từ ngũ cốc sau đó cũng bỏ vô thùng gỗ sối (nói chung cái rượu nào có màu vàng là do thùng gỗ sồi hết, nếu mà gỗ sồi đó không đủ vàng thì nó pha thêm đường khét (caramel)). Gin (Hà Lan) là từ ngũ cốc có thêm cái trái của cây bách xù (na ná thông, mùi cũng hắc hắc). Tequila của Mexico thì từ cái cây giống cây lưỡi cọp nhà mình, chờ nó ra cái vòi hoa thì cứa lấy cái nhựa ngọt mà đem lên men. (sao dân nhà mình không lên men nước thốt nốt rồi cất rựơu ta, chắc cũng giống Tequila chứ gì!?). Vodka (Đông Âu với Bắc Âu) thì cất từ bất cứ thứ gì có tinh bột, mà cái vodka này nó chả cần mùi mẽ gì hết, chỉ cần cồn càng tinh khiết càng tốt. Hồi xưa đọc sách Nga thấy bọn nó uống rượu độ cồn tới 8-90 độ mà cũng chịu được, công nhận là ghê. Đó là nói các loại rượu mạnh chính thôi đó. Còn các loại rượu mùi khác như mùi cà phê, mùi sữa caramel, mùi hồi, mùi quế, mùi atisô, mùi cam quit bưởi sầu riêng mãng cầu măng cụt dừa chuối thì cũng na ná rượu ngâm nhà mình thôi. Còn dân châu Á chả thấy cái rượu nào nổi tiếng thế giới hết trơn, chắc là do thấp cổ bé miệng, marketing kém chứ còn về chất lượng thì có khác gì mấy cái loại của Tây đâu.

Sau một hồi đọc thì túm lại một điều là với rượu đừng có nghĩ là nổi tiếng (và mắc) thì là ngon. Do a dua và tác dụng của quảng cáo cả đấy. Nếu có thích uống (và có khả năng tiền bạc) thì cứ thử qua thấy cái nào hợp thì uống thôi, mà có khi mấy cái rẻ rẻ do mấy lò không tiếng tăm gì thì lại ngon hơn cũng nên. Mà cứ gì lại cứ phải của Tây mới được. Rượu ngâm của Việt Nam xét ra cách làm còn sang và phức tạp hơn cả của chúng nó ấy chứ.

À, nói thêm, nhân đà say máu mua rượu hôm qua, mình đã mua một chai vang đỏ lít rưỡi với chai Vodka Absolut (chả hiểu sao nó giảm hơn nửa giá, chắc là hàng mới). Chai vang thì còn để nấu bò kho chứ còn chai Vodka giờ chả biết làm gì với nó hết. Chả nhẽ cũng gửi về cho bố ?! Mà bố thì đâu có bíêt tiếng Vodka đâu, cho nên sẽ không thấy … sang. Mà không sang thì Vodka khác gì rượu đế giá cao? Hic, tàn dư của bọn Pháp công nhận tồn tại dai dẳng thiệt.

No comments:

Post a Comment